Doanh nghiệp dệt may đang đứng trước bài toán về chuyển đổi đầu tư để đạt mục tiêu phát triển bền vững, duy trì đà tăng xuất khẩu và không bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
Xu thế tất yếu
Ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may còn đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR và CBAM cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Đặc biệt vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Cụ thể, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Tức là các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải quyết liệt triển khai lộ trình xanh hóa trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Xanh hóa là xu thế tất yếu của ngành dệt may. Cần tích ứng sản phẩm tuần hoàn vào sản phẩm dệt may, đây là điều bắt buộc chứ không còn chỉ nằm trên giấy.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, EU đưa ra quy định liên quan đến chương trình dệt may tuần hoàn và bền vững, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất đối với các sản phẩm dệt may (EPR – Trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất), được áp dụng từ năm 2025. Vì vậy, để củng cố thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới, các doanh nghiệp Việt phải có định hướng chiến lược chuyển đổi rõ ràng, đồng bộ và hiệu quả để đón đầu các thay đổi sắp tới của thị trường, đặc biệt hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ và châu Âu.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt khẳng định, xanh hóa trong hoạt động sản xuất không chỉ là yêu cầu đối với doanh nghiệp mà còn của toàn ngành trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 là giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới tiên phong cam kết phát triển bền vững với việc sản xuất xanh, tạo ra các sản phẩm xanh...
Chủ động thích ứng
Để chủ động định hướng cho doanh nghiệp thích ứng và bắt kịp với xu hướng phát triển bền vững của thế giới, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người. Đồng thời, có những cam kết mạnh mẽ với quốc tế về lộ trình hướng đến giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1643/QĐ-TT ngày 29/12/2022 đã đề cập dệt may, da giày phải đầu tư theo hướng đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược phát triển ngành thời trang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Theo đó, định hướng ngành dệt may Việt Nam từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, tham gia vào vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng được thương hiệu riêng của Việt Nam để xuất khẩu.
Những cam kết trên của Việt Nam cùng yêu cầu của các thị trường chính là định hướng cho doanh nghiệp chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Đó là con đường mà các doanh nghiệp phải đi nếu muốn tồn tại và phát triển.
Ông Vũ Ðức Giang cho biết: Về phía VITAS ngay từ năm 2017 đã thành lập Uỷ ban phát triển bền vững và đưa ra mô hình phát triển bền vững PPP (Profite - People - Planet) trong đó vấn đề xanh hoá, bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm. Các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế như WWF, GIZ, IDH, USAID... đến nay đã có sức lan toả đến các doanh nghiệp trong ngành.
VITAS đã chủ động phối hợp với tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) thực hiện Chương trình xanh hóa dệt may Việt Nam. Qua chương trình đã góp phần tiết kiệm, tái chế đáng kể lượng nước sử dụng. Việc sản xuất một cái quần jean trước đây phải sử dụng đến 80 lít nước nhưng hiện nay chỉ tốn nửa lít nước.
Các doanh nghiệp cũng đã chủ động kiểm toán năng lượng; Sử dụng năng lượng tái tạo; Chuyển đổi nồi hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thạch sang dùng điện hoặc sinh khối (biomass; Xử lý nước thải và tái sử dụng (tuần hoàn) nước; Bố trí cảnh quan môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp; Đầu tư công nghệ tiên tiến giảm tác động xấu đến môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã làm sợi, làm vải từ phế phẩm nông nghiệp.
TS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết: Hiện nay, VNCPC với sự hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH – Hà Lan) và Viện Dệt may toàn cầu (Aii) đang hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên – sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình “Vươn tới đỉnh cao” (Race to the Top) nay gọi là “Clean By Design”. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình đã mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2022, bốn doanh nghiệp dệt nhuộm đã tiết kiệm tới 1,97 triệu kWh điện, 3.150 tấn than, 203.400 Sm3 khí CNG, 595.000 kg gỗ, 228.450 m3 nước và qua đó giảm được 10.480 tấn CO2 tương đương.
Đẩy mạnh đầu tư
Năm 2023, với sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD (tương đương 8,9%), xuất khẩu vải giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), xuất khẩu xơ sợi giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3)... Bên cạnh đó, hiện 27 thị trường thuộc EU đều thắt chặt tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu theo Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050.
Trước những thách thức và yêu cầu khắt khe của thị trường, nhiều doanh nghiệp trong nước đã thay đổi và hướng đến sản xuất xanh.
Công ty TNHH Thời Trang Star là thành viên của Tập đoàn Crystal International có trụ sở tại Hồng Kông chuyên gia công sản phẩm may mặc xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Phát triển bền vững chia sẻ, Công ty TNHH Thời Trang Star cũng như tập đoàn Crystal luôn luôn quan tâm đến các hoạt động về phát triển bền vững. Trong đó các hoạt động về tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn, tái chế hay các hoạt động phát triển bền vững cho cộng đồng là những mục tiêu chiến lược của công ty.
Hiện Công ty TNHH Thời Trang Star cùng với tập đoàn Crystal đã đặt ra mục tiêu phát thải thuần bằng 0 vào năm 2050 và mục tiêu ngắn hạn là giảm phát thải tuyệt đối 35% carbon đến năm 2030.
Để tăng việc sử dụng các nguồn năng lượng bền vững, công ty đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại Phân xưởng 1 và 3, chuyển đổi sử dụng nồi hơi bằng điện, diesel sang nồi hơi sử dụng sinh khối (biomass) giúp giảm thiểu lượng phát thải.
Đối với rác thải, Công ty đã thực hiện chương trình Zero Landfill - tức là 100% rác sẽ không chôn lấp và thiêu đốt. Bà Vân cho biết, để tái sử dụng rác thải trong quá trình sản xuất, công ty đã hợp tác với Công ty cổ phần phát triển công nghệ và tài nguyên môi trường (DRET). Theo đó, vải vụn cotton... sẽ được tái sử dụng làm lõi đệm, lõi gối, thảm và các vải sợi polyester sẽ tái chế để tạo ra hạt nhựa và từ hạt nhựa này sẽ tạo thành vải polyester.
Lượng rác thải không tái chế được sẽ được đưa đến Công ty TNHH đầu tư dịch vụ môi trường Phú Hưng để đốt thu hồi năng lượng. Nhiệt lượng của quá trình đốt sẽ được tận thu để sấy nguyên liệu đầu vào của lò đốt và ra tro xỉ sau quá trình đốt sẽ dùng để làm nguyên liệu chế tạo gạch không nung.
Hay tại Công ty TNHH Sợt dệt Hương Sen Comfor, ông Trần Xuân Thọ - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Sản xuất xanh rất quan trong với ngành may mặc, thời trang. Cụ thể, ngay tại khâu sản xuất sợi đã có rất nhiều các tiêu chuẩn từ các nhãn hàng yêu cầu phải có tiêu chí xanh và sạch. Đặc biệt là cung ứng sản phẩm cho các thị trường Châu Âu hoặc thị trường phát triển như Nhật Bản đòi hỏi doanh nghiệp phải có chứng chỉ, sản xuất xanh.
“Để hướng tới sản xuất xanh, bền vững, Sợt dệt Hương Sen Comfor đã chuyển dịch theo hướng xanh hóa bằng việc đầy tư các dây chuyền, thiết bị sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện; đầu tư điện mặt trời áp mái… Bên cạnh đó, công ty đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 để quản lý, đánh giá và kiểm tra chất lượng nước thải luôn đảm bảo an toàn với môi trường.” - ông Trần Xuân Thọ - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sợt dệt Hương Sen Comfor.
Ðánh giá về quá trình xanh hóa của ngành dệt may, Chủ tịch VITAS Vũ Ðức Giang khẳng định, việc các doanh nghiệp tiếp cận năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng dệt may một cách bền vững. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành của Chính phủ thông qua việc hỗ trợ các cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai..., giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với mức ưu đãi để đẩy mạnh đầu tư, mua sắm các trang thiết bị phục vụ lộ trình xanh hóa dệt may.