Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/12/2024 | 18:57 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Phát triển vật liệu xây dựng xanh thân thiện với môi trường

19/10/2024

An toàn với người dùng, thân thiện với môi trường, vật liệu "xanh" đang dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu của xu hướng xây dựng bền vững trong tương lai.
Xu hướng tất yếu
Thống kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng, trong đó sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) chiếm tỷ trọng đáng kể.
Bên cạnh đó, hiện nay nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, cùng với gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển các loại VLXD xanh, thân thiện với môi trường đang dần trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng đến của ngành công nghiệp sản xuất VLXD.
Yêu cầu này cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Phát triển vật liệu xây dựng không nung đang là xu hướng mới trong lĩnh vực xây dựng
Khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xanh
Nhằm đẩy mạnh phát triển vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường nói chung và gạch không nung nói riêng, Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010, trong đó quy định “Sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong các công trình xây dựng”.
Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, trong đó đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường, trong đó có vật liệu xây không nung.
Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đặt sét nung đạt tỷ lệ: 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình theo quy định.
Thông tư 09/2012 của Bộ Xây dựng ban hành ngày 18/10/2012 quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình xây dựng bằng vốn Nhà nước buộc phải sử dụng vật liệu không nung ở các đô thị loại 2, tối thiểu phải 50% và đô thị loại 3 là 100%.
Ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng. (Ảnh: Báo Xây dựng)
Ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, kết quả thực hiện Quyết định số 2171/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) tại Việt Nam đến năm 2030, tính đến nay có khoảng 1.200 cơ sở sản xuất VLXKN trên toàn quốc hiện đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế (CSTK) đạt khoảng 12,4 tỷ viên QTC/năm, chiếm khoảng 40% tổng CSTK vật liệu xây.
Trong đó, sản xuất gạch bê tông (gạch xi măng - cốt liệu) khoảng 920 cơ sở, với tổng CSTK khoảng 9 tỷ viên QTC/năm, chiếm đại đa số trong tổng số cơ sở sản xuất VLXKN; gạch bê tông khí chưng áp toàn quốc hiện có 4 cơ sở với tổng công suất khoảng 1.000.000 m3/năm (tương đương 0,75 tỷ viên QTC/năm); sản phẩm tấm tường có 10 cơ sở sản xuất với tổng công suất khoảng 11 triệu m2/năm.
Hành động của doanh nghiệp 
Nhận thấy nhu cầu sử dụng VLXKN đang trở thành xu hướng trong ngành xây dựng, năm 2022, Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng Minh Thuận (Đồng Tháp) mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến để sản xuất gạch không nung. Với quy mô sản xuất của nhà máy khoảng 8,64 triệu viên/năm. Máy ép viên gạch với nhiều bộ phận như: băng tải liệu tự động B500, hệ thống ép định hình và gắn xếp sản phẩm...
Ông Lữ Minh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng Minh Thuận, cho biết: “Với nhiều năm hoạt động trong ngành xây dựng nên tôi nhận thấy sử dụng sản phẩm VLXKN đang trở thành xu hướng mới trong ngành xây dựng hiện nay. Loại vật liệu này không chỉ được sử dụng bắt buộc ở các công trình đầu tư công mà các công trình xây dựng dân dụng hiện cũng được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng rất phổ biến. So với gạch đất sét nung truyền thống, gạch không nung có nhiều ưu điểm hơn như: dễ thi công, bền chắc theo thời gian, tính thẩm mỹ cao, cách nhiệt tốt... Do đó, hiện nay, gạch không nung được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn để thay thế cho đất sét nung trong nhiều công trình dân dụng”.
Hiện tại, sản phẩm gạch không nung của Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng Minh Thuận đã phân phối tại một số địa phương khu vực biên giới của Đồng Tháp như: huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự... Sắp tới, doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp mục đẩy mạnh phát triển thị trường, nâng công suất sản xuất VLXKN để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hoạt động sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng Minh Thuận
Hay ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu và xây dựng Hùng An Mai (Sơn La) thông tin: Công ty đã đầu tư 4 dây chuyền sản xuất gạch xây dựng không nung, công suất 10 triệu viên/năm, sản xuất các loại: Gạch 2 lỗ nhỏ, 2 lỗ to, gạch 6 lỗ phục vụ xây dựng và gạch Terrazzo, gạch ziczac phục vụ lát vỉa hè. Sản xuất bằng công nghệ ép tĩnh, sử dụng nguyên liệu sẵn có bằng mạt đá, xi măng... hoạt động sản xuất được máy tự động hỗ trợ, nên tiết kiệm nhân công lao động, chi phí sản xuất, quan trọng không sử dụng lò nung truyền thống, giảm khí thải ra môi trường.
Về phía doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Nguyễn Quang SC Gia Lai cho biết: “Xu hướng sử dụng vật liệu xanh ngày càng phổ biến ở các công trình dân dụng tư nhân, sử dụng cho mục đích kinh doanh, nhất là công trình xây dựng theo phong cách hoài cổ, thân thiện với môi trường. Khi làm công tác tư vấn thiết kế, khách hàng của chúng tôi rất quan tâm đến vật liệu xanh vì tiết kiệm được chi phí khi sử dụng vật liệu tái chế, hợp xu hướng thị trường, góp phần bảo vệ môi trường”.
Các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh được sử dụng trong xây dựng góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải ra môi trường. (Ảnh: Báo Gia Lai)
Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xây dựng xanh cũng như công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, các ngành chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng.
Một số loại VLXD xanh đã được các nước trên thế giới và Việt Nam sản xuất gồm: các cấu kiện nhẹ từ bê tông nhẹ (bê tông keramzit, bê tông cốt liệu polystirol); bê tông tổ ong (bê tông khí, bê tông bọt); các tấm tường bê tông rỗng chế tạo theo công nghệ đùn ép; các loại vật liệu cách nhiệt (bông khoáng, tấm xốp PS, tấm PVC Foam); các loại kính tiết kiệm năng lượng (kính low E, kính Sola Control, kính hộp...); các loại vật liệu xây không nung (gạch bê tông, gạch đất không nung, tấm thạch cao, tấm tường sandwich...); các loại vật liệu lợp (tấm lợp sinh thái onduline, tấm cách nhiệt có túi khí chống nóng, tấm lợp tonmat...); các gạch ốp lát và sứ vệ sinh kháng khuẩn; các loại sơn sinh thái (graphen stone, sơn kháng khuẩn nano...).
Mai Anh