Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:34 GMT+7

Tin hoạt động

Để không lỡ “chuyến tàu khát vọng xanh”

21/02/2024

Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu và là một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã nhận thức, đặt mục tiêu và nguồn lực nhằm hiện thực hóa khát vọng chung, lớn lao này.

Khát vọng xanh hóa nền kinh tế
Xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển bền vững. Để cụ thể hóa chiến lược về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể đã xác định, đề cập một cách toàn diện và cụ thể về các nội dung, yêu cầu đến từng lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất, vận hành và đời sống xã hội.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc bảo đảm tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển. Vì thế, cần chủ động giải quyết các vấn đề để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn; hướng tới “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình này.
Để hướng tới một nền kinh tế xanh, phải bắt đầu từ những lĩnh vực trọng yếu có tác động đến môi trường nhiều nhất. Do đó, phát triển năng lượng xanh được đặt lên hàng đầu, chuyển dần khai thác sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng có khả năng tái tạo, giải pháp sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, ứng dụng và phát huy công nghệ sản xuất mới dựa trên sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch.
Bộ Công Thương đã tham mưu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, gồm Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. “Việc triển khai thực hiện tốt các quy hoạch này sẽ góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời, thể chế hóa thị trường hiện đại theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ và huy động nguồn lực, từ đó, thúc đẩy việc hình thành hệ sinh thái công nghiệp, phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải dòng bằng 0, cam kết về giảm phát thải metan toàn cầu hay cam kết liên quan đến chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới… là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Doanh nghiệp cần biết rằng, biến đổi khí hậu vừa tạo ra thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội.
Theo ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương), nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động dài hạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Muốn thay đổi được cơ cấu phát thải hoặc giảm một cách mạnh mẽ thì việc cơ cấu lại ngành, tỷ trọng các ngành, lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn ở Việt Nam cũng là giải pháp rất căn cơ và lâu dài.
Giá trị bền vững
Chia sẻ về những giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Nguyễn Văn Đạt, Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhấn mạnh đến 3 nhóm giải pháp gồm: Tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; thu hồi và lưu giữ CO2 và chuyển dịch năng lượng. Tính riêng năm 2022 giá trị tiết kiệm từ năng lượng và nguyên liệu đem lại hàng trăm tỷ đồng cho tập đoàn. Đối với việc thu hồi và lưu giữ CO2, tại hai đơn vị thành viên của Tập đoàn là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình và Công ty CP Đạm Hà Bắc đã đầu tư hệ thống thu hồi CO2, bình quân lượng CO2 thu hồi hàng năm là 30 - 40 nghìn tấn CO2.
“Các nhóm giải pháp không chỉ đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn tạo ra uy tín đối với sản phẩm phân bón trên thị trường trong nước và cũng như là thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Văn Đạt cho hay.
Không chỉ ở khía cạnh biến đổi khí hậu, năng lượng, phát triển xanh và bền vững đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu, kèm theo một loạt cơ chế chương trình như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
Theo ông Nguyễn Sỹ Linh, đối với doanh nghiệp sản xuất tiêu hao, sử dụng năng lượng nhiều cần chuyển đổi theo hướng vừa sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vừa chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng... Chẳng hạn chuyển nguồn điện từ nhiệt điện than sang nguồn năng lượng tái tạo để giảm dấu chân carbon đối với sản phẩm. Điều này giống như tấm “hộ chiếu” để tiếp cận được với thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường đã yêu cầu tính toán về phát thải, dấu chân carbon cho từng sản phẩm.
Bà Mira Nagy, Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, với Kế hoạch hành động phát triển nền kinh tế tuần hoàn của EU lần 2 (CEAP) nêu rõ danh sách đầy đủ các biện pháp đầy tham vọng dự kiến sẽ có tác động sâu rộng ở cấp độ toàn cầu và đối với các nước thứ ba ngoài EU, trong đó có xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, sẽ tác động đến quy trình sản xuất nguyên liệu và sơ chế, bao gồm quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) có thể được áp dụng cho hầu hết mọi mặt hàng trên thị trường EU. Quy định này xây dựng dựa trên các chỉ thị thiết kế sinh thái và dán nhãn năng lượng cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. “Bên cạnh thách thức nền công nghiệp Việt Nam có lợi thế tốt để hưởng lợi từ các yêu cầu về kinh tế tuần hoàn.Việt Nam có thể phát triển nhảy vọt để trở thành trung tâm sản xuất xanh toàn cầu”, bà Mira Nagy nhận định.
Các chuyên gia cho rằng, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, vấn đề đặt ra với các nước xuất khẩu là cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và các doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới, có cơ hội tham gia thị trường carbon, giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, huy động nguồn vốn, công nghệ từ các Quỹ đầu tư, các định chế tài chính để phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, khí hậu theo xu hướng thị trường.
Theo: Hải Quan Online