Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 16:09 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn hướng tới nền kinh tế xanh ở Việt Nam

19/02/2024

Áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ bởi chính những lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ bởi chính những lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại như: Tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, kinh tế tuần hoàn đang được Việt Nam xem là một ưu tiên trong phát triển đất nước. 
Kinh nghiệm quốc tế thực hiện kinh tế tuần hoàn hướng tới nền kinh tế xanh
Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn hiện được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cấp thiết đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Những lý do chính buộc phải diễn ra sự chuyển đổi này là: 
- Sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô, trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt, đặc biệt đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo được;
- Sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt các quốc gia phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô. Sự phụ thuộc này dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu;
- Tác động đến sự biến đổi khí hậu (phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí CO2) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây nên các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình biến đổi khí hậu;
- Tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp và khoa học trong lĩnh vực việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo.
Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn… đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. 
Ở góc độ chính sách, một số quốc gia đã ban hành các đạo luật và luật nhằm thiết lập nguyên tắc tái chế của nền kinh tế tuần hoàn. 
Đức là nước đi đầu trong lĩnh vực này khi bắt đầu thực hiện kinh tế tuần hoàn vào năm 1996 với việc ban hành “Đạo luật quản lý chất thải và chu trình kín’. Luật cung cấp một khung khổ pháp lý cho việc thực hiện quản lý chất thải theo chu trình khép kín và đảm bảo khả năng xử lý chất thải tương thích với môi trường và khả năng đồng hóa chất thải. 
Ở Nhật Bản năm 2000, Chính phủ nước này đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện hướng tới một xã hội dựa trên tái chế với việc ban hành “Luật Cơ bản để thiết lập một xã hội dựa trên tái chế” có hiệu lực từ năm 2002. Luật cung cấp những mục tiêu định lượng cho việc tái chế và phi vật chất hóa lâu dài của xã hội Nhật Bản. 
Trung Quốc cũng đang nỗ lực thực hiện kinh tế tuần hoàn trên quy mô lớn. Tuy nhiên, ngược với Đức và Nhật Bản, Chính phủ Trung Quốc nhằm duy trì khả năng cạnh tranh, ban đầu dự định áp dụng khung kinh tế tuần hoàn ở quy mô nhỏ hơn thông qua một số cơ chế thử nghiệm để có cơ sở tốt hơn nhằm đánh giá ở quy mô lớn hơn, cuối cùng là áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế trong dài hạn. Chính sách này tương tự như tự do hóa kinh tế bắt đầu với các khu kinh tế tự do về chi phí. 
Thái Lan đang thúc đẩy mô hình kinh tế Sinh học - Xanh - Tuần hoàn (BCG) khuyến khích áp dụng các kỹ thuật tiên tiến giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm mà không hoặc chỉ có tác động tối thiểu tới môi trường. Với mục tiêu đạt được mức độ trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Thái Lan đang nỗ lực hành động để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng cách áp dụng mô hình BCG và coi đây một con đường hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Một số quốc gia khác như Thụy Điển từ lâu đã liên tục đưa ra nhiều chương trình ưu đãi đối với kinh doanh tuần hoàn. Họ cũng đã cố gắng tạo điều kiện tối ưu để tăng tỷ lệ tái chế dần dần và hiệu quả thông qua giáo dục công. Chính sách này đã thành công và làm hài lòng các nhà hoạch định chính sách và các nhà môi trường. Thụy Điển, Đức và một số quốc gia châu Âu khác đã cố gắng kết hợp các đảng “chính trị xanh” trong hệ thống chính trị và quy trình ra quyết định của họ nhằm khuyến khích sự chuyển dịch nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Ảnh minh họa
Kinh tế tuần hoàn hướng tới nền kinh tế xanh ở Việt Nam cần phải làm gì?
Áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ bởi chính những lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại như: Tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, kinh tế tuần hoàn đang được Việt Nam xem là một ưu tiên trong phát triển đất nước. 
Về phía Nhà nước
Việt Nam đang nỗ lực phát triền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển. Chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (điều 142), cụ thể là: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. 
 Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững, tại Hội nghị COP26 (tháng 11/2021), Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, trong đó chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm. Cam kết này đã gửi đến cộng đồng quốc tế một tín hiệu rõ ràng về định hướng và quyết tâm của Việt Nam hướng tới phát triển một nền kinh tế carbon thấp và bền vững. Theo báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2022, Việt Nam dự kiến cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính lần lượt là 15,8% và 43,5% vào năm 2030 với sự hỗ trợ từ các quốc gia khác. 
Ngày 7/6/2022 tại Quyết định số 687/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm (sandbox) phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo ra khung chính sách, cơ chế hỗ trợ, đem lại sự yên tâm cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thử nghiệm những ý tưởng, sáng kiến về kinh tế tuần hoàn. Theo dự thảo này, có 4 lĩnh vực của nền kinh tế được đề xuất áp dụng cơ chế thử nghiệm, đó là: nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng. Để thực hiện cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn này có 6 nhóm chính sách, đó là: khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; tín dụng xanh, trái phiếu xanh; phát triển nguồn nhân lực và chính sách đất đai. 
Việt Nam đã công bố Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có lộ trình mua, bán và chuyển giao tín chỉ các-bon, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển một thị trường các-bon bắt buộc vào năm 2027, bao gồm các hệ thống mua, bán, trao đổi và chuyển giao tín chỉ các-bon cũng như hạn ngạch cho các doanh nghiệp cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, việc chuyển đổi năng lượng cùng với sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, còn 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn là nền tảng, tạo ra chìa khóa vàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero như đã cam kết, cũng như góp phần chống lại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường để phát triển bền vững. 
Về phía doanh nghiệp
Thực tế, trong những năm vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn áp dụng thành công vào sản xuất như: “mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) và các mô hình khác (như rừng - vườn - ao - chuồng); mô hình 3F (thức ăn – Feed; trang trại – Farm; thực phẩm – Food); mô hình khí năng lượng tái tạo (lên men sinh khí biogas và phân bón hữu cơ/sinh khí metan tinh khiết cao chuyển đổi điện năng thành khí nhiên liệu); lò đốt rác phát điện của Tập đoàn T-Tech; một số mô hình Sản xuất sạch hơn như ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch ở Đăklăk,…”. 
Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế nâu sang kinh tế xanh, từ tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế cacbon thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam bước đầu sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh nước ta còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Do vậy, cần tập trung các giải pháp cụ thể sau: Xây dựng cơ chế khuyến khích việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; Thúc đẩy và tham gia hợp tác quốc tế hiệu quả trong các hiệp định và cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và phát triển xanh; Tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực thành công để làm cơ sở phổ biến, nhân rộng; Hỗ trợ tiếp cận theo phương thức đầu tư hợp tác công - tư nhằm huy động tối đa nguồn lực các bên liên quan; Đầu tư nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp để tăng cường khả năng tập hợp, đối thoại, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế, phổ biến chính sách pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế…
Doanh nghiệp cũng cần có lộ trình áp dụng các tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn vào trong quá trình sản xuất. Cùng với đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về mô hình kinh tế tuần hoàn từ đó hình thành thói quen trong tiêu dùng xanh, thay đổi hành vi mua sắm hướng đến việc bảo vệ môi trường sẽ góp phần thực hiện quá trình chuyển đổi xanh nhanh và hiệu quả, hướng đến kinh tế bền vững.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất, cần có hành động và chiến lược thực hiện kinh tế tuần hoàn. Để đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp phải đầu tư, áp dụng và thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và loại bỏ những công nghệ cũ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, nhất là các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực tiêu dùng như dệt may, da thuộc, giấy, chất tẩy rửa…
Về cơ bản, mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ các doanh nghiệp đóng vai trò chính, còn nền kinh tế xanh không chỉ thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp, mà còn gắn với môi trường thiên nhiên như không gian xanh, đa dạng sinh học và môi trường thiên nhiên. Do vậy, việc gắn kết thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn đặt trong môi trường cụ thể và bổ sung tiêu chí xanh thân thiện môi trường chính là kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế xanh ở Việt Nam.
Theo: Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Hội nhập