Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:21 GMT+7

Tin hoạt động

Chính sách tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam

16/02/2024

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu và rủi ro mang tính toàn cầu đã buộc các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam phải theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh thay vì tăng trưởng cao bằng bất cứ giá nào như trước đây. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải huy động tối đa các nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính chiếm vị trí quan trọng để vận hành mô hình tăng trưởng xanh. Việt Nam đang trong thời kỳ thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đã thông qua chính sách tài chính tác động có chủ đích giúp ổn định và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần có giải pháp khắc phục để dần xanh hóa nền kinh tế.
Từ khóa: chính sách tài chính, phát triển bền vững, mô hình tăng trưởng, tăng trưởng xanh, Việt Nam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có một thời gian dài nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô và hiện đang phải đối mặt với những thách thức của tiến trình phát triển, như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội. Theo Báo cáo chỉ số phát triển thế giới của World Bank (2020), Việt Nam có tốc độ phát thải nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với cường độ carbon đạt 502,1 triệu tấn CO2 quy đổi vào năm 2020 và 888,8 triệu tấn CO2 vào năm 2030, gia tăng 51% so với giai đoạn 2004-2014. Tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam đã cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, như: Malaysia, Indonesia, Trung Quốc - nơi được coi là có tốc độ tăng trưởng phát thải nhanh nhất thế giới. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự suy thoái của môi trường đã và đang gây ra các tác động tiêu cực đến đời sống con người và tạo ra áp lực trong việc thúc tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam. Theo dự báo tại Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Nhóm Ngân hàng Thế giới (2022), Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 (sẽ cần huy động 6,8% GDP mỗi năm) để xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu và hướng tới phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, những nhu cầu tài chính này thấp hơn những thiệt hại do biến đổi khí hậu và tăng phát thải khí nhà kính gây ra. Như vậy, chính sách tài chính là “chìa khóa”, quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế xanh.
CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TRONG THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về chính sách tài chính ở cả tầm vi mô và vĩ mô. Theo đó, trên tầm vĩ mô, chính sách tài chính là tập hợp các mục tiêu, biện pháp được chính phủ mỗi quốc gia đề ra để tác động tới chức năng huy động và phân phối các nguồn tài chính của một quốc gia, để hệ thống tài chính quốc gia đó phục vụ hữu hiệu việc thực hiện các mục tiêu phát triển đã được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính sách tài chính theo cách tiếp cận này bao trùm tất cả các khâu tài chính, từ tài chính công đến tài chính doanh nghiệp, tài tài chính hộ gia đình, tổ chức xã hội, và thị trường tài chính. Còn xét trên tầm vi mô, OECD (2011) cho rằng, chính sách tài chính đề cập đến các chính sách liên quan đến quy định, giám sát, giám sát hệ thống tài chính và thanh toán, bao gồm thị trường và thể chế, nhằm thúc đẩy sự ổn định tài chính, hiệu quả thị trường và bảo vệ khách hàng - tài sản và người tiêu dùng. Nghiên cứu này sẽ xem xét chính sách tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh trên góc độ vĩ mô, trong đó khuyến khích và đề cao vai trò dẫn dắt của khâu tài chính công trong chính sách tài chính.
Chính sách tài chính có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng xanh trên cả 3 giác độ, đó là:
Về mặt kinh tế: Chính sách tài chính, thông qua các công cụ như: chính sách thu (thuế, phí), chính sách chi ngân sách nhà nước (NSNN) và chính sách thị trường tài chính tác động đến huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho tăng trưởng kinh tế, khuyến khích đầu tư các tiền đề cho nền kinh tế xanh, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới những ngành sản xuất ít tiêu hao tài nguyên thiên nhiên, những ngành ít khí thải. Đồng thời, việc sử dụng các công cụ thuế, phí hướng tới nền kinh tế xanh sẽ giúp chính phủ thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa hạn chế được các hành vi sản xuất và tiêu dùng gây hại cho môi trường, vừa góp phần bổ sung thêm nguồn lực cho ngân sách, góp phần củng cố vị thế tài khóa của chính phủ.
Về môi trường: Thông qua chính sách thu thuế, phí của nhà nước đối với các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường hoặc các chất thải gây ô nhiễm môi trường sẽ khiến doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm kiếm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra cho môi trường. Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất - kinh doanh đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất ra sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, thông qua chính sách chi hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất xanh, thân thiện môi trường sẽ khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nhu cầu đầu tư xanh trong chiến lược đầu tư dài hạn của họ.
Về xã hội: Chính sách tài chính góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế và môi trường, thông qua đó đảm bảo việc làm và sức khỏe cho người dân khi môi trường được cải thiện, các dự án đầu tư xanh được chính phủ ưu tiên triển khai, từ đó gia tăng nhu cầu việc làm, đảm bảo đời sống sinh kế cho người dân.
HIỆN THỰC HÓA CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, chính sách tài chính hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xanh được triển khai từ chính sách thu NSNN thông qua các khoản thuế, phí và lệ phí; chính sách chi NSNN dành cho chi sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT) và các chính sách tài chính khác, như: tín dụng xanh, trái phiếu xanh, thị trường tín chỉ carbon.
Đối với chính sách thu NSNN
Chính sách thu NSNN thúc đẩy tăng trưởng xanh được thể hiện thông qua các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác. Trong đó, chính sách thuế BVMT là sắc thuế thuộc nhóm thuế gián thu đánh vào những hàng hóa mà trong quá trình sản xuất và sử dụng có hại cho môi trường, nhưng không đo lường được nồng độ và khối lượng chất gây ô nhiễm môi trường hoặc đo lường được, nhưng chi phí quá tốn kém. Tại Việt Nam, thuế BVMT được quy định trong Luật Thuế BVMT, số 57/2010/QH12, ngày 15/11/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Thuế BVMT được xây dựng dựa trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm, thì phải nộp thuế. Đối tượng chịu thuế BVMT là: xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông; thuốc diệt cỏ; thuốc trừ mối; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc khử trùng kho. Ngoài ra, còn có chính sách thuế tài nguyên - đang là chính sách có tác động trực tiếp và lớn nhất đến hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên tại Việt Nam. Chính sách thuế tài nguyên được áp dụng theo quy định của Luật Tài nguyên, số 45/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/7/2010 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, số 71/2014/QH13, ngày 26/11/2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Đối tượng chịu thuế tài nguyên là các loại tài nguyên bao gồm: khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than… Ngoài 2 chính sách thuế nêu trên tác động trực tiếp đến các chủ thể có các hành vi sản xuất kinh doanh, liên quan đến môi trường, Việt Nam còn ban hành một số chính sách thu thuế khác, như: chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Theo đó, thuế GTGT đã có sự điều chỉnh hướng đến hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô, khuyến khích chế biến sâu trong nước (theo Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế). Thuế TTĐB cũng có các quy định ưu đãi để khuyến khích sử dụng mặt hàng xăng sinh học, xe ô tô thân thiện với môi trường góp phần hạn chế ô nhiễm, BVMT. Mặt hàng xăng sinh học xăng E5, E10 được áp dụng thuế suất thấp hơn xăng RON 92; Thuế suất đối với xe ô tô chạy bằng điện dưới 24 chỗ ngồi được giảm mức thuế suất so với quy định trước đó. Chính sách thuế TNDN có sự hỗ trợ đối với tăng trưởng xanh, như: Áp dụng thuế suất 10% đối với TNDN từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, TNDN từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; Áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với TNDN từ thực hiện dự án đầu tư mới, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển công nghệ sinh học, BVMT…
Với các chính sách thu NSNN thông qua công cụ chủ yếu là thuế đã có tác động nhất định đến thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam trên cả 3 bình diện là kinh tế, xã hội và môi trường, cụ thể:
(i) Về kinh tế, số thu từ các khoản thu liên quan đến BVMT được mở rộng qua các năm. Năm 2018, số thu từ thuế BVMT tương đương 0,88% GDP, chiếm 3,4% tổng NSNN và xu hướng ngày càng tăng. Theo dự toán ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội phê duyệt, số thu thuế BVMT năm 2022 đạt khoảng hơn 68 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 4,6% tổng thu NSNN. Như vậy, số thu từ thuế BVMT tăng liên tục qua các năm đã góp phần ổn định nguồn thu thuế nội địa trong giai đoạn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do phải cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
(ii) Trên bình diện môi trường, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên tăng phổ biến là từ 2%-5% ở hầu hết các loại tài nguyên, đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động khai thác tài nguyên của các doanh nghiệp, khiến cho sản lượng khai thác than và dầu thô có xu hướng giảm. Điều này đã cho thấy, một phần hiệu quả của chính sách tài chính tác động đến môi trường theo hướng tích cực. Ngoài ra, chính sách thu NSNN cũng tác động đến cơ cấu sử dụng các nguồn tài nguyên. Bằng việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế đối với năng lượng tái tạo và không tái tạo, thì tỷ lệ nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã có sự thay đổi theo hướng tăng lên. Cụ thể, tỷ trọng năng lượng tái tạo sản lượng điện toàn hệ thống năm 2016 là 5,8%, thì đến năm 2022, tỷ trọng này tăng lên 14%. Tuy nhiên, có thể thấy, mức độ tác động chung của hệ thống chính sách thuế đến lượng khí thải CO2 ở Việt Nam vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
(iii) Xét về bình diện xã hội, chính sách thuế đã góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường, do đó, góp phần làm tăng sức khoẻ con người. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, cao hơn so với một số nước tương đương trong khu vực. Các chính sách thu hướng tới nền tăng trưởng xanh cũng đã góp phần vào việc giảm tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam. Nguồn thu thuế BVMT và các khoản thuế khác đã đảm bảo nguồn cho các khoản chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội.
Đối với chính sách chi NSNN
Nguồn lực từ NSNN cũng được phân bổ hướng đến các hoạt động BVMT và góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh. Chính sách chi NSNN chủ yếu tập trung vào các khoản mục: chi NSNN cho sự nghiệp môi trường; chi NSNN cho các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến BVMT. Theo đó, hàng năm, NSNN bố trí không dưới 1% tổng chi NSNN cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, nhiệm vụ chi chủ yếu tập trung vào: (i) Hỗ trợ các nhiệm vụ BVMT theo dự án; (ii) Thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia; (iii) Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật và BVMT; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về BVMT; (iv) Hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT... Trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn, cân đối chi NSNN cho sự nghiệp BVMT trong những năm qua luôn được bố trí ưu tiên hơn so với các lĩnh vực chi khác và đã đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối; hàng năm, đảm bảo bố trí không dưới 1% tổng chi NSNN cho hoạt động sự nghiệp BVMT. Bên cạnh đó, Chính phủ sử dụng các nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực tăng trưởng xanh (Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; Chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả...).
Với những nỗ lực trong chi NSNN thúc đẩy tăng trưởng xanh, về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ BVMT ở Việt Nam. Đặc biệt, chi NSNN hướng đến ưu tiên việc phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường ở những điểm nóng, bức xúc, trong đó tập trung xử lý ô nhiễm nguồn nước, nơi phát sinh dịch bệnh; xử lý chất thải rắn ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung; kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu, máy móc thiết bị đã qua sử dụng. Tuy nhiên, các khoản chi này nhiều năm qua còn mang tính dàn trải, cơ cấu nguồn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, BVMT hết sức hạn hẹp, kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải thuộc khu vực công ích chưa tương xứng với mức độ gia tăng chất thải. Điều này dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng.
Đối với chính sách tài chính khác
Ngoài 2 chính sách tài chính chủ yếu là thu và chi NSNN, thì chính sách tín dụng xanh (TDX) và phát hành trái phiếu xanh cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hành Nhà nước, dư nợ TDX tăng trưởng đều đặn qua các năm, tăng từ 71,02 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên đến 340 nghìn tỷ đồng năm 2020. Năm 2021, dư nợ TDX tăng 32,6% so với năm 2020. Trong giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng trưởng TDX ước đạt 378,9%, mỗi năm trung bình tăng 63,1%, gấp 3 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn này (Hình 1).
Hình 1: Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh giai đoạn 2017-2022
Nguồn: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế
Mặc dù tốc độ tăng trưởng TDX qua các năm tương đối cao, song tỷ trọng TDX vẫn còn khiêm tốn trong tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Tỷ trọng dư nợ TDX tăng tương ứng từ 2,73% năm 2017 lên mức 4,2% năm 2022. Dư nợ TDX chiếm trung bình 3% trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế (Hình 2). Dư nợ TDX chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, như: nông nghiệp xanh chiếm 45%; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5% tổng dư nợ TDX.
Hình 2: Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam
Nguồn: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế
Đối với thị trường trái phiếu xanh, mặc dù hành lang pháp lý cho phát hành trái phiếu xanh đã có tương đối đầy đủ từ năm 2018, song thị trường này tại Việt Nam mới dừng ở quy mô thí điểm, chưa trở thành thị trường cung ứng vốn chủ yếu và đáp ứng cho nhu cầu đầu tư xanh tại Việt Nam. Cũng tương tự như vậy, thời điểm triển khai thị trường carbon của Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tính từ năm 2022 đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế. Giai đoạn 2 từ năm 2028 trở đi, sẽ chính thức tổ chức sàn giao dịch tín chỉ carbon, đồng thời quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và trên thế giới. Như vậy, thị trường carbon ở Việt Nam cũng đang trong giai đoạn thí điểm, nên sự hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xanh còn chưa rõ nét.
Những thách thức trong triển khai chính sách tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Chính sách tài chính trong việc thực hiện các mục tiêu, định hướng về tăng trưởng xanh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, năng lượng hóa thạch, nhận thức, hành vi của doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu dùng chưa sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng thân thiện với môi trường. Cùng với đó, để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh cho tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ. Trong khi đó, nguồn lực trong nước, đặc biệt là nguồn NSNN còn rất hạn chế và phải dành để thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác; công tác xã hội hóa cho đầu tư BVMT còn chậm và số địa phương không thuộc diện khó khăn về ngân sách vẫn kiến nghị bổ sung khoản chi NSNN cho xử lý ô nhiễm môi trường; nguồn lực tài chính thu hút, huy động cho lĩnh vực này lại không hề đơn giản.
Thứ hai, chất lượng và hiệu quả của các chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh chưa đáp ứng yêu cầu trong phòng ngừa và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm. Quá trình xây dựng chính sách chưa thực sự được nghiên cứu kỹ các điều kiện thực hiện, công tác dự báo còn hạn chế, nên chưa lường hết được những vấn đề phát sinh trong tương lai. Mặc dù, các chính sách liên tục được bổ sung, chỉnh sửa và đã phần nào hoàn thiện hơn, nhưng điều này lại gây khó khăn cho các chủ thể kinh tế khi hoạch định kế hoạch dài hạn.
Thứ ba, việc phân bổ và sử dụng nguồn tài chính hướng tới tăng trưởng xanh cũng đặt ra những thách thức lớn đối với điều hành chính sách tài chính vĩ mô. Do những đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam, như: Thị trường tài chính dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng; Các tổ chức tài chính chưa chú trọng tới hỗ trợ đầu tư phát triển nền kinh tế xanh; Các công cụ tài chính xanh vừa mới phát triển và đang trong giai đoạn thử nghiệm; Cơ sở hạ tầng tài chính còn nhiều hạn chế.
Thứ tư, các quy định về chi phí đầu tư hạ tầng chưa có được cơ chế khuyến khích đầu tư được vào các dự án công trình xanh và chưa có hướng dẫn quy định chi tiết về chính sách ưu đãi đối với mua sắm xanh, ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa dán nhãn sinh thái. Chính sách thuế BVMT còn hạn chế cả về phạm vi và mức thu, chưa tạo được sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành vi tuân thủ của doanh nghiệp, người dân trong quá trình sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG HIỆU QUẢ CỦA CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH Ở VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TỚI
Để chính sách tài chính hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng xanh của Việt Nam trong các giai đoạn phát triển tới, cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm mang tính định hướng, bao gồm:
Một là, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực tài chính, hệ thống các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán. Đẩy mạnh thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nguồn đầu tư nhà nước và ODA, tạo chất xúc tác để thu hút, hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Tăng cường đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) khi nguồn lực NSNN đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.
Hai là, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho các dự án đầu tư xanh nhằm thể chế hóa và tăng quy mô, tính bao trùm toàn diện của chính sách tài chính, đặc biệt là cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tài chính xanh, tín dụng xanh nhằm thúc đẩy các dự án xanh; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài trợ nước ngoài (ODA), vốn vay ưu đãi để tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhanh hơn nguồn tín dụng xanh, phục vụ cho tăng trưởng xanh. Xây dựng thể chế về đầu tư để tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư xanh cho phát triển bền vững, qua đó cần phải rà soát khung pháp lý hiện hành cho đầu tư xanh cho các dự án mới, dự án đang triển khai tại Việt Nam, hướng tới việc sử dụng tài nguyên có hiệu quả, ít rác thải và thân thiện với môi trường.
Ba là, các ưu đãi về thuế, phí nên tiếp tục được duy trì nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai chính sách khuyến khích hỗ trợ các ngành sản xuất - kinh doanh sử dụng công nghệ và năng lượng sạch thông qua các kênh khác, như: văn bản pháp lý, thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi, hỗ trợ về vốn, đất đai. Có cơ chế khuyến khích đối với những địa phương thực hiện tốt đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh cơ chế tăng nguồn thu thông qua hệ thống thuế, phí, phạt vi phạm...
Bốn là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, xây dựng các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở để các ngân hàng thương mại đánh giá khi cấp tín dụng xanh. Ngoài ra, có cơ chế khuyến khích các tổ chức tài chính thiết lập các công bố thông tin liên quan đến rủi ro khí hậu và thực hiện việc thiết lập mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2021), Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021.
2. Bộ Tài chính (2022), Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Chính phủ trình Quốc hội.
3. Chính phủ (2022), Nghị số 06/2022/NĐ-CP, ngày 07/1/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải và bảo vệ tầng ô-dôn.
4. OECD (2011), Tools for Delivering on Green Growth.
5. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.
6. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/2021/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
6. The World Bank (2020), World Development Report 2020, Trading for Development in the Age of Global Value Chains, retrieved form https://www.worldbank.org/en/publication/wdr2020
7. The World Bank (2022), Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam: Dung hòa Phát triển Kinh tế với Rủi ro Khí hậu, truy cập từ https://www.worldbank.org/vi/news/video/2022/07/14/vietnam-country-climate-and-development-report-reconciling-economic-successes-with-climate-risks
8. Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (2022), Báo cáo tăng trưởng tín dụng xanh.
Summary
The challenges of climate change and global risks have forced countries around the world, not excluding Vietnam, to pursue a green growth model instead of high growth at any cost as before. This requires countries to maximize resource moblization, in which financial resources play an important role to run the green growth model. Vietnam is in the period of promoting growth model reform and economic restructuring, having adopted a targeted financial policy to help stabilize and develop the economy. However, besides the achieved results, the implementation of the financial policy towards green growth in Vietnam is facing many difficulties and challenges that need solutions for gradually greening the economy.
Keywords: financial policy, sustainable development, growth model, green growth, Vietnam
PGS, TS. Phạm Quang Thao - Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023)