Tăng trưởng xanh đang được xem là một xu thế tất yếu trên con đường hướng đến phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, để hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 hướng đến phát triển bền vững, nhiều giải pháp cần được triển khai áp dụng một cách đồng bộ.
Ưu tiên nguồn lực tài chính cho sản xuất và tiêu dùng bền vững
Chiến lược Tài chính đến năm 2030 (được ban hành kèm theo Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 18/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đã nêu rõ quan điểm về ưu tiên cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT), thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Chiến lược tài chính đã đề ra những giải pháp hướng đến huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động kinh tế xanh và BVMT; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường; phát triển thị trường vốn, thị trường bảo hiểm xanh...
Để khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai, thực thi chính sách, theo các chuyên gia từ Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), cần ưu tiên thực hiện các giải pháp hướng đến phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN) hướng đến mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế để bao phủ được các nguồn gây ô nhiễm môi trường; điều chỉnh mức thuế suất phù hợp tác động đến hành vi sản xuất và tiêu dùng các loại hàng hóa có tác động xấu; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường.
Tiếp đến là nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất của Nhà nước đối với các chương trình, dự án liên quan đến BVMT.
Tiếp nữa là đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường; tháo gỡ những rào cản đối với đầu tư xanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ quản trị rủi ro, phát triển kỹ năng và kinh nghiệm trong các dự án xanh.
Giải pháp tiếp theo là phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và những quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm bảo hiểm xanh, nâng cao vai trò của truyền thông để tăng cường nhận thức của người dân và trách nhiệm xã hội của ngành bảo hiểm trong BVMT, chống BĐKH và trong nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng bền vững.
Giải pháp cuối là xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng có thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh.
Đối mặt với những thách thức lớn
Với mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường, việc thực hiện tăng trưởng xanh thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh một số lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội, sự quyết tâm của Chính phủ, vẫn còn nhiều thách thức.
Cụ thể như: Tăng trưởng xanh là khái niệm mới, đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định chuyển từ nhận thức sang hành động, từ thói quen và cách thức sản xuất, tiêu dùng hướng đến tăng trưởng xanh. Nền kinh tế còn tiêu thụ khá nhiều năng lượng. Chúng ta còn thiếu nhiều công cụ chính sách khuyến khích cộng đồng xã hội hành động theo hướng tăng trưởng xanh.
Theo Ths. Trần Thị Ái Diễm (Học viện Ngân hàng), đối với những thách thức trên, cần triển khai áp dụng đồng bộ các giải pháp để tăng hiệu quả thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Bà Diễm cho rằng, cần nâng cao nhận thức cho tất cả cộng đồng về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, kinh tế xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững; tập trung phát triển đồng bộ các nguồn lực của kinh tế xanh như nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên, cần sử dụng hợp lý và tiết kiệm, đặc biệt khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, nước và gió. Với khoa học công nghệ, hiện nay việc đổi mới công nghệ được xem là công cụ có tính quyết định đối với các nước xây dựng nền kinh tế xanh và đây cũng là biện pháp cắt giảm chi phí do chất thải gây ra. Điều đặc biệt là cần phải chú trọng đầu tư cho công nghệ cao, công nghệ xanh và sạch, chẳng hạn như công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý chất độc hại... ‘‘Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì nền kinh tế nhất thiết phải có nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố cốt lõi của sự nghiên cứu, sáng tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, xanh và sạch vào sản xuất, nên cần phải có những chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng nhằm chuẩn bị lực lượng lao động và quản lý cho quá trình xây dựng nền kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững’’ - bà Diễm nêu.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU - CHUYÊN GIA KINH TẾ: Cần có tiêu chí về trái phiếu xanh Thực trạng cho thấy vấn đề tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Riêng trái phiếu xanh, để được phổ biến, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề gồm: sử dụng vốn thế nào, cho công trình, dự án gì; dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ; báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, cơ quan chức năng thật minh bạch. Cơ quan chức năng cũng cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các doanh nghiệp áp dụng. Nếu chuyển động chậm thì 3 - 5 năm tới, trái phiếu xanh có lẽ cũng chỉ là “nói cho vui” chứ khó triển khai trên thực tế. Bởi lẽ, thị trường trái phiếu thông thường hiện nay tại Việt Nam cũng đang gặp khó chứ đừng nói là thị trường trái phiếu xanh. Gia Cư (ghi) TS. LÊ THỊ THÙY VÂN - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH: Hỗ trợ vốn cho các khoản tín dụng xanh Liên quan đến việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng có được các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh… như dự án giảm phát thải CO2, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, sản phẩm sạch; các dự án tiết kiệm năng lượng, nước, nhiên liệu; để giảm chất thải hoặc ô nhiễm, xây dựng và khai thác các cơ sở năng lượng tái tạo (địa nhiệt, năng lượng sinh học, thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời…). Chính phủ có thể hỗ trợ thành lập một tổ chức tài chính được đánh giá và cấp giấy phép xanh cho các doanh nghiệp và cấp bảo lãnh tín dụng cho các công ty có giấy phép xanh theo kinh nghiệm của Hàn Quốc. Hoặc Ngân hàng Nhà nước xây dựng các hướng dẫn cho các ngân hàng để thực hiện các chiến lược để cải thiện môi trường, hướng dẫn tiêu chuẩn xếp hạng theo tiêu chí ngân hàng hiệu quả xanh, theo kinh nghiệm của Ấn Độ. BÀ ĐỖ NGỌC DIỆP - CHUYÊN GIA CỦA TỔ CHỨC TÀI CHÍNH QUỐC TẾ (IFC): Cơ hội đón dòng vốn xanh Với xu hướng phát triển bền vững là tất yếu như hiện nay, nhiều khoản tín dụng xanh (sử dụng vốn cho vay tác động tích cực đến môi trường sống) quốc tế đang tiếp cận thị trường Việt Nam. Các khoản tín dụng này được cung cấp cho nhiều đối tượng vay, với phí vốn thấp hoặc điều khoản trả nợ có lợi. Hầu hết doanh nghiệp đều có thể tiếp cận bằng cách tách chi tiêu cải thiện xanh khỏi chi tiêu chung. Riêng đối với các công ty bất động sản, doanh nghiệp cần xây dựng được khung chính sách và có những mục tiêu xanh cụ thể. Đối với sản phẩm nhà ở, các ngân hàng cũng có thể phát triển mảng bán lẻ với các gói thế chấp mua nhà xanh cho cá nhân. Với nhu cầu nhà ở lớn trong tương lai và rủi ro thấp hơn, các sản phẩm tín dụng xanh sẽ giúp ngân hàng gia tăng lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường. Người vay chính là đối tượng thụ hưởng lớn nhất từ các giải pháp xanh, giúp tiết kiệm chi phí điện, nước và cải thiện môi trường sống. |
Theo: Thời báo Tài chính