Phát triển kinh tế gắn với sản xuất công nghiệp bền vững tại Bình Dương là một trong các định hướng ưu tiên trong quá trình cơ cấu lại và thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế, trực tiếp góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính/ GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Nỗ lực xanh hóa
Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) nhằm đáp ứng mục tiêu chung của Chính phủ trong việc thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Sở Công thương vừa tổ chức khóa tập huấn về chủ trương, chính sách, giải pháp thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cho cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Trong đó, khóa tập huấn xác định mục tiêu “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Bà Hằng cho biết thêm qua khóa tập huấn giúp các địa phương, doanh nghiệp nắm rõ chủ trương, chính sách, giải pháp thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cho cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Cung cấp thông tin các chương trình hỗ trợ về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh lớp tập huấn giải pháp thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững tháng 11-2023
Tại khóa tập huấn TS.Trần Văn Thanh, Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã đề xuất một số giải pháp thu hồi, tái chế đối với chất thải của một số ngành sản xuất công nghiệp theo định hướng kinh tế tuần hoàn (KTTH) trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, tiềm năng áp dụng các giải pháp thu hồi tái chế hướng tới kinh tế tuần hoàn cho một số ngành công nghiệp của tỉnh Bình Dương như gỗ, thép, ngành khai thác mủ, gốm sứ.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn
Đơn cử như với ngành gỗ của Bình Dương, TS. Trần Văn Thanh cho biết gỗ là nguyên liệu tái tạo và dễ phân hủy sinh học nhất, trong đó gỗ cao su là một trong những nguồn phụ phẩm thành công của ngành cao su. Vườn cây cao su hết chu kỳ thu hoạch mủ (khoảng 20-25 năm), có năng suất dưới 1,2 tấn/ha/năm trong 2-3 năm liên tiếp, hiệu quả kinh tế không cao, được quy hoạch vào diện tích tái canh. Hầu hết các bộ phận của cây cao su có thể tận dụng để tạo ra nhiều sản phẩm như gỗ ghép tấm, gỗ MDF, ván ép, gỗ dán, gỗ ván lạng, gỗ ép, viên nén, dăm gỗ… Gỗ cao su được ngâm tẩm, xông sấy sẽ tăng tính bền, có khả năng chống mối mọt, tăng khả năng chịu được ẩm độ cao và nước, có vân đẹp, màu sáng, dễ phủ sơn màu, được sử dụng để sản xuất các sản phẩm gỗ như đồ gỗ nội thất, đồ mộc xây dựng… Chuỗi ngành cao su tác động nhiều tới môi trường thông qua quá trình canh tác, chế biến mủ và chế biến gỗ. Để giảm thiểu phát thải và các tác động môi trường 5R là các giải pháp CE được áp dụng phổ biến nhất trong ngành chế biến gỗ. Để thực hành các giải pháp CE đề xuất tái chế lá và cành từ quá trình thu hoạch gỗ thành phân bón, vỏ và vụn gỗ dùng để sản xuất nhiệt. Các giải pháp đối với keo dán là thay thế bằng keo dán có nguồn gốc tinh bột. Đối với quá trình sấy có các công nghệ phổ biến như sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng bơm nhiệt… Các phương án xử lý chất thải ngành chế biến gỗ điển hình là sử dụng công nghệ nhiệt phân để thu hồi bio-oil, lên men để sản xuất ethanol sinh học, công nghệ khí hóa để thu hồi nhiệt.
Ngành gốm sứ thì đẩy mạnh sử dụng hệ thống khí hóa sản xuất khí syngas từ củi để cấp cho hoạt động của lò nung. Hiện nay một số nhà máy tồn tại công nghệ cũ (lò bao hay lò thủ công) và công nghệ mới sử dụng khí LPG. Sử dụng khí LPG giảm được tác động môi trường tuy nhiên chi phí năng lượng cao. Trong khi đó, lò bao đốt củi tiêu tốn nhiều năng lượng đồng thời phát thải khí thải vào môi trường và khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm, do vậy nếu chuyển đổi từ củi sang khí đốt sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cũng như giảm phát thải. Giải pháp là đầu tư công nghệ khí hóa củi, sau đó thu hồi khí gas để cấp cho các lò nung (có thể cấp cho kiểu cũ và mới).
Theo chuyên gia sản xuất sạch hơn TS.Nguyễn Văn Thanh, trong thời gian tới Bình Dương cần đẩy mạnh công tác đánh giá sản xuất sạch hơn - sử dụng năng lượng hiệu quả đồng thời phát triển mô hình khu - cụm công nghiệp sinh thái để gia tăng hiệu quả thu hồi, tái chế chất thải và năng lượng. Đồng thời, cần triển khai một nghiên cứu đánh giá tổng thể tính chất của các dòng thải trong quá trình sản xuất của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh để xác định khả năng thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải của các ngành sản xuất khác nhau. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách riêng để các cơ sở sản xuất áp dụng giải pháp công nghệ thu hồi, tái chế chất thải và năng lượng được triển khai thuận lợi và hiệu quả.
TS.Nguyễn Văn Thanh khẳng định: “Các giải pháp, kỹ thuật thực hiện thu hồi, tái chế theo hướng KTTH là sự tích hợp giữa nhiều kỹ thuật của sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng hiệu quả, kỹ thuật và hệ thống không phát thải... Đối với các nhà máy sản xuất thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là ngăn ngừa, giảm thiểu và thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải. Thông qua phân tích sơ bộ một số ngành chủ lực của tỉnh cho thấy có nhiều tiềm năng trong việc thực hiện sản xuất theo hướng KTTH.” |
Theo: Báo Bình Dương