Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 00:18 GMT+7

Tin hoạt động

Hà Nội: Hướng tới chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn

11/10/2023

Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN bởi chính những lợi ích về cả kinh tế và môi trường. Thủ đô Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước. Thực hiện mô hình KTTH tại Hà Nội cũng là hành động cụ thể hóa tầm nhìn đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được khởi công từ tháng 10/2016, với tổng diện tích 13,8ha, mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng Ảnh: Khánh Huy
Việc xử lý và tuần hoàn rác thải là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững
Thủ đô Hà Nội là đô thị lớn thứ hai trên cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) với quy mô dân số ước tính khoảng hơn 9 triệu người. Mục tiêu là hướng tới phát triển xanh và sạch hơn trong tương lai thông qua công tác quản lý, xử lý và tuần hoàn rác thải giảm phát thải ra môi trường. Mỗi ngày, Hà Nội có lượng chất thải rắn sinh hoạt vào khoảng 7.000 tấn.
Vì vậy, việc xử lý và tuần hoàn rác thải không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai. Do đó, việc nghiên cứu thực trạng chính sách phát triển KTTH nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách hợp lý cho TP Hà Nội là hết sức cần thiết.
Bên cạnh những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế, hạ tầng, giống như nhiều đô thị lớn trên thế giới, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với những bất cập về tình trạng các hệ thống trong cùng một không gian đô thị (công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ, dân cư, hạ tầng…).
Trong đó, thiếu sự gắn kết, mức tiêu thụ tài nguyên lớn, mức độ phát thải cao và tác động đồng thời, đẩy tình trạng ô nhiễm ở các đô thị đến mức báo động kéo dài, đặc biệt là các đô thị lớn, tập trung đông dân. Ở góc độ địa phương, UBND TP Hà Nội đã ban hành một số chính sách nhằm phát triển mô hình KTTH trong phạm vi quản lý của mình
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất gồm: dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa, hóa chất, giấy; 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh - Trường ĐH Thương mại Hà Nội, hiện nay chưa có sự đồng bộ giữa các bộ luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, thậm chí Luật Bảo vệ môi trường có các điều khoản coi phụ phẩm là “rác thải.” Đây là rào cản chính sách đang cần được tháo gỡ. Điểm nghẽn hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chính là việc lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường.
KTTH là giải pháp phát triển bền vững
Cùng với nhiều đô thị lớn trên cả nước, Hà Nội đã thử nghiệm mô hình phân loại rác tại nguồn theo mô hình 3R từ nhiều năm trước nhằm giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội thì giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ hiện đại đạt trên 70% tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn.
Do đó, năm 2022 UBND TP Hà Nội, các quận, huyện có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn và triển khai phân loại rác thải sinh hoạt theo lộ trình phù hợp, triển khai thí điểm tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, công tác thu gom.
Theo PGS.TS Phan Thế Công - Trường Đại học Thương mại, nhằm đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến nền KTTH, TP Hà Nội đã đề rõ mục tiêu, nhiệm vụ cho các Sở, ngành địa phương thực hiện trong thời gian tới.
Hà Nội nên chọn lọc và cân nhắc những dự án thiếu tính thân thiện với môi trường; đồng thời, khuyến khích những dự án đầu tư xanh. Bên cạnh đó, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Lĩnh vực nông nghiệp: Cần đưa ra chính sách phát triển và nhân rộng các mô hình nông trại sản xuất tuần hoàn ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng như hỗ trợ về giá và tăng cường tiếp thị quảng cáo trong tiêu thụ các sản phẩm xanh.
Bên cạnh đó, chính quyền các huyện đóng vai trò là đầu mối để tổ chức chương trình đào tạo về sản xuất xanh cho lực lượng lao động của địa phương trực tiếp tham gia vào các mô hình DN xanh. Tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh đối với các sản phẩm, nhằm đưa các sản phẩm xanh vào tiêu dùng và nâng cao thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường của con người.
Lĩnh vực công nghiệp: Phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, hướng đến các sản phẩm cho tiêu dùng xanh. Đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch.
Về môi trường, xử lý hoàn toàn rác tồn đọng; tăng tỷ lệ thu hồi, tỷ lệ tài chế, chấm dứt các bãi rác tự phát. Đồng thời, hướng tới cắt giảm 50% nhựa sử dụng một lần, chấm dứt sử dụng túi nylon. Việc quản lý chất thải rắn xây dựng cần được xây dựng chặt chẽ ngay từ các khâu phá dỡ, thu gom, vận chuyển và xử lý. Đồng thời, cần có những cơ chế ưu đãi để khuyến khích các DN thực hiện hoạt động tái chế và quản lý chất thải rắn xây dựng, phát triển ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu chất thải phát sinh.
Theo: Theo dõi Pháp luật & Xã hội