Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 10:29 GMT+7

Tin hoạt động

Những khái niệm về kinh tế xanh

06/09/2023

Phát triển kinh tế xanh để đạt được tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại. Tăng trưởng xanh phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao; đồng thời thể hiện những nỗ lực của các chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.
Trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế xanh - Green Economy, trong đó, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng “Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng”; Nhóm Liên minh kinh tế xanh định nghĩa kinh tế xanh là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái đất”; Phòng Thương mại Quốc tế xem xét kinh tế xanh từ góc độ kinh doanh và cho rằng: “Kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nghiệm môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội”. Báo cáo của Ủy ban các vấn đề Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc (UNDESA, 2012) tổng hợp các định nghĩa của nhiều quốc gia và chỉ ra điểm chung mà một nền kinh tế xanh cần hướng tới là việc giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh: “Là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Đây được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.
Trong khái niệm về kinh tế xanh của UNEP, "kinh tế xanh" là khái niệm đối lập với "kinh tế nâu". Kinh tế xanh không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế mà còn quan tâm nhiều tới hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường, sinh thái.
Nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: Phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát bởi việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến, và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững (UNEP, 2010). Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách trong nước, chính sách quốc tế và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.
Với những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Trong đó, hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung sẽ bám sát vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển bền vững.
Theo: Công nghiệp môi trường