Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:12 GMT+7

Sản xuất bền vững

Kinh nghiệm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trên thế giới và bài học tham khảo cho Việt Nam

16/08/2023

TÓM TẮT:
Phát triển xanh là một phương thức phát triển kinh tế quan tâm đến vấn đề môi trường và tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm các nước đã thành công về kinh tế xanh, đồng thời kết hợp linh hoạt các bài học này trong xây dựng chính sách phát triển cơ cấu ngành, nghề và điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình chính trị, xã hội, vị trí địa lý và nền văn hóa của đất nước. Bài viết nhằm thảo luận về ý nghĩa của phát triển kinh tế xanh, kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của các nước trên thế giới, từ đó đưa ra một số bài học tham khảo đối với phát triển xanh của Việt Nam.
Từ khóa: kinh tế xanh, tăng trưởng, môi trường.
1. Đặt vấn đề
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và suy thoái môi trường đã trở thành những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh thiên tai, biến đổi khí hậu thì tình hình dịch bệnh (cúm gia cầm, Covid-19…) đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, chỉ có phát triển xanh, tăng trưởng xanh mới là lựa chọn đúng đắn và lâu dài. (Hoàng Anh và Nam Thắng 2015)
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã và đang triển khai, cụ thể hóa tăng trưởng xanh thông qua "Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050". Thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực nhất định. Tuy nhiên, Chiến lược quốc gia về nội dung này đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết và điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp bối cảnh mới. Do đó, để có những góc nhìn đa chiều và tổng quát, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về xây dựng chiến lược dài hạn về tăng trưởng xanh sẽ mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc học hỏi, áp dụng vào tình hình đặc điểm của nền kinh tế - xã hội Việt Nam một cách linh hoạt, hiệu quả, từ đó thực hiện tốt Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021)
2. Khái niệm cơ bản về kinh tế xanh và tăng trưởng xanh
Khái niệm kinh tế xanh lần đầu tiên được giới thiệu bởi Pearce et al., (1989) để đáp ứng với việc đánh giá thấp chi phí môi trường và xã hội trong hệ thống giá hiện tại. Kể từ đó, khái niệm này đã được mở rộng. Kinh tế xanh đã được UNEP (2011a) định nghĩa là một nền kinh tế dẫn đến cải thiện "hạnh phúc và công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái". Nền kinh tế xanh có thể được định nghĩa đơn giản là carbon thấp, hiệu quả tài nguyên và hòa nhập xã hội. UNEP nhấn mạnh việc bảo tồn vốn tự nhiên, bao gồm các hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên (EEA, 2014). Trong 10 năm qua, khái niệm về một nền kinh tế xanh cũng ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà hoạch định chính sách. Phát triển xanh bao gồm nhiều khái niệm khác nhau. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội” (UNEP, 2011). Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời 2 mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.
Hiện nay, kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: kinh tế (xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân và thúc đẩy tăng trưởng...), môi trường (đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo tồn tài nguyên biển, bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn...) và xã hội (nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội...). Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa là những hoạt động trong nền kinh tế tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người; đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường. 3 yếu tố này được cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững. Theo Nguyễn Thế Chinh (2011), kinh tế xanh là một nền kinh tế cần thiết bởi tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.
3. Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh trên thế giới
3.1. Mỹ - thực hiện thành công Chiến lược tái công nghiệp hóa
Mỹ là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách “kinh tế xanh” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tiên, Mỹ thực hiện chiến lược “tái công nghiệp hóa” cho giai đoạn 10 năm với đầu tư 15 tỷ USD nhằm phát triển các nguồn năng lượng mới, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỹ muốn trở thành người đi đầu trong công nghệ, phát triển “nền kinh tế carbon thấp” nhằm giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Cách tiếp cận này được thực hiện một cách khoa học và có kế hoạch rõ ràng chia theo giai đoạn. Giai đoạn một là giúp người dân hiểu được lợi ích của mô hình phát triển mới. Tiếp đến là đưa ra các phương án khoa học và cuối cùng thực hiện theo chương trình kế hoạch. Tuy nhiên, tùy theo đặc trưng từng vùng, Chính phủ và chính quyền địa phương có thể áp dụng các kế hoạch khác nhau.
Thứ hai, Mỹ chú trọng nhất là tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Xu hướng sử dụng năng lượng mặt trời đã và đang được triển khai. Hiện Mỹ có 22 thành phố đã sản xuất và sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời. Điều này không chỉ giúp giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân, mà còn tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả và tiếp cận theo hướng carbon thấp. 
Thứ ba, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng. Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện và đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%. Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai năng lượng sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng có chức năng như một “ngân hàng xanh” để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu.
3.2. Hàn Quốc - đẩy mạnh tiêu dùng xanh
Theo Bùi Quang Tuấn (2011), Hàn Quốc là quốc gia châu Á đi đầu về phát triển xanh và coi tăng trưởng xanh là một phần trong chiến lược quốc gia. Chiến lược xanh của Hàn Quốc gồm 3 yếu tố: Công nghiệp, năng lượng và đầu tư. Chiến lược này nhằm duy trì quy mô hoạt động sản xuất kinh tế để tối ưu hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường lên các nguồn năng lượng và tài nguyên, đồng thời chuyển đổi đầu tư sang các hoạt động môi trường và tăng trưởng kinh tế.
Để hiện thực hóa chiến lược, Hàn Quốc đã ban hành gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới” (tháng 1/2009) trị giá 50 nghìn tỷ Won trong 4 năm với 9 dự án xanh, tạo 956 nghìn việc làm. Cũng trong tháng 1/2009, “Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh” kêu gọi tăng 2 lần chi phí cho công nghệ xanh vào năm 2012, tập trung vào các lĩnh vực như: Tái sử dụng rác thải, chế tạo và sử dụng pin năng lượng mặt trời, dự đoán biến đổi khí hậu, lưu giữ carbon...
Trong giai đoạn 2010-2011, Chính phủ Hàn Quốc tập trung thúc đẩy phát triển ngành năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp xanh và ban hành Luật Hạn chế khí thải, phát triển quản lý năng lượng. Đã có nhiều dự án xanh ở Hàn Quốc được người dân tích cực tham gia như “Thành phố mặt trời”, “Ngôi nhà xanh trị giá 2 triệu”, “Thành phố và dòng sông xanh hơn”...
Từ năm 2011, Hàn Quốc chi khoảng 60 tỷ USD trong 5 năm cho phát triển xanh, tạo hơn 1,8 triệu việc làm. Cũng trong giai đoạn này, Hàn Quốc xây dựng hệ thống “thẻ thanh toán xanh” để kích thích tiêu thụ hàng hóa xanh. Với sự hỗ trợ của thẻ này, việc sử dụng hàng hóa xanh và sản phẩm tiết kiệm năng lượng ngày càng được phổ biến (Phùng Thị Quỳnh Trang - Nguyễn Thị Thu Hà, 2021).
3.3. Trung Quốc - triển khai các đặc khu kinh tế xanh
Theo Lưu Trang (2017), thông qua việc cho phép thành lập các khu phát triển công nghệ cao, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các quy định và luật lệ liên quan như quy định về phạm vi các lĩnh vực khoa học và công nghệ cao được phát triển, bao gồm: vi điện tử, thông tin điện tử, không gian và vũ trụ, năng lượng mới và năng lượng hiệu quả cao, sinh thái và bảo vệ môi trường… và các ngành công nghệ thay thế khác cho các ngành công nghiệp truyền thống đang được sử dụng hiện nay.
Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã xây dựng nhiều đặc khu kinh tế (SEZ - Special Economic Zones) theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các SEZ này đều gây ô nhiễm môi trường, nên hiện nay, Trung Quốc đang hướng tới quỹ đạo phát triển bền vững, thông qua các SEZ “xanh”.
Đầu tiên là Chương trình Khu công nghiệp sinh thái, được khởi xướng vào năm 2003 nhằm thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình "tiết kiệm tài nguyên" và "sản xuất sạch", hay xây dựng các khu công nghiệp mới dựa trên sự "cộng sinh công nghiệp" và nguyên tắc sản xuất sạch. Trên nền tảng đó, mô hình Khu công nghiệp "kinh tế tuần hoàn" (CEDIP) được Trung Quốc giới thiệu vào năm 2005, dựa trên nguyên tắc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (3R) và giảm phát thải. Theo đó, mô hình "kinh tế tuần hoàn" chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Đây là cơ sở để Trung Quốc tiếp cận nền "kinh tế tuần hoàn" song song với việc thúc đẩy phát triển bền vững đô thị xung quanh các SEZ; đồng thời, cũng là nội dung chính trong Chiến lược phát triển trung hạn của Trung Quốc giai đoạn 2006 - 2010 (Kế hoạch 5 năm lần thứ 11).
Đến năm 2012, mô hình Khu công nghiệp "kinh tế tuần hoàn" (CEDIP) đã được áp dụng đồng loạt trên hầu hết các khu công nghiệp theo Chương trình Chuyển đổi tuần hoàn các khu công nghiệp (CTIP), nhằm hướng tới Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 và thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc không chỉ chú trọng vào phát triển khu công nghiệp bền vững mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như năng lượng mới, công nghệ sạch và công nghệ thông tin.
Cùng với CTIP, vào năm 2013, Chính phủ đã phát động Chương trình Khu công nghiệp phát thải các bon thấp (LCIP) nhằm hướng tới mục tiêu Hiến pháp mới của Trung Quốc là "nền văn minh sinh thái". Chương trình nhấn mạnh việc kiểm soát và định lượng phát thải các bon và phát triển cơ sở hạ tầng tại các Khu công nghiệp.
Nhờ vào sự thúc đẩy mạnh mẽ của cấp Trung ương, các chương trình đều đạt được thành công nhất định. Nội dung "kinh tế tuần hoàn" và chuyển đổi công nghiệp xanh được đề cập ở Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 đã thể hiện rõ vai trò, cũng như sự quản lý sát sao của các cấp chính quyền. Các thông điệp nhất quán tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận các chương trình, cũng như sự tham gia tự nguyện của các chính quyền địa phương. Chính phủ cũng cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng tham gia thành công.
4. Bài học tham khảo cho Việt Nam
Một là, bài học tham khảo từ Mỹ trong xây dựng và thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh theo từng giai đoạn cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, 2 nhiệm vụ chiến lược gồm: Thứ nhất, xanh hóa sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hóa sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Thứ hai, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại. Tiếp đó, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, đề ra 4 nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Như vậy, để nỗ lực hơn nữa trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách sao cho đồng bộ, nhất quán theo định hướng phát triển xanh, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh; phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch.
Hai là, bài học tham khảo từ Hàn Quốc trong đẩy mạnh tiêu dùng xanh.
Nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này đã được ký kết, như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999),... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương); Nhãn sinh thái cho ngành Du lịch cũng được triển khai. Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020 cũng nêu rõ: để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, bảo đảm phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi chính quyền cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường, sức khỏe của cá nhân, cộng đồng. Tích cực vận động người thân, gia đình thực hiện hành vi tiêu dùng xanh, coi đây là trách nhiệm và vinh dự của mỗi người trong xã hội. Để tiến tới xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, đòi hỏi mỗi người dân phải thay đổi nhận thức và hành động, cùng toàn xã hội đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động về bảo vệ môi trường.
Ba là, bài học tham khảo từ Trung Quốc là đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của “nền kinh tế xanh” như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính; hạn chế tối đa gây ô nhiễm môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; định hướng lại đầu tư công, hướng tới mức đầu tư khoảng 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Chính phủ cần áp dụng các chính sách và chương trình liên quan đến kinh tế xanh trong đó phải kể đến chính sách phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm và bảo toàn điện năng giảm thái khí nhà kính bao gồm việc ban hành hàng loạt các chủ trương, biện pháp như kiểm soát an toàn năng lượng, lắp đặt hệ thống quan trắc về bảo toàn năng lượng, nâng cao hiệu suất về bảo toàn năng lượng, áp dụng các công cụ kinh tế khuyến khích việc bảo toàn năng lượng…
5. Kết luận
Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. Tăng trưởng xanh phải lấy con người làm trung tâm, phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phải định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh.
Việt Nam cũng đã xây dựng chiến lược cụ thể cho tăng trưởng xanh như định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Chiến lược chỉ rõ, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Tuy nhiên, cần hoàn thiện và sớm ban hành bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Việt Nam. Theo đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2025 - 2030).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Thế Chinh (2011), Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo hướng nền kinh tế xanh ở Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường.
2. Nguyễn Hoàng Oanh - Trương Thị Nam Thắng (2015), Xu thế phát triển kinh tế xanh trong và sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Báo cáo định hướng tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (Tài liệu phục vụ Hội nghị Chính phủ với Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
4. UNEP (2011). Hướng tới nền kinh tế xanh - Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, Bản dịch của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Nhà xuất bản Nông nghiệp, tr.13.
5. UNCTAD (2011). World Investment Report 2011.
6. Bùi Quang Tuấn (2011). Khai thác và sử dụng năng lượng xanh ở Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc tế “Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và những gợi ý cho Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
7. Lưu Trang (2017). Chính sách triển khai và phát triển các đặc khu kinh tế xanh của Trung Quốc. Tạp chí Môi trường, số 11.
8. Nguyễn Thị Thu Hà (2017). Xây dựng và phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính, số 15.
9. Phùng Thị Quỳnh Trang - Nguyễn Thị Thu Hà (2021). Kinh nghiệm phát triển chính sách công nghiệp xanh ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Môi trường số 10.
Experience of some countries in green economy development and lessons learned for Vietnam
Ph.D Nguyen Duc Trong
Hanoi University of science and technology
Abstract:
Green development is an economic development method that is concerned with environmental issues and increasingly depleted natural resources. Based on the experiences of countries that have succeeded in green economy development, Vietnam can adjust the lessons learned to develop policies for supporting the green economy development of each industry and sector in accordance with the country’s geographical, political, cultural, and socio-economic backgrounds. This paper discusses the meaning of green economy development and the experience of some countries in green economy development to point out some lessons for Vietnam’s green economy development.
Keywords: green economy, growth, environment.
TS. Nguyễn Đức Trọng
Đại học Bách khoa Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 5 năm 2023