Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 18:37 GMT+7

Tin hoạt động

Việt Nam - EU hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu

04/07/2023

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân đã làm việc về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu với bà Florika Fink-Hooijer, Vụ trưởng Vụ môi trường của Liên minh châu Âu (EU).
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao hỗ trợ của EU cho ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian vừa qua, đồng thời mong muốn, EU và Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết những vấn đề chung như phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Thứ trưởng chia sẻ, kinh tế tuần hoàn đã được nội luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đến tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam với mục tiêu cụ thể giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% so với năm 2014 vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Cùng với việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam nghiêm túc thực hiện giảm phát thải thông qua chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực. Bộ TN&MT sẽ ban hành tiêu chí xanh cho các ngành kinh tế, bao gồm các công cụ về tài chính xanh, tính dụng xanh... Thứ trưởng cho hay, việc Chính phủ thông qua Quy hoạch điện VIII, với định hướng phát triển mạnh năng lượng tái tạo đã cho thấy rõ quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam hướng đến phát thải ròng bằng 0. Thủ tướng còn quyết liệt chỉ đạo Bộ TN&MT lập quy hoạch không gian biển quốc gia để tạo điều kiện cho phát triển các nguồn năng lượng sạch. Bộ TN&MT cũng sẽ ban hành tiêu chí xanh cho các ngành kinh tế; trên cơ sở đó, có các công cụ về tài chính xanh, tính dụng xanh... “Đây là động lực về chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất xanh, tăng trưởng xanh” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân làm việc với Vụ trưởng Vụ môi trường của Liên minh châu Âu (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong chống rác thải nhựa đại dương, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, thời gian qua, Việt Nam luôn đóng vai trò là một trong những quốc gia tiên phong cam kết và hành động quyết liệt nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và là một trong các quốc gia đi đầu trong việc ủng hộ ý tưởng và đề xuất việc xây dựng một Thoả thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa nói chung.
Được biết, Thỏa thuận tương lai dự kiến sẽ là một công cụ quốc tế có tính chất ràng buộc pháp lý. Bộ TN&MT với vai trò là cơ quan chủ trì được Thủ tướng Chính phủ giao, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đang rà soát các văn bản pháp luật hiện hành, tổ chức xây dựng phương án, kịch bản và quan điểm đàm phán trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, đảm bảo lợi ích của quốc gia và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, trên cơ sở tham khảo các quan điểm của nhóm các nước có cùng điều kiện và trình độ phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Đối với nội dung này, Bộ TN&MT đề nghị EU quan tâm, hỗ trợ Việt Nam thiết lập cơ sở dữ liệu về nhựa, làm nền tảng nghiên cứu và phân tích các tác động, chính sách cần điều chỉnh khi tham gia trong quá trình tham gia đàm phán; hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các cơ chế chính sách, chuyển giao công nghệ liên quan đế xử lý và tái chế rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng”, Thứ trưởng nói.
Qua đây, Thứ trưởng đề nghị phía EU hỗ trợ Việt Nam tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về kinh tế tuần hoàn; các dự án về công nghệ, dịch vụ thân thiện với môi trường; rà soát, hoàn thiện khung chính sách, pháp lý nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển kinh tế tuần hoàn; tăng cường đối thoại công - tư về phát triển kinh tế tuần hoàn.
EU cũng cần quan tâm, hỗ trợ Việt Nam thiết lập cơ sở dữ liệu về nhựa, làm nền tảng nghiên cứu và phân tích các tác động, chính sách cần điều chỉnh khi tham gia quá trình đàm phán; hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các cơ chế chính sách, chuyển giao công nghệ liên quan đế xử lý và tái chế rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng.
Với những thông tin được Thứ trưởng chia sẻ, bà Florika Fink-Hooijer đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Bà Florika Fink-Hooijer khẳng định: EU luôn sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng Việt Nam chuyển đổi xanh. Theo đó, Việt Nam cần thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững, nâng cao sinh kế người dân, đảm bảo an ninh lương thực và thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.