Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 18:31 GMT+7

Tin hoạt động

EU tăng đầu tư xanh

10/01/2022

Liên minh châu Âu (EU) mới thông qua một phần Bộ quy tắc đầu tư thân thiện môi trường. Theo đó, từ năm 2022 EU sẽ thực hiện phân loại danh mục đầu tư xanh trong lĩnh vực vận tải, xây dựng. Bộ quy tắc trên đề ra tiêu chí môi trường trong đánh giá những dự án đầu tư về năng lượng tái sinh, vận tải và sản xuất ô tô. 
Đây được coi là một phần nỗ lực của EU trong việc định hướng dòng vốn đầu tư vào các dự án phát thải carbon thấp. 
Liên minh đa đảng của Đức thống nhất mục tiêu 15 triệu xe điện lưu thông trên đường phố vào năm 2030.
Đức, một trong những thành viên chủ chốt của EU cũng có những động thái tiên phong trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Chính phủ Đức có kế hoạch dành 60 tỷ Euro cho Quỹ đầu tư tương lai với những khoản đầu tư dành cho môi trường và giảm phát thải carbon. Liên minh đa đảng gồm đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) cũng cam kết tăng cường sử dụng năng lượng bền vững. Các đảng nhất trí tới năm 2030 đặt mục tiêu 15 triệu xe điện hoàn toàn lưu thông trên đường phố. 
Tại Bỉ, Chiến lược đưa đất nước trở thành trung tâm nhập khẩu và vận chuyển hydro tái tạo đã được phê duyệt. Trong khi đó Tây Ban Nha lập kế hoạch đầu tư 15 tỷ Euro vào các dự án hydro xanh trong ba năm tới. Số tiền lấy từ Quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch. 
Nước Anh mới đây cũng công bố Chiến lược trung hòa phát thải nhằm chuyển sang nền kinh tế không carbon. Mục tiêu là tạo ra 440.000 việc làm lương cao và thu hút 90 tỷ bảng vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh. Hội nghị cấp cao đầu tư toàn cầu GIS trước thềm COP26 vừa qua chính là cơ hội để Anh thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế rót tiền vào những dự án năng lượng xanh và bền vững. Trong đó, thỏa thuận đáng được mong chờ nhất là cam kết 400 triệu bảng Anh dành cho phát triển năng lượng xanh giữa Chính phủ Anh và quỹ của tỷ phú Bill Gates. 
Châu Âu là một trong những nơi tạo ra nguồn phát thải lớn nhất, đồng thời cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí. Theo Cơ quan môi trường EU (EEA), thiệt hại về sức khỏe và môi trường do các ngành công nghiệp châu Âu gây ra ước tính lên tới 430 tỷ Euro mỗi năm. Theo EEA, ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than là nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người và môi trường, tiếp theo là khí thải từ các ngành công nghiệp nặng, xử lý và sản xuất nhiên liệu. Điều đáng nói là trong 30 cơ sở gây ô nhiễm nặng nhất, có tới 24 nhà máy nhiệt điện và 15 cơ sở ở Tây Âu. 
Thanh Thanh