Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:39 GMT+7

Tin hoạt động

Kinh tế môi trường từ những phụ phẩm nông nghiệp

09/06/2023

Từ nguồn nguyên liệu thô như dây khoai lang, rơm rạ, cỏ voi…dồi dào, nông dân Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) được hỗ trợ hệ thống máy để tận dụng những phụ phẩm này làm thức ăn trong chăn nuôi.
Việc tận dụng phụ phẩm trồng trọt đã mang lại lợi ích kép khi vừa giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tận dụng nguyên liệu tại địa phương
Từ năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt đề án để Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo dây chuyền tự động hóa chế biến thức ăn gia súc nhai lại từ cây khoai lang trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”. Hệ thống máy hoàn thành đã được áp dụng tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
PGS.TS Nguyễn Huy Bích- Trưởng Khoa Cơ khí- Công nghệ, Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Hiện nay, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi là hướng đi thích hợp. Tại Vĩnh Long, phụ phẩm từ nông nghiệp có dây khoai lang, bắp, cỏ voi, rơm tươi…
Đây là nguồn thức ăn dồi dào để chăn nuôi trâu, bò. Toàn tỉnh có hơn 100.000 con bò, tập trung khoảng 50% ở huyện Vũng Liêm, Bình Tân. Huyện Bình Tân là “thủ phủ” khoai lang của cả nước, lượng phụ phẩm khoai lang rất lớn. Cây bắp cũng có số lượng lớn vì vậy tìm cách khai thác phụ phẩm này làm thức ăn nuôi bò là hướng đi thiết thực và hiệu quả.
Bước đầu máy xử lý các loại phế phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi đạt được hiệu quả, tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian cho người chăn nuôi ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Bích, hệ thống máy chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi bò có ưu điểm là thức ăn chăn nuôi được ủ chua, lên men, băm nhỏ rất thích hợp cho bò, tăng dinh dưỡng, hiệu suất chăn nuôi cao.
Trong quá trình ủ phải bổ sung vitamin, khoáng chất, mật đường, có những thành phần chỉ 0,2%, bất khả thi khi trộn tay nhưng hệ thống máy sẽ tự động định lượng phối trộn theo công thức của nhà chăn nuôi.
Năng suất máy lớn với 10 tấn thức ăn/ngày, giảm cường độ lao động và thành phẩm có thể bảo quản 1-3 tháng, sau mùa vụ có thể tích trữ. Từ nguồn thức ăn này, nông dân có thể bán từ 3.000-4.000 đ/kg. Hàng ngày, mỗi con bò tiêu thụ 50-60kg thức ăn, 1 máy tối đa phục vụ 200 con bò/ngày.
Tiết kiệm chi phí, công sức cho nông dân
Có 10 con bò cho ăn thức ăn từ máy chế biến phụ phẩm hơn 1 tháng, anh Hồ Chí Cường (ấp Hưng Thuận, xã Tân Hưng), chia sẻ: “Trước đây tôi cắt cỏ, gom cây bắp, khoai lang xong phải băm thủ công cho bò ăn. Chặt cây bắp từng đoạn, chỉ chọn lá thân mềm và phải bỏ 60% phần thân cứng, bò chỉ ăn được 40%. Giờ có máy chế biến thức ăn thì tận dụng được hết cây.
Đặc biệt là làm nhanh hơn trước rất nhiều. Giờ 100kg chỉ mất 10 phút với máy, còn trước đây băm tay mất 1-2 tiếng đồng hồ mà bò cũng không đủ ăn. Cỏ tươi có lúc thì bò không ăn nhưng thức ăn ủ này bò rất thích.
Nhờ có máy này mà tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, đồng thời, do có trộn nhiều thành phần nên giúp bò dễ tiêu hóa, ít bệnh, lông mướt hơn, phát triển nhanh hơn. Chưa kể, thức ăn sau khi nghiền còn có thể bảo quản trong 3 tháng. Do đó, khi trời mưa khó tìm nguyên liệu thì cũng không lo bò bị đói”.
Còn chú Nguyễn Văn Gõ (ấp Hưng Nghĩa, xã Tân Hưng) nuôi 8 con bò, trước đây khi chưa có máy móc, chú cũng tự ủ thức ăn cho bò bằng thủ công tại nhà.
Chú Gõ cho hay: “Tui chặt dây khoai lang, chặt cây bắp tự ủ thức ăn tại nhà mà cực dữ lắm, phải chạy xe tới Cao Lãnh mua mật đường về ủ. Cực nhất là khâu chặt nhỏ cây bắp, 40 bó là chặt cả tiếng đồng hồ mới xong. Khi có máy móc thay thế, nông dân khỏe hơn nhiều mà chất lượng thức ăn được trộn tốt hơn, bò cũng thích ăn, chất lượng thịt bò ngon hơn. Tui dự định bắt nuôi thêm 6 con bò nữa”.
Ông Nguyễn Hồng Phước- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng, cho hay: Toàn xã có khoảng 25 hộ dân nuôi bò với trên 110 con bò. Thời gian qua, bà con tốn nhiều thời gian để xử lý thức ăn tươi cho bò, từ khâu tìm cỏ, dây khoai đến cắt nhỏ, bằm bằng tay…
Từ khi có máy này, hộ dân chăn nuôi tận dụng được nguồn cây cỏ tại địa phương làm thức ăn cho bò. Bước đầu máy này đạt được hiệu quả, tiết kiệm cho người chăn nuôi, đồng thời đàn bò cũng phát triển tốt. Thời gian tới, xã cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng nhân rộng mô hình để nhiều bà con cùng thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh, Bình Tân là thủ phủ của khoai lang vùng ĐBSCL đã góp phần tạo nên thương hiệu và thu nhập khá cao cho người nông dân. Ngoài ra, Vĩnh Long còn có đàn bò chăn nuôi theo hướng lấy thịt khá lớn và là 1 trong 3 con vật nuôi chủ lực của tỉnh, nhu cầu thức ăn thô rất lớn.
Tuy nhiên, thực trạng cây khoai lang hiện nay chỉ thu hoạch sản phẩm củ là chủ yếu, phần lớn dây khoai lang đang bị bỏ đi hoặc cho bò ăn tươi được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Một nguồn sản phẩm phụ cho chăn nuôi đại gia súc đang rất lãng phí.
Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp phát triển sản phẩm dây khoai lang, nội dung chế biến nào phù hợp và kinh tế, giá thành hợp lý, nhằm nâng cao chuỗi giá trị cây khoai lang. Có thể nói, kết quả đề tài “Nghiên cứu chế tạo dây chuyền tự động hóa chế biến thức ăn gia súc nhai lại từ cây khoai lang trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” đã đáp ứng được yêu cầu đó.
Đề tài “Nghiên cứu chế tạo dây chuyền tự động hóa chế biến thức ăn gia súc nhai lại từ cây khoai lang trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” đã khảo sát đánh giá hiện trạng sử dụng dây khoai lang của tỉnh Vĩnh Long; phân tích và lựa chọn quy trình chế biến dây khoai lang đạt hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường; chế tạo máy, thiết bị trong quy trình chế biến dây khoai lang sử dụng làm thức ăn cho gia súc nhai lại.
Đồng thời, tính toán hiệu quả kinh tế và xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, bảo dưỡng, an toàn và vận hành dây chuyền máy, thiết bị trong quy trình chế biến dây khoai lang sử dụng làm thức ăn cho gia súc nhai lại…
Theo: Kinh tế và Môi trường