Việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành tài nguyên sẽ góp phần giảm thiểu tác động môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, phần sinh khối phụ phẩm sau thu hoạch từ các loại cây trồng như ngô, lúa, mía, rau,... có thể cung cấp tới 43,4 triệu tấn hữu cơ, 1,86 triệu tấn đạm urê, 1,68 triệu tấn supe lân đơn và 2,23 triệu tấn kali sulfat. Đây là lượng dưỡng chất khổng lồ có khả năng bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt trong đất, phục vụ cho công tác canh tác cây trồng nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam đã chỉ rõ, đa số các phụ phẩm nông nghiệp này lại bị bỏ phí, không được sử dụng hiệu quả, trong khi nhà nước chưa có những cơ chế để khuyến khích người nông dân tái sử dụng trong quá trình canh tác.
Theo dữ liệu được cung cấp bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, lượng phụ phẩm trong nông nghiệp thải ra môi trường ở Việt Nam đạt gần 160 triệu tấn. Trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (3,7%); gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%). |
Tuy nhiên, với sự chuyển mình của cách mạng công nghiệp 4.0 cùng những yêu cầu, thách thức của việc phát triển kinh tế - xã hội song hành với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để thúc đẩy tiềm năng sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Trong đó, việc tăng cường tái chế, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp được đặt lên làm ưu tiên hàng đầu.
Theo các chuyên gia, nếu biết khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm sẽ là tiền đề để thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến nông nghiệp tăng trưởng xanh. |
Để thực hiện thành công mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam cũng dần thay đổi, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới để tận dụng các nguồn phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất hoặc chế tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường như: viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, đệm lót sinh học chăn nuôi và cả phân bón hữu cơ,...
Chẳng hạn, trong việc tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, ngay từ khi có chủ trương, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), đã cùng với người dân xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ trong sản xuất đậu tương. Bước đầu thu được kết quả khả quan, với năng suất đậu tương cao hơn so với biện pháp thông thường từ 17 - 20kg/sào; gốc rạ sau thu hoạch có khả năng phân hủy nhanh sau 50 ngày, đạt 70%; số lần thực hiện bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật giảm xuống chỉ còn 1 - 2 lần/vụ. Trong khi đó, đánh giá mức độ sinh trưởng cho thấy cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, đồng thời giảm tác động ô nhiễm môi trường, tăng độ phì nhiêu của đất.
Xử lý phụ phẩm trồng trọt làm phân bón cho cây trồng (Ảnh: vnbusiness.vn/)
Còn với chất thải chăn nuôi, bên cạnh việc ủ phân theo phương thức truyền thống như trước đây, các doanh nghiệp đã dần thay đổi, chuyển sang sử dụng phương pháp ủ compost, kết hợp với xử lý bằng sản phẩm vi sinh vật để tạo thành phân bón phục vụ trồng trọt, canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, các chất thải khác như bột thịt xương, bột thịt, bột gia cầm, bột lông vũ và mỡ động vật sau quá trình chế biến, giết mổ cũng được tận thu lại để tái chế thành thức ăn chăn nuôi.
Những tín hiệu khả quan cũng được ghi nhận trong lĩnh vực thủy sản, khi có nhiều công ty thực hiện chuyển đổi, chế biến phụ phẩm thành mặt hàng có giá trị cao. Điển hình như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Việt Nam Food (VNF), Công ty cổ phần Sao Mai… đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra…
Chế biến phụ phẩm thủy sản thành mặt hàng có giá trị cao (Ảnh: khoahocphattrien.vn/)
Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2020, việc chế biến phụ phẩm thủy sản mới đạt gần 300 triệu USD. Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về từ 4 - 5 tỷ USD mỗi năm. Đây là nguồn giá trị rất lớn cần có chính sách thúc đẩy trong thời gian tới. |
Để tiếp tục phát triển tiềm năng của việc khai thác phụ phẩm nông nghiệp, thời gian tới sẽ cần thêm sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp, người dân. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý là quan trọng nhất, khi cần đổi mới hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư để tạo ra sự khuyến khích và hấp dẫn cho các doanh nghiệp tham gia: hỗ trợ cho thuê mặt bằng đất nông nghiệp sạch, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết trị, công nghệ cao, công nghệ tiến tiến, công nghệ sinh học để đầu tư vào lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi.
Kế đến, cần ban hành thể chế, chính sách để khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bao gồm tuần hoàn hở, gắn từng khâu khác nhau vào tuần hoàn kín để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đồng thời cần hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các biện pháp nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiên, công nghệ sạch vào sản xuất, mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp.
Quang Ngọc