Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 20:40 GMT+7

Sản xuất bền vững

“Công nghệ chế biến phụ phẩm tôm, mực” - Hướng phát triển bền vững cho ngành chế biến thủy- hải sản

10/08/2022

Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (CESTI) tổ chức sự kiện với chủ đề “Công nghệ chế biến phụ phẩm tôm, mực”. Sự kiện đã nhận được sự tham gia của khá đông nhà nghiên cứu, nhà cung ứng và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chế biến thủy, hải sản trên cả nước.
Với giá trị xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh qua từng năm, ngành thủy sản đang là một trong những ngành mũi nhọn cho nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để hướng tới sự phát triển bền vững, quá trình khai thác, chế biến thủy, hải sản hiện nay của các doanh nghiệp trong nước lại chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nhất là khi các phụ phẩm thủy sản, được coi là “nguồn tài nguyên quý” của ngành lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng xử lý yếu kém, gây ô nhiễm môi trường.

Quá trình chế biến tôm
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, trong chế biến thủy sản đông lạnh, cứ 1 tấn tôm được sản xuất sẽ cho ra 0,75 tấn phế thải. Trong số này, đầu tôm và vỏ tôm  là những phụ phẩm thủy sản có giá trị cao, có thể tận dụng sản xuất và chiết xuất thành Chitin, Chitosan, khoáng, protein, làm nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm cho người, nước mắm từ dịch tôm, thức ăn chăn nuôi, phân bón. Ngoài ra, các phụ phẩm này sau xử lý còn có khả năng tái tạo thành túi nhựa sinh học, làm vật liệu nhựa bền và tự phân hủy… 
Nắm bắt vấn đề này, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (CESTI) đã tổ chức sự kiện Kết nối Ý tưởng với chủ đề “Công nghệ chế biến phụ phẩm tôm, mực”. Chương trình diễn ra sáng thứ 3 (9/8/2022), nhận được khá đông sự quan tâm của các chuyên gia, nhà cung ứng và các đối tác là những doanh nghiệp, hộ kinh doanh chế biến thủy, hải sản.
Xuyên suốt sự kiện, các chuyên gia đã lần lượt trình bày dự án nghiên cứu, hướng giải quyết đối với phụ phẩm tôm, mực. Trong đó, tập trung khai thác, làm rõ lợi ích của phụ phẩm thủy, hải sản sau khi được xử lý, tác động đối với môi trường và cả hiệu quả kinh tế. 
Mở đầu là phần trình bày của TS. Bùi Thị Thu Hiền (Viện Nghiên cứu Hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) với chủ đề “Công nghệ xử lý phụ phẩm tôm mực quy mô 100 tấn/ngày”. Theo chia sẻ từ tác giả, “Công nghệ sinh học được áp dụng sẽ giúp thu hồi trọn vẹn lượng axit amin và dịch tôm cô đặc giúp cung ứng cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi và chất dẫn dụ dành cho các động vật nuôi”. Ngoài ra, việc xử lý phụ phẩm bằng công nghệ sinh học theo đề tài của TS. Bùi Thị Thu Hiền còn giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, đảm bảo quá trình hoạt động diễn ra tuần hoàn, liên tục.

TS. Phạm Minh Quốc với đề tài "Công nghệ lên men đầu tôm"
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nguyễn Tất Thành do TS. Phạm Minh Quốc đại diện đã thực hiện đề tài “Công nghệ lên men đầu tôm” với nhiều ưu điểm vượt trội. Kết quả thử nghiệm cho thấy nghiên cứu của TS. Phạm Minh Quốc cùng các cộng sự có nhiều ưu điểm vượt trội so với công nghệ phân giải truyền thống. Đáng chú ý, thiết bị được sử dụng trong “Công nghệ lên men đầu tôm” đa phần được chế tạo tại Việt Nam với mức chi phí rẻ, khả năng bảo dưỡng nhanh với mức giá thấp, không gây ô nhiễm môi trường. Anh chia sẻ “Các anh chị nhìn thấy một ký đầu tôm chúng ta làm nên, giá thành chỉ ở mức có vài ngàn đồng. Bằng công nghệ sản xuất với chi phí thêm vài ngàn nữa, chúng ta có thể thu được thành phẩm với mức giá lên đến vài chục ngàn đồng”. Do đó, “Công nghệ lên men đầu tôm” của TS. Phạm Minh Quốc và các cộng sự đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị, nhà sản xuất để thực hiện chu trình khép kín trong khai thác, chế biến thủy, hải sản.

Quang cảnh buổi thảo luận tại sự kiện
Ngoài hai đề tài nghiên cứu của TS. Bùi Thị Thu Hiền và TS. Phạm Minh Quốc, sự kiện còn ghi nhận đề tài của một số nhà nghiên cứu khác và các cuộc thảo luận, đóng góp ý kiến sôi nổi giữa nhà nghiên cứu và khách tham gia. Đây chính là tiền đề, đóng vai trò quan trọng cho quá trình phát triển ngành bền vữngchế biến phụ phẩm thủy sản nói riêng và khai thác, chế biến thủy, hải sản nói chung.
Quang Ngọc