Chế biến thủy sản là một trong những ngành sản xuất công nghiệp được xem là trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp. Song song với sự tăng trưởng thì ngành công nghiệp này cũng đối mặt với nhiều áp lực trong việc cân bằng giữa sản xuất và hạn chế tác động đến môi trường.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả - giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Sở Công Thương Đồng Tháp đã có nhiều hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản thay đổi máy móc thiết bị, khuyến khích DN phát triển sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn (SXSH).
Theo thông tư số 52/2018/TT - BCT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 1.050kWh/tấn sản phẩm cá tương đương đến hết năm 2025. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030 định mức điện năng sẽ giảm còn 900kWh/ tấn cá.
Tuy nhiên thực tế, bên cạnh những DN làm tốt việc kiểm soát năng lượng thì vẫn còn nhiều DN chưa sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTKHQ). Điện và nước là hai nguồn năng lượng được sử dụng nhiều nhất tại các DN chế biến thủy sản. Trong quá trình chế biến thủy sản, nước được sử dụng ở hầu hết các khâu, tuy nhiên tại nhiều công ty, việc lắp đặt vòi nước không phù hợp và công nhân vẫn còn thiếu trách nhiệm cũng là những nguyên nhân gây lãng phí trong sử dụng nguồn nước. Sử dụng nguồn nước không tiết kiệm còn gây ra áp lực cho khâu xử lý nước thải sau chế biến tại các DN.
Để khắc phục tình trạng này, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị các DN cần xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn tài nguyên nước trong sản xuất, chế biến hiệu quả. Trong đó, chủ DN cần tập huấn nâng cao ý thức, trách nhiệm cho công nhân. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thiết bị nhằm tránh thất thoát nước do thiết bị hư hao. DN có thể đầu tư lắp đồng hồ nước theo dõi để kịp thời phát hiện thất thoát, gắn van tại đầu vòi để thuận tiện cho thao tác đóng, mở. Để tránh lãng phí điện và nước thì các DN phải xây dựng kế hoạch rõ ràng, trong đó ngoài những giải pháp phải tiêu tốn chi phí đầu tư cao thì vẫn có nhiều giải pháp không cần tốn kém nhiều chi phí.
Ông Bùi Văn Minh - Trưởng phòng Tư vấn Công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp (KC&TVPTCN) Đồng Tháp cho biết, nếu xây dựng kế hoạch và tổ chức lại sản xuất ở từng khâu, các DN sẽ sử dụng nước và năng lượng điện hiệu quả hơn. Trong đó có một số nhóm giải pháp không cần phải đầu tư mà DN có thể áp dụng hiệu quả như: xây dựng mô hình quản lý năng lượng; lập nhật ký vận hành theo dõi tình trạng hoạt động các thiết bị; sử dụng hiệu quả hệ thống chiếu sáng; sử dụng hiệu quả nước và đá vảy; tăng cường vệ sinh dàn ngưng và bề mặt các thiết bị trao đổi nhiệt; quản lý sử dụng kho lạnh hiệu quả; hạn chế rò rỉ hơi lạnh và tổn thất nhiệt; hạn chế các băng chuyền IQF chạy không tải, non tải...
Theo Sở Công Thương, đơn vị cũng khuyến khích các DN chế biến thủy sản thay đổi trang thiết bị hiện đại, ít tiêu tốn điện năng phù hợp với nhu cầu sản xuất để mang lại hiệu quả tối ưu nhất và tiết kiệm nhất. Cụ thể, DN có thể lắp đặt điện năng lượng mặt trời để giảm bớt áp lực sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng bơm nhiệt hoặc bơm nhiệt nóng lạnh để gia nhiệt nước nóng vệ sinh và làm lạnh nước chế biến; tối ưu hóa điều chỉnh tải máy nén...
Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về SDNLTKHQ do Bộ Công Thương phát động và thực hiện nhiệm vụ SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm giúp DN nắm rõ hơn về hiệu quả việc sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất. Từ các chương trình này, thời gian qua, các DN được Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh hỗ trợ kiểm toán năng lượng, từ đó đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng của DN, phân tích ưu, nhược điểm. Đánh giá này giúp DN nắm rõ tình trạng sử dụng năng lượng và đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn để ứng dụng cũng như cân nhắc trong việc mua sắm trang thiết bị trong tương lai.
SDNLTKHQ không những góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp DN nâng cao giá trị cạnh tranh sản phẩm do tiết giảm được giá thành sản xuất. Hoạt động SXSH có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với DN và cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường xanh hơn, sạch hơn.
Mỹ Lý