Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhu cầu tiêu dùng bia, rượu và nước giải khát của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển lâu dài. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, ngành bia, rượu và nước giải khát cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, không chỉ cải thiện hiệu quả sản xuất mà còn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sống.
Ngành bia, rượu và nước giải khát tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, cả trong nước lẫn quốc tế. Theo thống kê của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), sản lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam đã đạt hơn 4 tỷ lít mỗi năm, đưa Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn đứng thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản).
Ngành bia rượu và nước giải khát cũng chứng kiến sự mở rộng đáng kể, từ các loại nước giải khát có ga đến nước trái cây, đồ uống thể thao và nước tinh khiết. Sự tăng trưởng này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, mặc dù đạt được sự phát triển mạnh mẽ, ngành bia, rượu và nước giải khát Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề đáng lo ngại. Một trong những vấn đề lớn là tác động đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là nguy cơ nghiện rượu, bia, và tác động của các sản phẩm này đối với người tiêu dùng như: béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường, và các vấn đề sức khỏe khác. Bên cạnh đó, ngành này còn tạo ra lượng rác thải nhựa lớn từ bao bì, chai lọ, vỏ lon. Nếu không có giải pháp xử lý và tái chế hiệu quả, những chất thải này sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống xử lý chất thải của các đô thị.
Ngành đồ uống cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường sống (Ảnh:pixabay)
Do đó, để ngành bia, rượu và nước giải khát phát triển bền vững, cần có một hệ thống giải pháp tổng thể và đồng bộ, bao gồm các yếu tố từ quản lý chất lượng sản phẩm đến việc giảm thiểu tác động tới môi trường. Một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Các nhà máy sản xuất có thể đầu tư vào các công nghệ xanh như hệ thống năng lượng mặt trời, tái sử dụng nước trong quá trình sản xuất và sử dụng vật liệu bao bì dễ tái chế hoặc bao bì phân hủy sinh học.
Thêm vào đó, ngành bia, rượu và nước giải khát cần chú trọng đến việc giảm thiểu tác động đến sức khỏe người tiêu dùng. Các doanh nghiệp trong ngành cần cung cấp các sản phẩm lành mạnh hơn, chẳng hạn như nước giải khát ít đường, hoặc các loại bia nhẹ có ít cồn. Các chiến dịch tuyên truyền về tác hại của việc uống rượu bia quá mức cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đồng thời, xây dựng các chương trình tái chế bao bì cũng là một giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường. Các nhà sản xuất bia và nước giải khát có thể hợp tác với các tổ chức môi trường để triển khai các chương trình thu hồi và tái chế vỏ lon, chai nhựa, hoặc thiết lập các điểm thu gom ở những khu vực có mật độ người tiêu dùng cao.
Những doanh nghiệp điển hình
Là một trong những doanh nghiệp ngành nước giải khát tiên phong trong giảm rác thải, bảo vệ môi trường, ngay từ năm 2020, Cocacola là doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường Việt Nam giới thiệu chai nhựa được làm từ 100% nhựa tái chế rPET (trừ nắp và nhãn chai), áp dụng cho sản phẩm nước đóng chai Dasani dung tích 500ml. Đến năm 2021, Coca‑Cola chuyển đổi vỏ chai Sprite từ màu xanh đặc trưng sang chai nhựa PET trong suốt, góp phần thúc đẩy quá trình tái chế vỏ chai Sprite tại Việt Nam.
Cocacola cũng đã đưa thông điệp “Tái chế tôi” lên bao bì sản phẩm của tất cả các thương hiệu thuộc công ty Coca‑Cola, nhằm khuyến khích người tiêu dùng chung tay hỗ trợ các hoạt động tái chế bao bì. Coca‑Cola còn hợp tác với các công ty khác thành lập Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua quy trình thu gom và tái chế bao bì theo hướng dễ tiếp cận và bền vững hơn tại Việt Nam.
Bao bì mới làm từ 100% nhựa tái chế (trừ nắp và nhãn chai)
Còn tại Nestle Việt Nam, trong những năm qua Tập đoàn đã lựa chọn cách tiếp cận tạo giá trị chung (CSV), tức là tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng, xã hội, kinh tế và hành tinh, là trung tâm của mọi hoạt động doanh nghiệp. Trong đó, nỗ lực phát triển bền vững về môi trường được thực hiện đồng thời qua các giải pháp nhằm đóng góp trong bảo tồn, tái sinh nguồn tài nguyên.
Tại mỗi kệ hàng trong siêu thị, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những sản phẩm quen thuộc như: sữa lúa mạch Milo, cà phê Nescafé, nước tương Maggi, sữa NAN, Kitkat... với diện mạo đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc thiết kế và chất liệu bao bì. Công ty đã đầu tư chi phí nhằm thay đổi thành phần của bao bì, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, tăng tỉ lệ các nguyên liệu có thể tái chế dễ dàng và thân thiện môi trường.
Một số cải tiến về bao vì của sản phẩm thương hiệu Nestle (Ảnh: Nestle)
Đầu năm 2021, La Vie, một thành viên của tập đoàn Nestle tại thị trường Việt Nam đa ra mắt sản phẩm nước khoáng thiên nhiên sử dụng chai làm từ 50% nhựa tái sinh, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Doanh nghiệp cũng sử dụng các vật liệu bao bì thay thế để tạo thuận lợi cho việc tái chế. Các sáng kiến cải tiến bao bì đã giúp Nestlé Việt Nam giảm đến hơn 2.000 tấn nhựa mỗi năm. Đến nay, gần 94% bao bì sản phẩm được thiết kế để có thể tái chế.
Phát triển bền vững ngành bia, rượu và nước giải khát không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp trong ngành. Việc áp dụng các giải pháp xanh, nâng cao ý thức cộng đồng về sức khỏe, và bảo vệ môi trường sẽ giúp ngành công nghiệp này không chỉ duy trì được sự phát triển mà còn đóng góp tích cực vào mục tiêu bảo vệ hành tinh và sức khỏe của người tiêu dùng.
Hồng Nhung