Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 30/10/2024 | 17:19 GMT+7

Điển hình

Sơn La hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững

06/06/2023

Vài năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Hướng đi này góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, cho giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Sơn La là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp sản xuất theo nông nghiệp tuần hoàn để hình thành quá trình sản xuất khép kín thông qua ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào tái chế các chất thải, phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh trong tương lai gần.
Hiện toàn tỉnh có 5.917 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ, RA là 18.429,5 ha. Sản lượng vật nuôi áp dụng VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương đạt 3.469 tấn. 9274 cây trồng được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun; hơn 53 ha trồng trong nhà lưới, nhà kính, nhà màng. Tổng diện tích sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt 8.217 ha.
Cách đây khoảng 5 năm, cứ vào mùa thu hoạch cà phê là tỉnh Sơn La phải đối mặt với bài toán ô nhiễm nguồn nước, không khí do hoạt động sơ chế cà phê của nhiều hộ dân và một số hợp tác xã gây ra. Có thời điểm hàng chục nghìn hộ dân Thành phố Sơn La không thể dùng nước sinh hoạt do ô nhiễm. Nhưng nay, tình hình được cải thiện rõ. Chất thải vỏ bã cà phê đã được thu góm xử lý chế biến làm phân hữu cơ. Góp phần giải quyết bài toán chất thải trong sản xuất nông nghiệp, mang lại cả hai lợi ích kinh tế và môi trường.
Dây chuyền sản xuất phân bón vô cơ, hữu cơ của Nhà máy Sản xuất phân bón Sông Lam Tây Bắc tại bản Xa Căn, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Số lượng các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng với 785 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Hiện có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Tiếp tục xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; duy trì và phát triển bền vững nhãn hiệu các sản phẩm nông sản đã được bảo hộ.
Sơn La có 110 sản phẩm OCOP, cấp 281 mã số vùng trồng với diện tích 4.608,45 ha cây ăn quả và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Duy trì, phát triển 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Tiếp tục triển khai 7 dự án hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm quả xoài theo hướng hữu cơ trên địa bàn các huyện: Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu và thành phố Sơn La với diện tích 308,5 ha; sản phẩm quả cam trên địa bàn huyện Sông Mã, Sốp Cộp với diện tích 18 ha; sản phẩm quả Lê trên địa bàn huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai với diện tích 78 ha Lê VH6. Toàn tỉnh công nhận được 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Mộc Châu. Xây dựng và hình thành 01 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu nâng diện tích cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương đạt 13.179 ha vào năm 2025. Tiếp tục xây dựng quản lý, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; duy trì bền vững các sản phẩm nông sản gắn với các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao...
Theo: Công nghiệp và môi trường