Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:50 GMT+7

Tin hoạt động

Khinh khí cầu năng lượng mặt trời có thể tạo ra điện cả ngày lẫn đêm

11/07/2016

Năng lượng mặt trời có tiềm năng lớn để trở thành một phần quan trọng trong tương lai của năng lượng tái tạo, nhưng hệ thống pin mặt trời truyền thống có một vài nhược điểm khiến cho chúng khó có thể được áp dụng rộng rãi hơn. Bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao (hiện nay tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người), hai vấn đề liên quan khác là khả năng lưu trữ năng lượng vào ban đêm, và ảnh hưởng của thời tiết nhiều mây hoặc khí hậu khắc nghiệt đối với việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời.

Ý tưởng về khinh khí cầu năng lượng mặt trời của NextPV có tiềm năng giải quyết được cả hai vấn đề trên, bởi hệ thống này kết hợp sự sản xuất điện từ năng lượng mặt trời vào ban ngày với sự sản sinh khí hydro, chất được sử dụng trong pin nhiên liệu với vai trò là nơi trung gian lưu trữ năng lượng để tạo ra điện, và việc này kéo dài được khá lâu sau khi không còn ánh sáng mặt trời.

Các nhà nghiên cứu nói rằng sản lượng năng lượng của hệ thống pin mặt trời đặt trên mây có thể lớn hơn nhiều so với hệ thống đặt dưới mặt đất, bởi nó không bị ảnh hưởng của việc mây che bớt ánh nắng mặt trời, và vì vậy có thể tạo ra sản lượng điện cao gấp ba lần.

Theo ông Guillemoles, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp kiêm nhà điều hành của NextPV, việc sử dụng hydro như một “vectơ năng lượng” theo cách này có thể là biện pháp giúp khắc phục sự thiếu ổn định của năng lượng tái tạo. Hydro có thể thu được bằng cách điện phân với lượng điện mặt trời “thừa lại” từ ban ngày, sau đó tái kết hợp với oxy trong pin nhiên liệu để sản xuất ra điện năng vào ban đêm. Khí hydro cũng đồng thời được sử dụng để bơm phồng quả bóng của khinh khí cầu, giúp giữ chúng nằm ở trên cao mà không cần dùng thêm nguồn năng lượng bên ngoài, khiến cho hệ thống càng trở nên hiệu quả hơn.

Tại thời điểm này, khinh khí cầu năng lượng mặt trời vẫn mới chỉ là một ý tưởng trên giấy, nhưng NextPV hiện đang lên kế hoạch tạo ra một mẫu áp dụng vào thực tế trong vòng hai năm tới.

Văn phòng CPSI