Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 04/12/2024 | 00:14 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tái chế áo phao cứu hộ của Vietnam Airlines thành túi đeo

07/07/2023

Thông qua bàn tay khéo léo của những thợ thủ công khuyết tật, những chiếc áo phao cứu hộ không còn đảm bảo chất lượng của hãng hàng không Vietnam Airlines đã được tái chế thành những chiếc túi xinh xắn.
Theo quy định, áo phao cứu hộ của các hãng hàng không thường xuyên được kiểm tra kỹ thuật định kỳ. Những chiếc áo không đảm bảo quy định an toàn sẽ được lưu kho và đại tu 5 năm/lần. Trong trường hợp không thể khắc phục, áo phao sẽ được mang đi tiêu hủy. Điều này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống khi các áo phao đều được làm từ vật liệu gốc nhựa. Thực trạng này là một phần thách thức khi ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng phải đối mặt khi đặt mục tiêu phát triển bền vững.
Áo phao cứu hộ cũ của Vietnam Airlines được tái chế thành túi đeo (Ảnh: VnEpress)
Để giải quyết bài toán này, năm 2019, Vietnam Airlines tham gia Liên minh chống rác thải nhựa, cam kết và tuyên bố hành động chống rác thải nhựa cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội tại Việt Nam. Cam kết này đã được hiện thực hóa thông qua nhiều hoạt động thiết thực: thu hồi, tái cấp các dụng cụ dùng một lần còn đảm bảo chất lượng; chuyển đổi sử dụng các chất liệu thân thiện môi trường, cắt giảm 62,8 triệu số lượng túi nilon sử dụng mỗi năm cho các vật dụng trên tàu bay…
Năm 2023, Vietnam Airlines đã hợp tác cùng doanh nghiệp xã hội Limloop (quận 6, TPHCM), quyết tâm tái chế hàng trăm chiếc áo phao không còn sử dụng được thành những chiếc túi dành tặng các hành khách của Vietnam Airlines. Hoạt động được triển khai từ giữa tháng 5, tại đây, người thợ thủ công sẽ thực hiện các công đoạn: lau chùi sạch sẽ, sau đó tháo rời các bộ phận như dây đai, còi của chiếc áo phao. Sau đó, cắt rập theo khuôn có sẵn, là ủi và mang đi may thành những chiếc túi đeo chéo xinh xắn. Những chiếc túi mới sử dụng khoảng 80% nguyên liệu tái chế, trừ dây kéo và vải lót (cho túi đeo) là đồ mới.
Từ đó, hàng trăm chiếc áo phao cứu hộ những tưởng phải loại bỏ, nay có thêm một "vòng đời" mới. Chúng biến thành những chiếc túi có thiết kế bắt mắt, vừa thời trang nhưng cũng vừa mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Những chiếc túi đặc biệt này được tạo tác từ đôi bàn tay khéo léo của những thợ thủ công có hoàn cảnh đặc biệt đang làm việc tại Limloop. 
Những sản phẩm được làm ra từ áo phao cũ hỏng (Ảnh: Limloop)
Bà Trương Thị Hồng Nhung, Giám Đốc Điều Hành Limloop chia sẻ về sự hợp tác đầy ý nghĩa với hãng Hàng không Quốc gia: "Limloop cảm thấy rất vui mừng khi được là đối tác của Vietnam Airlines trong chiến dịch Thử thách chuyến bay bền vững. Tôi tin rằng, chiến dịch lần này sẽ tạo nên một nguồn cảm hứng rất mạnh mẽ cho các doanh nghiệp để cùng nhau có nhiều hơn nữa những ý tưởng, chung tay thúc đẩy nền kinh tế xanh tại Việt Nam."
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hàng trăm chiếc áo phao cũ đã được tái chế. Các món đồ xinh xắn này được làm quà tặng cho hành khách bay từ Việt Nam sang Đức vào ngày 26/5. Đây cũng là chuyến bay mà Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tham gia "Thử thách chuyến bay bền vững" do Liên minh hàng không Skyteam phát động. 
Tham gia thử thách chuyến bay bền vững là một trong những hoạt động nổi bật của Vietnam Airlines trên hành trình tiên phong hướng đến phát triển bền vững. Bên cạnh những ý nghĩa thiết thực hướng tới bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chương trình còn góp phần phát huy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đất nước, cộng đồng tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế.” đại điện hãng nói.
“Thử thách chuyến bay bền vững” (The Sustainable Flight Challenge - TSFC) là hoạt động được Liên minh hàng không SkyTeam khởi xướng nhằm khuyến khích các sáng kiến phát triển bền vững trong lĩnh vực hàng không.
Không chỉ nâng cao nhận thức và khuyến khích sáng tạo, hoạt động còn góp phần lan tỏa các giải pháp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từ đó, các hãng hàng không có thể triển khai những biện pháp thực tiễn, giúp giảm thiểu tác động của chuyến bay lên môi trường và mang lại những kết quả có thể đo lường được.
Thử thách năm nay thu hút sự tham gia của 22 hãng bay, trong đó có 15 hãng thuộc liên minh SkyTeam. Tại hạng mục đầu tiên, các hãng tham gia bằng cách tổ chức chuyến bay có cự ly đường dài (long-haul) trên 5.000 km và đánh giá hiệu quả khai thác, bảo vệ môi trường trên các chặng bay này.
Tuệ Lâm