Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Ngày 23/2, tại trụ sở Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (SPI-NDC) lần thứ 3. Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Dự án năm 2022 và thảo luận xây dựng Kế hoạch năm 2023.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Trưởng Ban chỉ đạo dự án SPI-NDC chia sẻ, việc triển khai NDC của Việt Nam hiện đã đến giai đoạn quan trọng, cần có những quyết sách thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Dó đó, thông qua dự án SPI-NDC, Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động cụ thể để đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng, quản lý, phát triển tín chỉ carbon, tiến tới thành lập và vận hành thị trường carbon.
Đồng tình với quan điểm này, ông Kubo Yoshitomo, Phó Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho rằng, những kết quả và kinh nghiệm triển khai dự án trong thời gian qua sẽ không chỉ được sử dụng hiệu quả trong việc hoạch định chính sách, mà còn giúp tăng cường quan hệ đối tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để đẩy mạnh hành động khí hậu. Các cơ quan của Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác tốt đẹp để Dự án đạt mục tiêu cao nhất.
Thông qua dự án SPI-NDC, Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng, quản lý, phát triển tín chỉ carbon, tiến tới thành lập và vận hành thị trường carbon (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Chia sẻ về các kết quả Dự án năm 2022, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TN&MT) cho biết: Các hoạt động của Dự án năm 2022 được thực hiện đối với cấp quốc gia và cấp ngành. Cụ thể, ở cấp quốc gia, Dự án đã đánh giá bộ chỉ số theo dõi tiến độ thực hiện NDC hàng năm cho lĩnh vực sản xuất xi măng và lĩnh vực giao thông vận tải theo Khung tăng cường minh bạch (ETF); có các phương án khuyến nghị tăng cường cho cơ chế điều phối liên ngành.
Hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến cấp cơ sở cũng đã được thiết kế mô phỏng phù hợp với các quy định pháp luật, trao đổi thông tin về vận hành hệ thống của các quốc gia khác. Dự án đã tổ chức hội thảo giới thiệu và tập huấn hệ thống này cho các Bộ liên quan và khối tư nhân.
Ở cấp ngành, Dự án đã hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chính sách giao thông thân thiện với môi trường, thực hiện thí điểm hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho tuyến xe bus nhanh BRT, đánh giá đồng lợi ích của giảm nhẹ ô nhiễm không khí của các tuyến Metro; tham vấn Bộ Xây dựng lên kế hoạch thực hiện thí điểm MRV trong ngành xi măng.
Trong khuôn khổ Dự án, các chuyên gia đã đề xuất những biện pháp khuyến khích khối tư nhân tham gia thực hiện NDC, bao gồm các biện pháp khuyến khích phi tài chính (Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững của VCCI) và các biện pháp khuyến khích tài chính (xây dựng dự án thông qua các nguồn vốn hỗ trợ quốc tế). Một số diễn đàn dành cho khối tư nhân đã được tổ chức, cùng với kế hoạch tập huấn kỹ thuật cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng, đồ uống và chất thải.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành - Trưởng Ban chỉ đạo Dự án SPI-NDC phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, các chuyên gia phía Việt Nam và Nhật Bản đã cùng thảo luận, góp ý cho kế hoạch dự án năm 2023. Trong đó, tập trung làm rõ những vướng mắc, những kinh nghiệm để triển khai kế hoạch năm 2023 đạt hiệu quả cao.
Theo ông Koji Fukuda, cố vấn trưởng dự án SPI-NDC lần thứ 3, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực thực hiện NDC của Việt Nam, triển khai các hoạt động thí điểm giảm phát thải và tập huấn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; tiếp tục xây dựng phương thức hoạt động cho cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia cho các Bộ tham gia thực hiện NDC của Việt Nam; tiếp tục xây dựng phần mềm/hệ thống mô phỏng trực tuyến báo cáo khí nhà kính cấp cơ sở. Những kết quả của các hoạt động thí điểm sẽ là tiền đề cho các Bộ, ngành xây dựng chính sách và hướng dẫn cụ thể.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, kế hoạch năm 2023 cần đặt trọng tâm vào việc hiện thực hóa các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phần mềm báo cáo kiểm kê và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cấp cơ sở. Nhật Bản đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, bởi vậy các chuyên gia của hai nước cần phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới để triển khai dự án một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các Bộ cũng cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính, MRV cho các cơ sở thuộc ngành mình quản lý trong năm nay, đặc biệt chú trọng những ngành có nhiều cơ sở phát thải lớn và sẽ tham gia thị trường carbon.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đồng ý với ý kiến từ các Bộ, ngành về việc cần rà soát sự giao thoa giữa các dự án khác nhau liên quan đến giảm phát thải, kiểm kê khí nhà kính. Thứ trưởng đề nghị Cục Biến đổi khí hậu thực hiện chức năng điều phối giữa các dự án, nhà tài trợ để các hoạt động không bị trùng lặp mà hỗ trợ lẫn nhau, hướng đến mục tiêu là công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu càng ngày càng bài bản. Đồng thời, rà soát lại các Luật, nghị định, thông tư, so sánh Kế hoạch với thực hiện NDC để chỉ ra công cụ pháp lý còn thiếu, làm cơ sở hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
Bên cạnh đó, Cục BĐKH cũng trao đổi với các Bộ, ngành để đề xuất đề án phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, đồng thời nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thực hiện kiểm kê để thu hút khối tư nhân hơn nữa.
Hương Linh