Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:42 GMT+7

Tin hoạt động

Hội thảo tham vấn "Kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình TIMES cho Việt Nam để triển khai Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp"

01/08/2019

Sáng ngày 01/8/2019, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đồng chủ trì Hội thảo tham vấn "Kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình TIMES cho Việt Nam để triển khai Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ trưởng Nguyễn Thị Lâm Giang đã cảm ơn sự hỗ trợ hết sức kịp thời của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện mô hình TIMES phục vụ tính toán, triển khai kế hoạch thực hiện NDCs của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước, các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu trong quá trình thu thập số liệu, tham vấn hoàn thiện mô hình TIMES.

Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, xây dựng và thực hiện NDCs trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp là vấn đề còn rất mới và khó trong điều kiện của Việt Nam. Mới về kiến thức, khái niệm và phương pháp luận, Khó về nguồn lực tài chính, con người, lực lượng chuyên gia, các cơ chế chính sách chưa đầy đủ. Do đó, quá trình nghiên cứu nội dung, phương pháp luận và lựa chọn mô hình tính toán đã được Bộ Công Thương tiến hành một cách cẩn trọng. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, từ tháng 8 năm 2018, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo về dự kiến nội dung, phương pháp luận để tính toán NDCs lĩnh vực năng lượng và công nghiệp và sau gần một năm qua, với nền tảng kiến thức ban đầu và sự lựa chọn mô hình TIMES để phát triển. Đến nay, báo cáo kết quả xây dựng mô hình TIMES đã được các chuyên gia hoàn chỉnh. Do đó, trong hội thảo ngày hôm nay, tôi đề nghị nhóm chuyên gia tư vấn trình bày một cách đầy đủ nhất về quá trình xây dựng, các phát hiện mới, các đề xuất kiến nghị cho Việt Nam các mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện NDCs lĩnh vực năng lượng và công nghiệp có tính khả thi, khách quan và tin cậy nhất.
Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chia sẻ, mặc dù mô hình TIMES của Việt Nam đã được các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm phát triển, nhưng cũng không tránh khỏi các khiếm khuyết, thiếu sót do các vấn đề về số liệu, các giả định đầu vào, dẫn đến các kết quả đầu ra và các khuyến nghị chưa sát với điều kiện của Việt Nam. Do dó, bà Nguyễn Thị Lâm Giang hy vọng sẽ nhận được các ý kiến góp ý, các câu hỏi cần làm rõ hơn từ đại biểu đến từ các bộ ngành, các viện nghiên cứu, các chuyên gia độc lập và các đại biểu tham dự Hội thảo để các chuyên gia có thể tiếp thu, hoàn chỉnh mô hình. Theo đó, kết quả nghiên cứu và báo cáo kỹ thuật, đề xuất kiến nghị của tư vấn sẽ được Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc, nghiên cứu, rà soát và cập nhật NDCs của Việt Nam và tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.
Theo tính toán các kịch bản NDCs Việt Nam từ phiên bản thứ nhất đã trình Ban Thư ký Công ước khí hậu tại COP21 đến nay là các phiên bản đang được cập nhật, hoàn chỉnh, tổng lượng phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất, khai thác và sử dụng năng lượng luôn chiếm tỷ lệ lớn khoảng trên 80% đến năm 2030. Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhấn mạnh, đây là nội dung hết sức quan trọng và có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn triển khai thực hiện từ 2021-2030, đặc biệt là từ giai đoạn chuẩn bị hiện nay đến chu kỳ thứ nhất của NDCs đến 2025. Do đó, Bộ Công Thương rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ TNMT và các bộ ngành có liên quan, giúp cho quá trình triển khai NDCs lĩnh vực năng lượng và công nghiệp đạt được những kết quả như mong muốn, góp phần thực hiện tốt cam kết của Việt Nam đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết thêm, hiện nay các nội dung trong NDC đã được các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ trong khuôn khổ Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Triển khai thực hiện NDC đã trở thành trọng tâm của công tác ứng phó với BĐKH tại Việt Nam đến năm 2030.
Quá trình rà soát cập nhật NDC của Việt Nam đã được bắt đầu tháng 6 năm 2017 và dự kiến sẽ trình CP xem xét trong nửa đầu năm 2020. Một trong những yêu cầu của rà soát, cập nhật NDC lần này là làm rõ hơn mỗi lĩnh vực có thể đóng góp được gì, khi nào, và nguồn lực ở đâu để thực hiện. Việc rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các Bộ, ngành, các đối tác phát triển tại Việt Nam. Nhiều Bộ, ngành đã tổ chức những đợt tham vấn riêng để xây dựng đóng góp của Bộ, ngành mình để tổng hợp xây dựng NDC cập nhật của Việt Nam. Ông Phạm Văn Tấn nhấn mạnh, Hội thảo hôm nay chính là một ví dụ về sự tham gia tích cực, chủ động của Bộ Công Thương và hỗ trợ cụ thể của Ngân hàng Thế giới trong nỗ lực rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Các chuyên gia đã cùng nhau giới thiệu tổng quan về Kế hoạch thực hiện dự án và Mô hình Times tại Việt Nam; cách tiếp cận phân tích; các kết quả của kịch bản NDC trung bình; các kết quả của kịch bản NDC cao; phân tích độ nhạy; các nội dung cụ thẻ của Lộ trình NDC...
Hồng Hạnh