Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:52 GMT+7

Sản xuất bền vững

Ngành dệt may hướng đến sản xuất xanh

15/07/2023

Doanh nghiệp dệt may đang đứng trước bài toán về chuyển đổi đầu tư để đạt mục tiêu phát triển bền vững, duy trì đà tăng xuất khẩu và không bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
Xanh hóa ngành dệt may sẽ giúp giảm nhẹ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các tác động xấu của quá trình sản xuất đến môi trường. (Ảnh: Internet)
Ngành dệt may đóng góp 44 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, tuy nhiên đang đứng trước nguy cơ khó giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu doanh nghiệp không nhanh chân đầu tư chuyển đổi nhằm tạo ra quy trình sản xuất, cắt giảm mức tiêu hao điện năng, giảm phát thải ra môi trường, tiết kiệm nguồn nước…
Hiện nay nhiều thương hiệu may mặc lớn trên thế giới, đối tác đặt đơn hàng của dệt may Việt Nam đang chuyển sang ưu tiên các doanh nghiệp xanh. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị giảm đáng kể lượng đơn hàng.
Đẩy mạnh đầu tư
Ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty Cổ Phần Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, các đối tác, khách hàng của đơn vị yêu cầu ngày càng cao về hóa chất nhuộm, ngoài việc bảo đảm sức khỏe cho người lao động còn phải rõ ràng về xuất xứ cũng như khả năng xử lý hóa chất sau nhuộm. Đơn vị đã đầu tư lắp đặt hệ thống thu hồi xút (Caustic Soda) - hóa chất xử lý nước thải có khả năng khử sạch nước sinh hoạt, nước trong các nhà máy trước khi đổ ra môi trường. Ngoài ra, công ty dự kiến sẽ cải tạo lò hơi 18 tấn đốt than đá bằng nhiên liệu sinh khối Biomass (có nguồn gốc từ phế phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp...) thân thiện với môi trường, giảm khí thải CO2 và tháng 6 tới sẽ đi vào hoạt động chính thức.
Được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, những chiếc máy nhuộm tại Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định sử dụng công nghệ tạo nhiệt hoàn toàn từ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), giảm 50 tấn than đốt lò hơi mỗi ngày. 10% nước thải từ quá trình dệt nhuộm cũng được xử lý để tái sử dụng."Mục tiêu của chúng tôi từ nay đến 2025 sẽ tái tuần hoàn được 50% lượng nước thải. Nước sau khi xử lý sẽ đáp ứng đủ điều kiện cho sinh hoạt, gia đình", ông Nguyễn Văn Kiểm - Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định cho hay.
Hệ thống tranh thiết bj hiện đại giúp tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải (Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet)
Đại diện Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ nhận định, việc đầu tư điện mặt trời áp mái tại các nhà máy tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khấu hao nhanh, với nhà máy đặt ở khu vực miền trung mất khoảng 5 năm có thể khấu hao xong chi phí đầu tư ban đầu, khu vực miền nam thời gian khấu hao còn nhanh hơn.
Hiện Hòa Thọ đã đầu tư hệ thống điện mặt trời tại 3 nhà máy may với 100% thiết bị nhập khẩu từ Đức, hằng tháng đáp ứng được khoảng 15-20% tổng nhu cầu điện nhà máy. Điện mặt trời có thể giảm nguy cơ thiếu điện sản xuất trong những tháng cao điểm, giúp nhà máy "xanh" hơn. Việc "xanh hóa" nhà máy là một xu hướng tất yếu nếu doanh nghiệp muốn giữ chân khách hàng cũng như người lao động. 
Vậy muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng "xanh hóa", đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh. 
Khi các doanh nghiệp sản xuất ý thức đầu tư sản xuất xanh hơn, sẽ góp phần vào thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1643/QĐ-TT ngày 29/12/2022 đã đề cập: dệt may, da giày phải đầu tư theo hướng đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.
Mai Anh