Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 21:54 GMT+7

Sản xuất bền vững

“Xanh hóa” ngành dệt may hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

13/09/2022

"Xanh hóa" dệt may hiện được đẩy mạnh ở nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất trên cả nước, hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững
Là một trong những ngành được tập trung đầu tư phát triển sản xuất, dệt may cho đến nay đã trở thành một trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Xét trên thị trường thế giới, ngành dệt may của Việt Nam đã vượt qua Bangladesh hồi năm 2021 để trở thành thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới (5,1%), chỉ xếp sau Trung Quốc (38%). Điều này cho thấy, các sản phẩm dệt may của Việt Nam đã và đang có được vị trí nhất định trên thị trường quốc tế, bao gồm những thị trường lớn nhất, khó tính nhất với hàng loạt yêu cầu khắt khe.
Thương hiệu dệt may Việt Nam đang dần khẳng định trên thị trường quốc tế (Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ)
Để có được kết quả này, các doanh nghiệp dệt may trong thời gian qua đã liên tục tiến hành chuyển đổi, tăng cường đầu tư cho hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng. Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và nguồn nguyên liệu tiết kiệm, hiệu quả cũng là vấn đề luôn được các công ty may mặc chú trọng, quan tâm sát sao bởi dệt may là một trong những ngành gây ra ô nhiễm môi trường hàng đầu thế giới. Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): “nhuộm là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là nước thải và ô nhiễm mùi”.
Tính trung bình, trong 1.000kg sản phẩm được sản xuất ra, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các doanh nghiệp dệt, nhuộm chiếm khoảng 500 – 2.000kg. Trong đó có cả những hóa chất dạng vô cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau. Chưa hết, trong vòng đời sản phẩm, hàng hóa dệt may sau khi sử dụng đa phần sẽ bị thải bỏ mà không được tái chế, không tuần hoàn, trở thành lượng rác thải rắn khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Với những tác động kể trên, việc “xanh hóa” ngành dệt may hiện nay trở thành vấn đề cấp bách, được các bộ, ban ngành cùng các công ty, đơn vị sản xuất đặc biệt quan tâm và chú trọng. Trong đó tập trung chủ yếu vào những chiến lược chính như: Tiếp cận chuỗi cung ứng xanh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, giảm chi phí sản xuất; giảm chi phí khai thác tài nguyên (cho nguyên liệu, nước, năng lượng và hóa chất) và phát thải nguy hại vào môi trường; áp dụng kinh tế tuần hoàn và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải, cộng sinh công nghiệp hướng đến một nền kinh tế dệt may tuần hoàn nhằm loại bỏ các chất gây quan ngại và phát thải vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu gom và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguyên liệu tái tạo. 
Từ những chiến lược được đề ra, các công ty may mặc của Việt Nam đã dần thay đổi, chuyển dịch quá trình sản xuất theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Điển hình cho xu thế này chính là Công ty Cổ phần May Sông Hồng, khi đơn vị này quyết định đầu tư Khu sản xuất may xuất khẩu mang tên Sông Hồng 10 có tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng cùng diện tích gần 75.000m2. Đây là nhà máy hoàn toàn mới, được trang bị hàng loạt tiêu chí xanh – phát triển bền vững: từ sử dụng năng lượng tái tạo qua hệ thống pin mặt trời; toàn bộ buồng làm mát, sấy khô được hợp làm một; xử lý nước thải tái sử dụng. Đồng thời, nhà máy cũng ứng dụng nhiều công nghệ tân tiến, hiện đại, hướng tới mô hình nhà máy dệt, may phát triển xanh, sạch bậc nhất Việt Nam.
Hệ thống pin mặt trời mái nhà đang được triển khai ở nhiều nhà xưởng của Công ty Cổ phần May Sông Hồng (Ảnh: Baodautu.vn/)
Theo ông Nguyễn Ngọc Khuyên – Giám đốc Khu vực sông Hồng - Nghĩa Hưng 2 - Công ty Cổ phần May Sông Hồng: “Để tiến tới sản xuất xanh, ngay từ ban đầu, doanh nghiệp đã làm việc với khách hàng, nhà cung ứng để tìm hiểu, khai thác các dòng nguyên, phụ liệu. Đối với các nguồn nguyên, phụ liệu đặc chủng cần phải hợp tác với khách hàng để tìm kiếm những sản phẩm có nguồn gốc tái chế. Đồng thời trong quá trình xây dựng nhà máy, doanh nghiệp cũng đặt yếu tố “xanh" lên hàng đầu: sử dụng, khai thác nguồn điện năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường, giảm tải cho điện lưới quốc gia. Thứ hai xây dựng nhà máy mới không sử dụng nồi hơi đốt than mà chuyển sang sử dụng nồi đốt bằng điện, do đốt hơi bằng than sẽ xả thải rất nhiều lượng khí CO2, gây ô nhiễm môi trường”.
Tương tự với trường hợp của Công ty Cổ phần May Sông Hồng, TNG Thái Nguyên và LGG Bắc Giang cũng là những đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất bền vững. Trong đó, yếu tố môi trường làm việc, nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao cùng hệ thống máy móc trang bị hiện đại là những ưu tiên hàng đầu mà các doanh nghiệp này hướng đến. Kết quả thu được từ quá trình chuyển đổi chính là khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ giúp người lao động có thể yên tâm làm việc. Cùng với đó hệ thống máy móc hiện đại có khả năng đáp ứng những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường trong sản xuất, giảm thiểu chi phí nguyên liệu, giá thành sản xuất. Chẳng hạn với TNG Thái Nguyên, vào những ngày đủ nắng, dàn pin mặt trời có thể cung cấp đủ 100% năng lượng điện cho nhà máy,  trung bình thì có thể đạt khoảng 70 – 80% nhu cầu tiêu thụ điện.
Một góc xanh tại nhà máy TNG Sông Công (Ảnh: vinacic.com/)
"Xanh hóa" là yêu cầu bắt buộc với mỗi doanh nghiệp nói chung. Doanh nghiệp dệt may cũng không nămg ngoài xu hướng đó. Từ những điển hình trong chuyển đổi sang sản xuất bền vững, có thể thấy quá trình “xanh hóa” đang diễn ra mạnh mẽ, lan rộng đến nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, bao gồm cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
Với việc "xanh hóa", ngành dệt may đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí cho sản xuất, hướng đến phát triển bền vững. Đây cũng là lợi thế  giúp dệt may Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong chiến lược phát triển của ngành, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đặt ra kế hoạch xanh hóa đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Vũ Đức Giang (chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam), các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi cần thực hiện 3 vấn đề lớn:
- Việc đầu tư là yếu tố bắt buộc
- Đầu tư để đạt được các đánh giá chuẩn mực của các nhãn hàng (yếu tố doanh nghiệp phải tuân thủ)
- Duy trì và tuân thủ được mục tiêu phát triển bền vững và những cam kết của Việt Nam với toàn cầu, đặc biệt là các điều khoản của COP 26.
Nếu không đáp ứng các chuẩn mực, các doanh nghiệp sẽ phải đứng ngoài và bị đào thải khỏi “cuộc chơi” dệt may toàn cầu
Quang Ngọc