Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 14:32 GMT+7

Sản xuất bền vững

"Xanh hóa" Công nghiệp Dệt may - Xu hướng và giải pháp cần có ở Việt Nam

19/04/2022

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ đang và sẽ tạo áp lực và động lực phát triển kinh tế xanh nói chung, công nghiệp xanh nói riêng, trong đó có ngành dệt may, hướng tới sự phát triển bền vững ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.
Nói cách khác,“xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA)…
 
Tăng trưởng xanh - Xu thế thời đại và sự lựa chọn của Việt Nam
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), phát triển bền vững là yêu cầu thời đại, là sự phát triển toàn diện, lồng ghép quá trình sản xuất với yêu cầu bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường sống, đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà không phương hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tăng trưởng xanh là con đường tất yếu để phát triển bền vững. Nền kinh tế xanh/tăng trưởng xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội; giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái. Tăng trưởng xanh được hợp thành và thể hiện cụ thể qua các yêu cầu phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, sản xuất và tiêu dùng xanh…
 Xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào hai mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại và phát triển các nguồn năng lượng mới.
Trên thế giới, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào hai mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học máy móc kỹ thuật mới, thân thiện với môi trường. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp sẽ được đánh giá cao khi được coi là doanh nghiệp xanh, có nhà xưởng, khu công nghiệp xanh, có quy trình sản xuất xanh, tiêu tốn ít năng lượng và tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu phát thải, thân thiện với môi trường, điều kiện làm việc và hệ thống phúc lợi tốt cho người lao động, áp dụng các công nghệ mới, sạch, tự động hóa và sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên (mặt trời, gió, nước…), hệ thống thông gió tự nhiên, các nguyên liệu có thể tái chế, thu gom và có hệ thống xử lý chất thải tốt giúp kiểm soát, xử lý lượng chất thải thải ra môi trường.
Trong các FTA thế hệ mới đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Các sản phẩm nhãn hàng ngày càng được đánh giá khắt khe hơn về yêu cầu phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới, cũng như trong nước.
Theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg  ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế; dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đặc biệt, theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam sẽ thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; đến năm 2030, phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% và đến năm 2050, giảm ít nhất 30% so với năm 2014; xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên; xây dựng lối sống xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, bảo đảm bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh…
Theo tinh thần đó, phát triển công nghiệp xanh, với trọng tâm là các công trình công nghiệp xanh (công trình xanh) và các doanh nghiệp xanh, đang và sẽ là nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam. 
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng chủ yếu 4 loại tiêu chuẩn công trình xanh bao gồm LEED (Hội đồng công trình xanh Mỹ), LOTUS (Hội đồng công trình xanh Việt Nam), GREEN MARK (Hội đồng Công trình xanh Singapore) và EDGE (IFC Tổng công ty tài chính quốc tế - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới). Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến hết tháng 5/2020, trên cả nước mới chỉ có 146 công trình xanh; trong đó, có 77 công trình xanh đạt chứng nhận LEED. Việc đạt được những chứng chỉ như LEED, LOTUS không chỉ đánh giá ý thức trong việc gìn giữ môi trường của doanh nghiệp mà còn đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới.
Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tập trung định hướng trọng điểm và khai thác các cơ hội phát triển công nghiệp xanh nói riêng, tăng trưởng xanh nói chung như: Nghiên cứu, áp dụng những công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm mới, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm và tái thu hồi năng lượng, nước và tài nguyên khác trong đời sống đô thị, khu dân cư tập trung và trong mỗi gia đình, thân thiện môi trường, giảm thải các-bon; xây dựng các tòa nhà, làng nghề, công xưởng, khu công nghiệp, vùng chuyên canh, hải cảng xanh, thân thiện môi trường và có tính nhân văn cao; phát triển năng lượng, vật liệu thay thế mới, có khả năng tái tạo, phát kiến các cách thức tiên tiến khai thác tài nguyên, hiệu quả và ít nguy hại tới môi trường; xây dựng cách thức quan trắc, nhận diện, kiểm kê, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn, ánh sáng do các hoạt động giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp, dân sinh đô thị…; phát triển các hoạt động và cách thức thông tin và đào tạo về tăng trưởng xanh; quy chuẩn, truyền bá và hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu và dán nhãn hiệu tăng trưởng xanh trong từng lĩnh vực, địa bàn, sản phẩm…; phát triển các phương tiện và dịch vụ cá nhân xanh, cải thiện môi trường và điều kiện lao động, nghỉ ngơi cho người lao động trong nhà xưởng, văn phòng.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động xây dựng, cập nhật, rà soát quy hoạch, áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngành và ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, trong đó có ngành công nghiệp; chú ý thiết lập từng mục tiêu phát triển cụ thể theo các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn của nền kinh tế. Ở mỗi giai đoạn, cần xác định rõ mục tiêu, thách thức của mục tiêu và các chỉ số đề ra cùng với báo cáo đánh giá hiệu quả, phương hướng và kết quả hoạt động. Quá trình đánh giá phải dựa trên cơ sở khách quan về tính hiệu quả và phạm vi thực hiện để rút kinh nghiệm và xây dựng các hướng đi tốt hơn trong tương lai.
Đồng thời, phát triển các thể chế và tạo cơ chế khuyến khích đầu tư nội địa cho tăng trưởng xanh, công nghiệp xanh theo hướng mở; linh hoạt áp dụng các công cụ kinh tế môi trường, như đánh thuế, phí, đặt cọc hoàn trả, ký quỹ và các tài trợ, cũng như các chế tài đa dạng sẽ góp phần định hướng, hỗ trợ thúc đẩy và điều chỉnh các hoạt động sản xuất và hành vi tiêu dùng theo mục tiêu tăng trưởng xanh, trong đó có công nghiệp xanh…
Bên cạnh đó, tăng cường tiếp cận và giải quyết đa phương, đa ngành và liên vùng trong thể chế và phối hợp các nỗ lực phát triển công nghiệp xanh; thúc đẩy  sự hợp tác giữa Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và lĩnh vực tư nhân trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng lao động và quản trị doanh nghiệp, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của ngành và các doanh nghiệp công nghiệp xanh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thu hút FDI công nghệ cao, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh thông tin, truyền thông cần tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi mạnh mẽ trong hành động về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…
Đặc biệt, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân là lực lượng chủ công trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp xanh, cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, các quy định quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, công nghệ và sắp xếp lại cơ cấu sản xuất - kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hiệu quả và ít phát thải gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên…
Động lực và yêu cầu “xanh hóa” ngành dệt may
Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động và đang có đà tăng trưởng tốt, với xuất khẩu năm 2021 đạt mức 39 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019); kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD năm 2022 theo kịch bản tích cực nhất mà ngành đề ra. Hiện tại, trong ngành có 70% là doanh nghiệp may, 6% là sợi, 17% là dệt, 4% là nhuộm và hoàn tất, còn lại 3% là các đơn vị phụ trợ. Trong số đó, 85% doanh nghiệp may là gia công CMT (cắt - may - làm sạch) và 15% là thực hiện FOB, tức là doanh nghiệp chủ động từ nguồn hàng, máy móc, chi phí, nhân công cho tới khi chuyển hàng ra ngoài cảng biển.

Sự chuyển đổi xanh ngành dệt may sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường
Theo tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) - Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), khái niệm “xanh hóa” ngành dệt may mang ý nghĩa là ngành sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo. Chiến lược hướng đến chuyển đổi xanh bao gồm: Tiếp cận chuỗi cung ứng xanh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, giảm chi phí sản xuất; song hành với giảm chi phí khai thác tài nguyên (cho nguyên liệu, nước, năng lượng và hóa chất) và phát thải nguy hại vào môi trường; áp dụng kinh tế tuần hoàn và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải, cộng sinh công nghiệp hướng đến một nền kinh tế dệt may tuần hoàn nhằm loại bỏ các chất gây quan ngại và phát thải vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu gom và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguyên liệu tái tạo. Thiết kế sản phẩm xanh và nhãn sinh thái cho các sản phẩm dệt may có thể thực hiện được trong toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ các vật liệu tự nhiên sẽ đi vào sản phẩm và trong thiết kế có sử dụng sợi hữu cơ và thuốc nhuộm tự nhiên, vật liệu tái chế, sử dụng tối thiểu hóa chất và triệt để loại bỏ các hóa chất độc hại; phát triển kho vận xanh để vận chuyển và lưu trữ nguyên liệu và sản phẩm với chi phí thấp nhất, trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất và giảm thiểu tác động đến môi trường, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất sợi và giám sát chất lượng.
“Xanh hóa” ngành dệt may không chỉ là vấn đề công nghệ. Xét về lâu dài, sự tăng trưởng có nghĩa là tính tới sự cân bằng các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội. Sự chuyển đổi xanh ngành dệt may sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.   
 
Theo VITAS và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ngành đã chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho tiêu thụ năng lượng. Thống kê cho thấy, dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Đặc biệt, các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) thường gây bất lợi nhất cho môi trường vì sự thâm dụng nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất. Nước thải xả ra với lưu lượng lớn và chứa nhiều hóa chất sau các quy trình xử lý. Nhiều loại hóa chất có thể được dùng trong sản xuất như thuốc nhuộm có chứa azo, PFOS và PFAS (các chất per- và poly-fluoro-alkyl) làm chất chống thấm nước, deca-BDEs làm chất chống cháy và clo để tẩy trắng. Những chất như vậy đều có tác động nghiêm trọng đến môi trường, an toàn và sức khỏe con người. Trong các cơ sở nhuộm và hoàn tất, tùy vào trình độ công nghệ và trang thiết bị, trung bình tiềm năng tiết kiệm tính mỗi tấn sản phẩm là khoảng 0,2 đến 0,5 kg thuốc nhuộm; 100 - 200 kg hóa chất và các chất phụ trợ; 50 - 100m3 nước; giảm tiêu thụ khoảng 150 kg dầu và 50 - 150 KWh điện…
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành dệt may đang hướng tới mục tiêu “xanh hóa” để chứng minh trách nhiệm xã hội với môi trường, đồng thời, mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Theo VITAS, mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS giảm được 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; trong đó, có hai khu công nghiệp dệt may cải thiện hiệu quả năng lượng và tuần hoàn nước.
Trên thực tế, doanh nghiệp dệt may đứng trước nhiều áp lực và động lực “xanh hóa”, tăng cường ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên:
Thứ nhất, xu hướng phải “xanh hóa” quy trình sản xuất theo yêu cầu từ nhà mua hàng để giữ được đơn hàng. Hiện nay, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp. Theo kết quả điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu của tập đoàn McKinsey tháng 4/2020, 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang là xu hướng trong ngắn và trung hạn. Về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.
Thứ hai, “xanh hóa” giúp quản lý chặt chẽ hơn tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, những doanh nghiệp tham gia xanh hóa và kinh tế tuần hoàn sẽ được Nhà nước hỗ trợ thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho vay ưu đãi... tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cho toàn xã hội. Ngành dệt may nằm trong số 20 ngành kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng tại Sổ tay đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội, ban hành tháng 8/2018. Vì vậy, ngành dệt may cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả.
Hiện nay, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng quốc tế ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” về thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Nhiều doanh nghiệp coi trọng đã coi trọng xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống tái sử dụng nước, điện...; thay lò hơi dùng than đá trong các nhà máy nhuộm bằng các nguyên liệu sinh khối khác như trấu để giảm phát thải và nâng cao hiệu quả; ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường ra sao. Từ đó, đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu và công nghệ ít ảnh hưởng đến môi trường.
Để đẩy nhanh quá trình “xanh hóa” ngành dệt may, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin về thu nhận và quản lý dữ liệu giúp quá trình nhuộm dần ít phụ thuộc vào kỹ năng của người lập đơn công nghệ, ổn định chất lượng mẻ nhuộm, cũng như tăng cường tỷ lệ RFT (đúng ngay từ đầu) ở mức 95 - 98% thay vì 70 - 80% nếu không ứng dụng; mở rộng sử dụng rô-bốt trong việc trải và cắt vải giúp giảm nhân công tới 80% và tiết kiệm vật liệu 3%; xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn, tập trung theo yêu cầu Khu Công nghiệp Xanh, có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành cũng là một trọng tâm ưu tiên của ngành trong thời gian tới.
Đồng thời, Nhà nước cần có thêm các hỗ trợ thiết thực khác như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành dệt may chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh; tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh; triển nguồn nhân lực và tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp; rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn/yêu cầu quốc tế để thiết lập và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn và định mức của ngành dệt may về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, sử dụng vật liệu và hóa chất (danh mục các chất cấm sử dụng trong sản xuất, tuân thủ sức khỏe và an toàn) áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành; tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật môi trường.
Đặc biệt, cần tăng cường vai trò VITAS phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai các dự án cho mục tiêu xanh hóa dệt may, như Dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững" của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phối hợp với VITAS hay Nhóm Tài nguyên nước năm 2030 thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) hoạt động ở Việt Nam từ năm 2016. Tổ công tác ngành dệt may thuộc nhóm được thành lập cuối năm 2019, do Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam,VITAS và Bộ Kế hoạch và Đầu tư  đồng chủ tịch, với mục tiêu xúc tiến xử lý tái chế và tái sử dụng nước thải ở các nhà máy trong khu công nghiệp nhằm góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho quốc gia.
Tóm lại, “xanh hóa” là yêu cầu bắt buộc với mỗi doanh nghiệp nói chung, trong ngành dệt may nói riêng phải thích ứng để thay đổi và đi xa hơn nữa vì một thế giới hội nhập và phát triển bền vững.
Nguồn Tạp chí ngân hàng