Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:13 GMT+7

Điển hình

Mô hình ESCO Biogas giúp người chăn nuôi tiết kiệm hơn 50% chi phí điện năng

03/08/2022

Mô hình ESCO có thể giúp các trang trại tiết kiệm hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ giảm chi phí sử dụng điện năng.
Tiềm năng khí sinh học trong chăn nuôi tại Việt Nam còn tương đối dồi dào với số lượng trang trại tập trung đang tăng cả về quy mô lẫn số lượng trên cả nước. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả loại tài nguyên này để giúp các trang trại tự chủ nguồn năng lượng của mình đồng thời giảm tải năng lượng từ hệ thống điện lưới nói chung thì cần sự liên kết giữa người chăn nuôi và người cung cấp dịch vụ năng lượng. 
Mới đây, EGreen, một công ty chuyên cung cấp các giải pháp khí sinh học đã tham gia với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) để triển khai dự án “Năng lượng sinh học cho các trang trại chăn nuôi tại Việt Nam” (BeCA). Dự án nhằm giúp các trang trại vừa và nhỏ phát triển phát triển điện khí sinh học phục vụ tiêu dùng tại chỗ và bán lên lưới điện khi dư thừa. Mục tiêu của dự án là trong vòng ba năm sẽ phát triển khoảng 300 hệ thống máy phát điện khí sinh học từ các trang trại vừa và nhỏ trên cả nước. 
Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ trang trại tại Hải Dương với gần 3.000 con lợn, đã lắp đặt hệ thống máy phát điện khí sinh học của EGreen hơn hai năm nay. Theo ông Hậu thì với thời gian chạy máy khoảng 6-8 giờ/ngày, có thể tạo đủ năng lượng để vận hành hai tháp áp suất đẩy thức ăn vào bốn khu nuôi lợn, chạy hệ thống máy bơm nước, giàn mát và các thiết bị khác. “Công nhân ở trang trại vẫn còn chưa hết ngạc nhiên khi nấu ăn bằng điện sản xuất từ chính chất thải của trang trại”, ông Hậu vui vẻ cho biết.
Hệ thống biogas tại trang trại Hải Dương.
Theo ông Hậu thì ngoài việc tạo điện, các hệ thống này còn có tác dụng ủ phân và nước thải thành phân bón sinh học giàu nitơ, phốt pho và kali, rất thích hợp cho canh tác hữu cơ. Số phân sau khi ủ được các hộ trong vùng mua về để bón cây, giúp tăng độ phì nhiêu của đất và năng suất cây trồng. Như vậy, trang trại của ông Hậu vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm chất thải, khí thải do không còn bị ảnh hưởng bởi mùi phân lợn, đồng thời giảm đáng kể chi phí điện vận hành và còn tạo thêm nguồn thu từ việc bán phân bón hữu cơ. 
Anh Nguyễn Đức Khánh, Giám đốc kỹ thuật của EGreen cho biết để công nghệ dễ tiếp cận người dân hơn, nhóm của anh đã phát triển một công nghệ có khả năng lọc sạch gần hết các tạp chất trong khí sinh học và giảm sự ăn mòn đối với máy phát điện. “Cùng công nghệ nhưng chúng tôi có đến 3-4 quy mô khác khau”, anh Khánh cho biết. Khi làm việc với từng trang trại hoặc hộ gia đình, các kỹ sư của EGreen sẽ đánh giá hệ thống nào là tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể để áp dụng. “Nó phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng mà trang trại cần và số lượng chất thải trang trại tạo ra.”
Theo tính toán, việc lắp đặt các bồn biogas giúp các trang trại tiết kiệm tối thiểu 50% chi phí điện năng và thu hồi vốn trong vòng hai năm. Đồng thời, giúp xử lý hàng trăm tấn chất thải chăn nuôi và cắt giảm tương đương hàng chục nghìn tấn phát thải CO2 mỗi năm.
Đại diện EGreen cho biết ngoài việc bán công nghệ, doanh nghiệp đang thiết lập mô hình ESCO và cam kết cung cấp điện cho trang trại trong thời hạn 3-5 năm với chi phí cố định không bao gồm thuế là 1.600đồng/kWh, hoặc với chi phí biến đổi theo khung giờ cao điểm hay thấp điểm nhưng luôn đảm bảo thấp hơn điện lưới từ 10-30%. Theo đó, EGreen sẽ đầu tư và lắp đặt máy phát điện khí sinh học và cung cấp điện từ nguồn biogas này cho các trang trại với giá rẻ hơn so với giá của EVN. 
Theo đại diện EGreen, doanh nghiệp sẽ thu tiền hàng tháng dựa trên hóa đơn điện. Như vậy nếu các chủ trang trại lựa chọn phương án hợp tác này, họ sẽ không mất chi phí đầu tư ban đầu, giảm thiểu rủi ro trong đầu tư, mà vẫn được sử dụng điện với chi phí hợp lý. Đại diện EGreen đánh giá cách làm này sẽ giúp các chủ trang trại nhỏ lẻ tích cực ứng dụng biogas hơn, nhất là khi chưa có chính sách vay vốn ưu đãi để đầu tư điện khí sinh học và thị trường còn chưa phát triển. 
Tính toán từ dự án BeCA, cách làm này có thể giảm lượng phát thải tương đương 370.000 tấn CO2; đồng thời giúp tạo thêm khoảng 300 cơ hội việc làm mới tại địa phương. Đặc biệt, mô hình ESCO Biogas này có thể giúp các hộ chăn nuôi tại các vùng có mức độ phát triển thấp và nghèo mở rộng cơ hội tự cung nhiên liệu sạch, giảm chi phí năng lượng.  
Thanh Thanh

Tags: