Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:08 GMT+7

Tin hoạt động

Phát triển thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam

16/06/2022

Hội thảo “Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Hướng đến mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và Cam kết net-zero” được phối hợp tổ chức bởi Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC). Hội thảo nhằm làm rõ hơn về lộ trình phát triển, quy hoạch điện gió ngoài khơi (ĐGNK) trong Quy hoạch điện 8. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bên liên quan, gồm nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và nhà đầu tư, cùng trao đổi về những vướng mắc trong việc phát triển thị trường ĐGNK và đề xuất khắc phục. 

Điện gió ngoài khơi: Cần thiết nhưng còn nhiều vướng mắc

Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết với vai trò là ngành cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế, ngành điện lực xác định phải đi trước một bước trong đầu tư phát triển, đảm bảo đáp ứng đủ điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. “Theo xu thế chung và cũng là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn đặt ra, ngành điện lực cần ưu tiên phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch là chủ trương, chính sách của Chính phủ. Ảnh: Dự án điện gió gần bờ ở Bạc Liêu. 

Các chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ đã xác định khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch, như trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định quyết tâm này với thế giới qua cam kết mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại COP26.

Để cụ thể hóa các chủ trương này, Quy hoạch điện 8 đã được Bộ Công Thương xây dựng với các quan điểm, mục tiêu nhất quán, thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng. Trong đó, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo được chú trọng, với tỷ trọng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia năm 2030 đạt xấp xỉ 22%. Đặc biệt, ĐGNK được dự kiến quy hoạch phát triển từ năm 2030 đến 2035 và 2045 lần lượt là 7GW, 16GW và 36GW.

Cũng theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, ước tính tương đương 400GW. Trong đó, ĐGNK có tiềm năng đến 160GW. 

Tuy nhiên, ĐGNK là một lĩnh vực mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Ông Bùi Quốc Hùng nhận định để có thể đạt mốc 7GW ĐGNK đóng góp cho hệ thống điện quốc gia là một thách thức. Sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, Bộ Công Thương mới dự kiến tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện làm cơ sở để xác định quy mô công suất các dự án theo từng địa phương, tiếp đó mới đến lựa chọn nhà đầu tư… Nếu việc phê duyệt quy hoạch, lựa chọn dự án, lựa chọn nhà thầu không được đẩy nhanh theo các trình tự thủ tục thì mục tiêu đạt năm 2030 là rất khó khả thi.  

Chia sẻ từ góc nhìn doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T bà Nguyễn Thị Thanh Bình nhận định lộ trình xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá cho các dự án ĐGNK đến nay chưa được chuẩn bị, thiếu các chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng. Chẳng hạn, quy định như thế nào gọi là dự án ĐGNK cũng là những khó khăn cho phát triển dự án. Ở Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam chỉ đưa ra quy định điện gió trên bờ và ngoài khơi, trong khi dự thảo Quy hoạch Điện VIII đề cập đến điện gió trên bờ, gần bờ và ĐGNK.

Đại diện Tập đoàn T&T khẳng định các định nghĩa không rõ ràng, quá trình phê duyệt kéo dài, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư kéo dài sẽ là yếu tố khiến nhà đầu tư e ngại. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu đóng góp của ĐGNK cho hệ thống năng lượng quốc gia trong tương lai.

Các chuyên gia nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng ĐGNK nhưng còn nhiều vướng mắc về khung pháp lý để thị trường này thực sự phát triển.

Nhà đầu tư muốn cơ chế chuyển tiếp trước đấu thầu

Theo các nhà đầu tư, Việt Nam cần có cơ chế chuyển tiếp trước khi thực hiện đấu thầu. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ đợi cơ chế hoàn thiện. Đây cũng là kinh nghiệm thành công của các quốc gia đi trước.

Cùng quan điểm với doanh nghiệp, ông Mark Hutchinson, đại diện GWEC, cho biết không thị trường nào huy động thành công 3GW ĐGNK trong giai đoạn đầu tiên thông qua đấu thầu. Đại diện GWEC đề xuất thực hiện cơ chế chuyển tiếp (giá cố định) cho 4GW đầu tiên, sau đó tiến tới đấu thầu cho 3GW còn lại cho giai đoạn đến năm 2030. Hoặc thực hiện lựa chọn nhà thầu theo các tiêu chí đặt ra. 

ĐGNK là lĩnh vực cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại (cảng, kho chứa), sử dụng công nghệ cao (móng sâu, tuabin công suất lớn, tháp gió cao, vận hành trong môi trường nước mặn), và thường có quy mô công suất lớn đòi hỏi các nhà đầu tư phải có nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính và kỹ thuật. Do vậy, yêu cầu các quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo dự án đúng tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Dẫn chứng kinh nghiệm từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… cho thấy các nước này cũng áp dụng cơ chế giá ưu đãi (FIT) để thúc đẩy phát triển ĐGNK giai đoạn đầu. Chẳng hạn, tại Đài Loan (Trung Quốc) mức giá các hợp đồng mua bán điện cho các dự án ĐGNK cho thấy mức giảm đều trong 6 năm qua từ mức giá ưu đãi FIT ban đầu, qua giai đoạn chuyển đổi và hiện tại là đấu giá cạnh tranh, với mức giảm khoảng 60%.

Nhóm chuyên gia đưa ra 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai các dự án ĐGNK.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia Việt Nam COP - Tổng giám đốc Công ty La Gan cũng nêu lý do phải có giai đoạn chuyển đổi trước khi chuyển ngay sang cơ chế đấu giá. Theo đó, các tiềm năng phát triển ĐGNK cần được điều chỉnh bởi khung pháp lý và quy định hiệu quả, từ đó thu hút nhiều nhà phát triển, nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp và tài trợ trên toàn thế giới. "Điểm đầu tiên trong kinh nghiệm phát triển các dự án là Chính phủ chủ động trong việc đánh giá các vị trí tiềm năng, từ đó có kế hoạch dài hạn, mạnh mẽ và nhất quán để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư," ông Stuart Livesey nói.

Phó Viện trưởng Viện Năng lượng ông Đoàn Ngọc Dương bày tỏ quan điểm mỗi quốc gia có cơ sở, xuất phát điểm và pháp luật đầu tư khác nhau. Kinh nghiệm thành công của các quốc gia đi trước có thể là bài học tham khảo hữu ích cho Việt Nam, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy thị trường ĐGNK nước ta. 

Theo kết quả nhóm tư vấn được tài trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam có 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Theo đó, các nhà đầu tư đang chịu cả 19 rủi ro, bên cho vay chịu 14 rủi ro, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu 5 rủi ro và Chính phủ có 2 rủi ro. Các rủi ro được chia theo quá trình triển khai dự án.

Giai đoạn chuẩn bị dự án, các nhà đầu tư chịu toàn bộ rủi ro dự án bao gồm: rủi ro liên quan đến hoạt động cấp phép (bao gồm cả giấy phép khảo sát) và phê duyệt; rủi ro lựa chọn vị trí thực hiện dự án; rủi ro tài nguyên gió; rủi ro thiết kế kỹ thuật; rủi ro huy động vốn. 

Giai đoạn đầu tư, các nhà đầu tư và các bên cho vay cùng chia sẻ phần lớn rủi ro. Các nhà đầu tư, các bên cho vay và EVN cũng chia sẻ rủi ro thoái vốn (và thay đổi quyền kiểm soát). Chính phủ chia sẻ một phần rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Giai đoạn vận hành, cơ chế phân bổ rủi ro cũng tương tự giai đoạn xây dựng. Ngoài ra, EVN chia sẻ với các nhà đầu tư và các bên cho vay rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; rủi ro về giải quyết tranh chấp và rủi ro về bất khả kháng.

Giai đoạn kết thúc, hoàn trả mặt bằng, các nhà đầu tư có nghĩa vụ xử lý môi trường khi hoàn trả khu vực biển được giao. Chính phủ chịu phần lớn rủi ro còn lại liên quan đến hoàn trả mặt bằng nếu các nhà đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ trên.

An Nhiên