Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:36 GMT+7

Tin hoạt động

Báo cáo Triển vọng năng lượng 2021 thúc đẩy chuyển đổi xanh và hiệu quả năng lượng

03/06/2022

Ngày 02 tháng 06 năm 2022 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Lễ ra mắt Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021. Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Đặng Hoàng An và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Kim Højlund Christensen đồng chủ trì sự kiện. 

Buổi lễ có sự tham gia của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Đại sứ quán Đan Mạch, Cơ quan năng lượng Đan Mạch và hơn 200 đại diện UBND các tỉnh thành, Sở công thương, đơn vị quản lý năng lượng địa phương, các đơn vị nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. 

EOR 21 - Hướng tới mục tiêu net-zero 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao sự hợp tác giữa hai bên trong các thỏa thuận hợp tác dài hạn về năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch đã ký thỏa thuận hợp tác dài hạn về năng lượng. Trên cơ sở đó, các Báo cáo Triển vọng năng lượng (EOR) 2017 và 2019 đã đưa ra các khuyến nghị chính sách trọng tâm, cung cấp thông tin đầu vào quan trọng cho Quy hoạch điện 8, Quy hoạch Tổng thể Năng lượng quốc gia và các Kế hoạch quan trọng khác của Việt Nam. Đặc biệt, EOR 2021 đã nghiên cứu và xây dựng nhiều kịch bản phát triển ngành năng lượng. Trong đó, tập trung phân tích và đưa ra các khuyến nghị để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. 

“Báo cáo đưa ra các kịch bản triển vọng năng lượng với các số liệu đầu vào và các giả định khác nhau nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định. 

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Kim Højlund Christensen cho biết “Đan Mạch rất vui được chia sẻ với Việt Nam các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất có được trong suốt 30 năm qua, để hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một cách hiệu quả và công bằng”.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Kim Højlund Christensen khẳng định Đan Mạch rất sẵn sàng chia sẻ các giải pháp, bí quyết và thực tiễn tốt nhất để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Kim Højlund Christensen cũng chia sẻ báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung. “Báo cáo là nguồn cung cấp thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu”, Đại sứ Đan Mạch khẳng định. 

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR 21) được biên soạn với sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA). Đây là lần thứ ba công bố báo cáo trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam thuộc khuôn khổ Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (DEPP) xây dựng. 

EOR 21 đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050. Báo cáo đưa ra các góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng đến 2050, cung cấp thông tin cho các hoạt động hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh. 

Đặc biệt, Báo cáo xem xét các kịch bản để Việt Nam đạt mục tiêu net-zero vào giữa thế kỷ, nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông. Bên cạnh đó, EOR 21 cũng chỉ ra việc mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, và kiên trì thực hiện các mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Mục tiêu net-zero: Không thể bỏ qua hiệu quả năng lượng

Theo ông Urik Eversbusch, Giám đốc Trung tâm Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) thì Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi. Theo tính toán, điện mặt trời và thủy điện có thể chiếm tới 75% nguồn cung năng lượng vào năm 2050. Điện gió ngoài khơi có thể lên tới 160 GW trong dài hạn. Trong thiết kế Quy hoạch điện 8, Việt Nam dự kiến có khoảng 7-8 GW điện gió ngoài khơi. 

Từ kinh nghiệm của Đan Mạch có thể mất từ 7-10 năm để hoàn thành một dự án điện gió ngoài khơi công suất lớn. Chia sẻ về những khó khăn và trở ngại để phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam ông Ulrik Eversbusch cho rằng: “Điện gió ngoài khơi đòi hỏi sự quy hoạch kỹ lưỡng. Đồng thời cũng cần sự xem xét trong trường hợp và vị trí nào thì các trang trại điện gió ngoài khơi không xung đột với mục đích sử dụng đáy biển khác.”

Bên cạnh đó, ông Ulrik cho rằng việc nâng cấp khả năng truyền tải của lưới điện để đảm bảo hiệu quả của các dự án điện gió ngoài khơi trong tương lai là điều rất cần thiết. 

Ông Urik Eversbusch, Giám đốc Trung tâm Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch khẳng định Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Các chuyên gia đánh giá cao thông điệp của EOR 21. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các số liệu chủ yếu vẫn ở dạng tiềm năng kỹ thuật, cần thêm những khuyến nghị, giải pháp để hiện thực hóa các tiềm năng này. 

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng cần thêm các hướng tiếp cận giải pháp tài chính chi phí thấp là tối cần thiết. Theo kịch bản net-zero, ước tính nguồn vốn cho chuyển đổi năng lượng xanh cần bổ sung khoảng 167 tỷ USD tới năm 2050, tương đương 11% GDP dự kiến năm 2050. 

Giải pháp được cho là hiệu quả cả trong ngắn hạn và dài hạn, các chuyên gia khẳng định, vẫn là nâng cao ý thức về sự hữu hạn của nguồn cung năng lượng và tích cực đầu tư cho các mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. 

8 phát hiện và khuyến nghị chính của EOR 21

1. Hoàn toàn khả thi để phát triển một hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng không với chi phí tăng thêm chỉ 10% so với kịch bản cơ sở nếu thực hiện đúng cách. 

2. Để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, các nguồn năng lượng tái tạo cần là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hoá thạch. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).

3. Quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện cần nhiều vốn, tương đương mức đầu tư 167 tỷ USD/năm vào năm 2050 với kịch bản net-zero, tức là khoảng 11% GDP dự kiến năm 2050. Do đó việc tiếp cận các giải pháp tài chính chi phí thấp là tối cần thiết.

4. Việt Nam cần dừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, tập trung cải tạo các nhà máy đang vận hành để nâng mức độ linh hoạt và tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Các nhà máy điện khí và LNG hiện cũng đã đủ cho mục tiêu net-zero, do đó không cần thiết xây mới.

5. Hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng chỉ sau 2030 pin năng lượng mới thực sự cần thiết và hiệu quả về chi phí. Trong 10 năm tới, việc cần làm củng cố công suất truyền tải, đặc biệt là để kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất ở miền Nam với nhu cầu ở miền Bắc. 

6. Điện hạt nhân chỉ hiệu quả về chi phí nếu triển khai điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, bị hạn chế đáng kể. 

7. Cần sớm chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hoá trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm đem lại lợi ích kép: giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc nhập khẩu.

8. Net-zero sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu. Nếu căn cứ theo kịch bản cơ sở thì năm 2050 Việt Nam có thể phải nhập khẩu tới 70% tổng cung năng lượng, chi phí tương đương 53 tỷ USD.

Hải Yến