Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:43 GMT+7

Tin hoạt động

Giải pháp trung hòa carbon ngành điện

19/04/2022

Tiến tới mục tiêu năm 2030, Việt Nam có thể đạt được 10GW điện gió ngoài khơi. Việc triển khai được nguồn năng lượng này sẽ giúp Việt Nam "an toàn" hơn trước những rủi ro của thị trường nguyên liệu, đồng thời hướng đến mục tiêu phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050.
Tại COP26, Việt Nam cùng 146 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ. 147 quốc gia này chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu. Chính vì vậy cam kết được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), phát thải ròng bằng “0” là “lượng phát thải carbon do con người gây ra, được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ carbon trong một khoảng thời gian nhất định”. Tiến tới phát thải ròng bằng “0” là chúng ta vẫn có thể phát thải khí nhà kính song phải bù đắp bằng các hoạt động loại bỏ khí nhà kính như trồng rừng hoặc công nghệ thu hồi carbon.
Ngay sau hội nghị này, một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã được Chính phủ vạch ra và kích hoạt những bước đi đầu tiên; trong đó có việc từng bước từ bỏ điện than, không xây dựng hoặc đầu tư nhà máy điện than mới.
Xu thế giảm phát thải
Hiện nay, điện than đang chiếm 30% tổng sản lượng ngành điện để cung ứng ứng ra thị trường. Điện than cùng thủy điện đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đặt ra đối với điện than nếu Việt Nam thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã và đang trên lộ trình xanh hóa và giảm phát thải ngành năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, hướng đến một xã hội phát thải bằng 0 trong những thập kỷ tới.
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương trình Chính phủ, Việt Nam không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới, đồng thời hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ những nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu. Cụ thể, dự thảo Quy hoạch Điện VIII dự báo công suất cực đại đến 2030 khoảng 86.500-93.300 MW, năm 2045 khoảng 155.000-189.900 MW. Trên cơ sở đó, Bộ này kiến nghị lựa chọn phương án quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến 2030 khoảng 146.000 MW và đến năm 2045 khoảng 343.000 MW.

Việt Nam không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới, đồng thời hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ những nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu
Trong đó đáng chú ý, so với tờ trình trước đó, nguồn điện than đến năm 2030 đã tiếp tục giảm khoảng 6.000 MW, điện khí giảm 17.800 MW; cùng đó tăng điện gió ngoài khơi 4.000 MW, thủy điện tích năng, lưu trữ tăng 1.500 MW...Quy hoạch đến năm 2045, điện than giảm khoảng 12.000 MW, điện khí LNG giảm 38.650 MW, đồng thời tăng điện gió ngoài khơi 18.000 MW.Như vậy so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, công suất nhiệt điện than đã khoảng 14.800 MW.
Việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng xanh, sạch là đúng xu thế, song nhiều chuyên gia cho rằng cần tính toán một cách hợp lý, tăng thế nào và lộ trình ra sao để đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, cần có tính toán kỹ trong lập quy hoạch và đảm bảo có nguồn điện mang tính "chắc chắn" trong đầu tư và vận hành trước khi xem xét đưa thêm các nguồn điện có tính thiếu ổn định cao. Trong dài hạn, với những biến động khó lường của giá than, giá dầu, cùng những tác động về biến đổi khí hậu thì các nguồn điện sạch sẽ có vai trò quan trọng.
Hướng đi nào thay thế điện than?
Điện than là một trong những nguồn cung quan trọng cho hệ thống điện, với những ưu điểm như độ tin cậy cao, làm việc liên tục, đóng góp trong phần nền của biểu đồ phụ tải. Mặt khác chi phí sản xuất điện thấp, an toàn... Tuy nhiên, mặt trái của loại hình năng lượng này là việc phát thải nhà kính và sự phụ thuộc vào sử dụng nhiên liệu hóa thạch...
Để thay thế điện than, Việt Nam có thể sử dụng loại hình năng lượng nào trong tương lai? Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia quốc tế thông tin. Ông Mathias Hollander, Quản lý cấp cao của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho rằng, Việt Nam có lợi thế bờ biển cùng tiềm năng về năng lượng điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Nhờ có nguồn điện gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt hệ số công suất hơn 50%, tương đương với thủy điện.
Điện gió - hướng đi tối ưu trong vấn đề giảm thải carbon
Theo chia sẻ của đại diện Công ty Điện gió Lagan, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc cho phép khối tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện. Nếu có quy định rõ ràng hơn, các nhà phát triển dự án có thể cân nhắc việc đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào xây dựng đường dây/nâng cấp lưới điện với sự hợp tác chặt chẽ với đơn vị vận hành để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn.
Sự chậm trễ trong xây dựng và kết nối lưới điện, tính bất định trong việc bắt buộc cắt giảm công suất phát do cơ sở hạ tầng và quản lý nhu cầu chưa đủ đáp ứng có thể trở thành rủi ro lớn đối với nhà phát triển, khiến họ trì hoãn cam kết cho đến khi có thêm sự chắc chắn trong quá trình thực hiện.
Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, Tổng giám đốc dự án điện gió ngoài khơi Lagan cho hay, các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn có thể tạo ra một lượng điện năng đáng kể với tỷ lệ khả dụng cao hơn so với các dạng năng lượng tái tạo trên bờ khác. Việc tăng cường sản xuất năng lượng từ gió ngoài khơi, và hướng tới kích thích phát triển kinh tế cho địa phương và đất nước, cần được hỗ trợ bằng việc nâng cấp lưới điện và cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ sớm. Cần có kế hoạch chiến lược cụ thể và mức tài trợ thích hợp để cho phép hỗ trợ năng lượng nhiều hơn.
Hiện nay, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu đã ưu tiên cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Do đó, đối với các nhà phát triển giàu kinh nghiệm và có năng lực, việc huy động vốn sẽ thuận lợi hơn trong xu thế chung của toàn cầu nhằm mục tiêu giảm khí thải. Các quốc gia mà ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã phát triển cho thấy mức độ đầu tư cao vào công nghệ của ngành này.
Trên toàn cầu, ngày càng có nhiều cam kết nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon bằng cách thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Các chuyên gia cho rằng, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 về việc đạt phát thải carbon ròng bằng “0” vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được nếu có các khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ phù hợp.
Quang Minh