Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 22:08 GMT+7

Sản xuất bền vững

Phê duyệt dự án khủng sản xuất thép xanh tại Nam Định

30/03/2022

UBND tỉnh Nam Định đã ban hành các quyết định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Tổ hợp dự án nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh về công nghệ sản xuất, công suất và tổng mức đầu tư của dự án.
Ngày 22/3, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 2186/QĐ-UBND và Quyết định số 2188/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án Tổ hợp nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện. Theo nội dung phê duyệt, dự án có 03 điều chỉnh lớn nhất so với kế hoạch ban đầu là nâng mức tổng vốn đầu tư, điều chỉnh công nghệ sản xuất, công suất và địa bàn dự án. 
Phối cảnh dự án. 
Cụ thể, dự án được chấp thuận nâng tổng mức đầu tư từ 69.000 tỷ đồng, lên 98.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất sử dụng không thay đổi, nhưng thay vì tập trung ở xã Nghĩa Hải thì bổ sung thêm địa điểm xã Nam Điền. 
Dự án sẽ có tên chính thức là “Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định”. Mục tiêu dự án cũng được điều chỉnh mở rộng, bao gồm cả sản xuất sắt, thép, gang; các hoạt động phục vụ sản xuất, dịch vụ hỗ trợ và vận tải. 
Điều chỉnh lớn nhất nằm ở việc chuyển đổi công nghệ xanh. Thay vì sử dụng công nghệ luyện thép truyền thống là lò cao than cốc và lò thổi thông thường, Nhà máy hướng đến sản xuất thép xanh. Công nghệ thay thế là hoàn nguyên lò đứng, luyện thép lò điện hồ quang và công nghệ đúc cán liên tục với lưu trình liên động khép kín. Công nghệ này có thể giảm tới 86% phát thải CO2 so với phương pháp luyện thép thông thường. 
Thiết bị mới 100%, công nghệ sử dụng xuất xứ từ các nước công nghiệp tiên tiến G7, đảm bảo chất lượng khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn thép xanh, phù hợp để xuất khẩu có các thị trường yêu cầu thép phát thải thấp, hoặc các công trình, sản phẩm yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường. 
Công nghệ mới cho phép giảm tới 86% lượng phát thải CO2 trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám Đốc Công ty CP Xuân Thiện Nam Định cho biết để có được quyết định phê duyệt của tỉnh, doanh nghiệp đã chấp nhận đầu tư thêm hàng chục nghìn tỷ đồng để thay đổi công nghệ. Ông cho biết đây là “bước đi cần thiết để thép của chúng tôi có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu  u, nơi mà hiện nay đang rất khuyến khích sản xuất sử dụng nguyên liệu, năng lượng sạch. Với mỗi tấn sản phẩm thép xanh hiện nay, nếu không được hỗ trợ của Chính phủ về chính sách giảm phát thải CO2, sẽ có chi phí sản xuất cao hơn thép thông thường khoảng 250 EUR/tấn sản phẩm. Theo tư vấn của các đơn vị hàng đầu Châu  u, hiện nay các nước châu  u đang có chính sách khuyến khích giảm phát thải là khoảng từ 75-100 EUR/tấn CO2, như vậy đã có thể cân bằng giá thành giữa việc dùng thép xanh và thép thông thường.” 
Ông Hoàng cũng mong muốn Việt Nam sẽ sớm có cơ chế tương tự để khuyến khích các nhà sản xuất thép mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ xanh, thân thiện môi trường. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Trần Anh Dũng cho hay: “Các nội dung điều chỉnh hướng đến việc lựa chọn công nghệ sản xuất thép phù hợp hơn với yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường.”
Được biết dự án sẽ gồm ba giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 thực hiện trong 48 tháng kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa. Nội dung bao gồm hoàn thành dây chuyền 1 có công suất 3 triệu tấn/năm, gồm 2,5 triệu tấn thép tấm HRC/năm và 0,5 triệu tấn phôi thép/năm. Giá trị đầu tư dự kiến 35.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 thực hiện trong 12 tháng. Nội dung bao gồm hoàn thành dây chuyền 2 công suất 3 triệu tấn/năm, gồm 2,5 triệu tấn thép tấm HRC/năm và 0,5 triệu tấn phôi thép/năm. Giá trị đầu tư dự kiến: 31.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 3 thực hiện trong 60 tháng. Nội dung gồm hoàn thành dây chuyền 2 công suất 2,4 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC. Giá trị đầu tư dự kiến 32.000 tỷ đồng.
Minh Hải