Làm việc tại tỉnh Bình Phước chiều ngày 20/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Bình Phước có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng sạch.
Báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ, về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2021, 2 tháng đầu năm 2022, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND Bình Phước - cho biết: Trong năm 2021, với việc triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế đồng bộ, Bình Phước đã cơ bản đạt được mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đáng lưu ý là tỉnh Bình Phước đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong năm 2021, có 63 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 514 triệu USD, tăng 88,5% về số dự án và gấp 3 lần về số vốn so với năm 2020. Thu hút đầu tư trong nước được 120 dự án với tổng số vốn 12 ngàn tỷ đồng.
Bước sang năm 2022 ngay trong quý I/2022 kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi, tăng trưởng. Tổng thu ngân sách thực hiện 3231,37 tỷ đồng. Xuất khẩu ước đạt 896 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ, đạt 23,3% kế hoạch năm. Thu hút 9 dự án FDI với vốn đăng ký đạt 23 triệu USD, có 260 DN thành lập mới đạt 23,6%. Đặc biệt trong năm 2021 và quý I/2022 trong điều kiện chịu ảnh hưởng của đại dịch, ngành công nghiệp của tỉnh Bình Phước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo với mức tăng 17,68%, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 84,6%.
Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Bình Phước đã rất quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đạt được những kết quả tích cực. Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã ghi nhận năm 2021 Bình Phước xếp thứ nhất cả nước về ba nội dung quan trọng, đó là kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia, về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và về chứng thực điện tử. Đến thời điểm hiện nay Bình Phước vẫn duy trì được thứ hạng thành tích này đứng đầu so với các tỉnh, thành phố.
Năm 2022, tỉnh Bình Phước đã xác định mục tiêu nâng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,5% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 81,2 triệu đồng; thu ngân sách 13.150 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 3,85 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài 400 triệu USD, thu hút đầu tư trong nước 10 ngàn tỷ đồng và hoàn thành chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số...
Để thực hiện được những mục tiêu này, Bình Phước đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, phát tiển nguồn nhân lực. Hoàn thiện quy hoạch thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn 2050. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với cải tạo môi trường đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, DN, thúc đẩy xây dựng chính quyền số.
Bên cạnh đó, Bình Phước cũng kiến nghị với Thủ tướng về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030; Dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT. 753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép - Thị Vải; Các dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắc Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển năng lượng tái tạo...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu và đề xuất một số hướng phát triển công nghiệp cho tỉnh Bình Phước
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có ý kiến phát biểu và đề xuất nhiều vấn đề thiết thực để Bình Phước phát triển công nghiệp nhanh, bền vững.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong năm 2021 vừa qua sản xuất công nghiệp của Bình Phước năm 2021 đã tăng 17,8%, đứng thứ nhất trong khu vực Đông Nam bộ, xếp thứ 5 toàn quốc và là mức tăng cao hơn toàn quốc (toàn quốc tăng trên 4%). Đối với xuất khẩu, tỉnh cũng đạt kim ngạch tăng 29,1%, vượt 12,9% so với kế hoạch đề ra, xếp thứ 2/19 các tỉnh, thành phố phía Nam trong 2021.
Trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ số toàn ngành công nghiệp của tỉnh đã tăng 20,94% so với cùng kỳ, tăng cao hơn so với mức chung của cả nước là 5,4%. Đây là sự đóng góp lớn của Bình Phước cho sự phát triển chung của cả nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bình Phước cần phát huy kết quả phát triển công nghiệp để đưa công nghiệp tỉnh lên tầm cao hơn nữa. Để làm được điều này, Bình Phước có thể rút ra kinh nghiệm từ tỉnh lân cận là Bình Dương khi họ đang làm rất tốt trong vấn đề thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp. “Bình Dương đã phát triển lâu và sắp đến giới hạn nhưng với nhà đầu tư thì họ phải tiếp tục tiến lên” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất.
Đối với kiến nghị của tỉnh liên quan đến ngành Công Thương về phát triển năng lượng. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục thực hiện rà soát quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Chính phủ với một số điểm mới cần triển khai theo cam kết tại hội nghị COP26. Theo đó, sẽ phải giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện, than, khí; tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, riêng với dự án điện mặt trời sẽ hạn chế phát triển điện mặt trời nối lưới và khuyến khích phát triển điện mặt trời cấp trực tiếp (điện mặt trời mái nhà - PV).
“Bộ Công Thương ghi nhận đề xuất của tỉnh và sẽ xem xét tổng thể, kỹ lưỡng trong quy hoạch điện VIII, để đảm bảo phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Phước. Việc xem xét sẽ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng nhưng đảm bảo cân đối giữa các vùng miền và hiệu quả đầu tư” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Bình Phước có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, phát triển năng lượng sạch. Tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh và bền vững.
Tuy vậy, điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước và kết nối giao thông, nguồn nhân lực, chưa phát triển dựa trên khoa học công nghệ sáng tạo, giá trị gia tăng chưa cao, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Do đó, Thủ tướng yêu cầu, Bình Phước cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tập trung thuốc, vaccine, ý thức người dân trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, công tác quy hoạch sản xuất công nghiệp cần theo chuỗi, có giá trị quy mô toàn cần, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên.
Theo báo Công Thương