Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:22 GMT+7

Tin hoạt động

Đạm Cà Mau: Những giá trị mới cho nông nghiệp

17/12/2014

Ước vọng của hàng triệu nông dân

Vào thời điểm khởi công Nhà máy đạm (NMĐ) Cà Mau, nhu cầu phân đạm cho sản xuất đã lên đến hơn 1,7 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 50%. Tại ĐBSCL - vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, do chưa có nhà máy sản xuất phân đạm nên phải lệ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu với chi phí khá cao và giá cả thường tăng vọt mỗi khi vào vụ mùa. Xây dựng nhà máy sản xuất phân tại chỗ sẽ giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho đầu ra, là niềm mong mỏi của hàng triệu nông dân tại ĐBSCL. Và chỉ sau 43 tháng xây dựng, nhà máy đã đi vào sản xuất, ước vọng của hàng triệu nông dân đã trở thành hiện thực. Ngày 29/1/2012, NMĐ Cà Mau chính thức đón sản phẩm đầu tiên và sau 30 tháng đi vào hoạt động, 18h ngày 4/11/2014, nhà máy đã chính thức cán mốc 2 triệu tấn. Dấu mốc quan trọng này không chỉ khẳng định năng lực tổ chức, quản lý vận hành của cán bộ, kỹ sư, công nhân Đạm Cà Mau mà còn khẳng định niềm tin, sự tín nhiệm của bà con nông dân đối với thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng”. Từ khi có Đạm Cà Mau, cả nước không còn xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá mỗi khi vào mùa vụ (do PVCFC luôn bảo đảm duy trì tồn kho ở mức hợp lý để điều tiết thị trường). Hơn 1 năm qua, NMĐ Cà Mau luôn đạt 100% công suất thiết kế, sản phẩm đảm bảo chất lượng, hợp tác chặt chẽ với các đại lý, các nhà vận chuyển, dịch vụ logistic…, đáp ứng kịp thời nhu cầu phân urê của bà con nông dân.

Sau gần 3 năm ra thị trường, sản phẩm Đạm Cà Mau của PVCFC đã trở thành dòng sản phẩm ưu thế và được thị trường đón nhận tích cực. Nếu như năm 2012, công ty sản xuất và tiêu thụ 446.000 tấn, doanh thu đạt 4.076 tỷ đồng, thì bước sang năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung urê trong nước vượt cầu, thị trường của công ty vẫn phát triển rộng khắp với khối lượng tiêu thụ gần 750.000 tấn, doanh thu đạt 6.259 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, PVCFC đã đưa ra thị trường 575.000 tấn, doanh thu đạt 4.334 tỷ đồng.


Sản phẩm Đạm Cà Mau không chỉ phát triển mạnh ở các thị trường mục tiêu là ĐBSCL, Campuchia mà còn có mặt ở nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Bangladesh, Hàn Quốc và Philippines. Năm 2013, công ty đã xuất khẩu đạt 74.000 tấn và năm 2014, theo kế hoạch sẽ xuất khẩu 100.000 tấn.


Vì sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam


“Là đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm phân bón, chúng tôi có những trăn trở về khó khăn, thách thức của nền nông nghiệp nước nhà cũng như cuộc sống còn nhiều khó khăn, cơ cực của phần đông bà con nông dân. Đó là làm thế nào để cung cấp những giải pháp dinh dưỡng vào bảo vệ tốt nhất cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam; đưa ra được những sản phẩm mới, tạo thêm những giá trị gia tăng cho bà con nông dân” - Tổng Giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến chia sẻ.


Thời gian qua, PVCFC đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn kỹ thuật với nội dung chủ yếu là tư vấn cách thức, biện pháp sử dụng phân bón đúng phương pháp (3 đúng) thông qua các hoạt động hội thảo nông dân (tư vấn trực tiếp) tại các xã ở hầu khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc. Ngoài ra, PVCFC còn chủ động phối hợp, cộng tác với các chi cục bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT, Đài truyền hình địa phương xây dựng các chương trình tọa đàm, hội thảo trên truyền hình (tư vấn gián tiếp) nhằm giải đáp, trả lời những thắc mắc của nông dân liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đến nay, PVCFC đã phối hợp triển khai được trên 500 cuộc hội thảo nông dân, hàng chục cuộc tọa đàm trên truyền hình. Những hoạt động tư vấn đó đang giúp cải thiện, nâng cao kiến thức canh tác cho nông dân, góp phần hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp và được bà con đánh giá cao.


Mới đây, PVCFC đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, PVCFC và AGPPS phối hợp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm phân bón và các giải pháp về dinh dưỡng cho cây trồng ở các vùng thổ nhưỡng khác nhau. Đối với người nông dân, hai bên sẽ cùng nhau đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật dưới mọi hình thức, chú trọng việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả và toàn diện; hợp tác xây dựng chuỗi giá trị trong ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam thông qua việc triển khai cánh đồng lớn tại các tỉnh.


Doanh số bán hàng quan trọng, nhưng không quan trọng bằng lợi ích của người nông dân. Lợi ích bà con có đảm bảo thì công ty mới phát triển bền vững. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty đã trực tiếp ra đồng cùng bà con, cung cấp các giải pháp về dinh dưỡng cây trồng với mục tiêu góp phần đem lại mùa vàng thắng lợi, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt./.