Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 16:00 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Leap, da nhân tạo làm từ vỏ và lõi táo được hứa hẹn là vật liệu thay thế da thuộc hoàn hảo.

01/03/2022

Leap là sản phẩm da nhân tạo được làm từ vỏ và lõi táo, trộn với một tỷ lệ cao su tự nhiên nhất định. Nó được coi là vật liệu thay thế da thuộc hoàn hảo trong bối cảnh cần một nguồn nguyên liệu thay thế bền vững cho các sản phẩm da thuộc, một ngành công nghiệp bị cho là gây nhiều hậu quả cho môi trường. 
Beyond Leather, doanh nghiệp Thụy Điển đã phát triển vật liệu thay thế Leap cho biết họ tạo ra nó từ hỗn hợp bỏ đi của quả táo và cao su tự nhiên, rồi áp nó lên vật liệu nền làm bằng cô-tông và gỗ. Cuối cùng là phủ lên lớp áo bảo vệ. Thành phẩm là một cấu trúc ba lớp có thể tách rời ra tại cuối vòng đời sản phẩm.
Leap có kết cấu gần 100% vật liệu tự nhiên, và quá trình sản xuất tiết kiệm tới 85% lượng phát thải CO2 và 99% nước so với quy trình làm da thuộc truyền thống. Ảnh: Leap.
Theo nhà sản xuất, vật liệu gốc của Leap gồm khoảng 64% từ các phần bỏ đi của quả táo, như bã, vỏ, hạt..., 36% vật liệu tự nhiên khác. Khả năng phân hủy tự nhiên của loại da nhân tạo này là gần như 100%. Tuyệt vời hơn, quá trình sản xuất Leap tiết kiệm đến 85% lượng phát thải CO2 và 99% nước so với quy trình làm da thuộc truyền thống. 
Bà Hannah Michaud, đồng sáng lập Beyond Leather, cho biết khoảng 25% quả táo sẽ trở thành rác sau khi ép hoặc chế biến. Lượng rác thải này có thể được xử lý hoàn toàn bằng cách tạo thành vòng tuần hoàn mới cho vật liệu. Hiện nhà sản xuất giúp xử lý khoảng 500-600 tấn rác thải/năm của nhà máy chế biến táo gần đó. 
Leap có lớp nền đan chéo được dệt từ bông hữu cơ được chứng nhận và Tencel, một loại sợi từ bột gỗ. Giống như các loại vật liệu da thay thế khác, Leap cũng có một lớp bảo vệ phủ trên bề mặt, đồng thời có tác dụng làm nổi các kết cấu và chứa chất màu mô phỏng da thuộc. Lớp phủ này một nửa làm từ polyurethane và polyether có nguồn gốc từ dầu mỏ, một nửa từ nhựa sinh học. Mục tiêu nhà sản xuất hướng đến là tới năm 2024 sẽ sử dụng 100% vật liệu tự nhiên và phân hủy được. 
Vật liệu da từ tự nhiên này có tính đàn hồi, mềm dẻo và màu sắc bắt mắt không kém da thuộc và da nhân tạo. Ảnh: Leap.
Phiên bản hiện tại của vật liệu này, theo như thông tin trên website của nhà sản xuất, là một kếu cấu ba lớp có thể tách rời. Cấu trúc này đảm bảo các yếu tố bền, dẻo cần có để thay thế da truyền thống, đồng thời tối ưu khả năng tách rời để tái chế. "Ưu điểm của kết cấu ba lớp là có thể tách rời phần phủ nhựa ra khỏi các vật liệu nền bên dưới", bà Michaud cho biết. "Lớp vỏ bảo vệ có thể cân nhắc để tái sử dụng, và không ảnh hưởng gì đến sự phân hủy của các lớp nền tự nhiên khác."
Nhìn rộng hơn, nhu cầu cho các vật liệu tự nhiên thay thế da và da nhân tạo có nguồn gốc từ dầu mỏ đang ngày càng cao trong rất nhiều lĩnh vực sản xuất như may mặc, phụ kiện, nội thất... Ngoài Beyond Leather, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư mạnh trong việc tìm các giải pháp thay thế hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường cho vật liệu da nhân tạo. Điển hình như Kering, công ty mẹ của nhiều thương hiệu đình đám gồm Gucci, Yves Saint Laurent, Balenciaga đã bắt tay với đơn vị nghiên cứu để phát triển Mylo, da nhân tạo từ nấm, trên quy mô công nghiệp. Trước đó, Pinatex là cái tên rất nổi trong lĩnh vực vật liệu tự nhiên. Vật liệu Pinatex được làm từ các phần thừa của quả dứa, có ưu điểm là nhẹ, thoáng, đàn hồi tốt và có thể in lên được. Ưu điểm tuyệt vời nữa của Pinatex là chi phí sản xuất rẻ hơn so với làm da truyền thống nếu được sản xuất với quy mô công nghiệp. 
Có thể thấy, các giải pháp hiệu quả, tuần hoàn thay thế vật liệu da truyền thống đã rất sẵn sàng. Vấn đề còn lại, như bà Michaud nhận định, là cần thêm sự đầu tư. "Chúng ta đã đổi mới vật liệu tổng hợp trong nhiều thập kỷ, từ những năm 1800 khi phát hiện ra dầu mỏ. Nhưng ngành sản xuất vật liệu tự nhiên chưa được đầu tư tương xứng để có thể phát huy hết hiệu suất", Michaud nói. 
An Nhiên tổng hợp (Theo DezeenExplore-leap)