Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:58 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Thúc đẩy thị trường tái chế - Bài học từ các quốc gia

06/02/2022

Nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng khá thành công các chương trình giúp thúc đẩy thị trường tái chế. Đây có thể là bài học tốt cho Việt Nam.
Cược chai lấy tiền 
Đức là quốc gia có chương trình thu gom rác thải tái chế đầu nguồn rất sớm và rất thành công. Từ hơn một thập kỷ trước, Chính phủ Đức đã yêu cầu người tiêu dùng trả thêm một khoản phí gọi là "Pfand" cho mỗi loại chai đựng. Khoản này giống như phí cược vỏ chai khi mua bia ở Việt Nam, nhưng áp dụng cho các loại vật liệu từ thủy tinh đến nhựa.
Khách hàng có thể đổi các vỏ chai đã qua sử dụng để lấy lại tiền cược tại bất cứ cửa hàng bán đồ uống nào, bất kể họ có mua đồ ở đó hay không. Tiền cược áp dụng cho chai nhựa sử dụng một lần khá cao, khoảng 0,25 euro, vì chúng tạo ra tác động môi trường lớn hơn. Với chai thủy tinh và nhựa tái chế PET, số phí này sẽ giao động từ 0,08-0,25 euro. Việc đổi vỏ chai lấy tiền cược những năm gần đây còn được thực hiện dễ dàng hơn nhờ hệ máy đổi vỏ chai được lắp đặt khá phổ biến tại các đô thị, khu tập trung dân cư... 
Máy đổi vỏ chai lấy tiền cược ở Đức. Ảnh: DW.
Ý tưởng này đã chứng minh tính hiệu quả của nó trong gần hai thập kỷ áp dụng, từ khoảng năm 2003 đến nay. Ông Thomas Fischer, người đứng đầu Tổ chức kinh tế tuần hành động môi trường Đức (DUH) thì những sáng kiến như thế này đã giúp Đức đạt tỷ lệ tái chế chai lọ lên tới 98%. Ước tính trung bình mỗi chai thủy tinh có thể tái sử dụng tới 50 lần. Còn với chai nhựa là 25 lần.
Với người tiêu dùng, hệ thống khuyến khích họ thu gom và tái sử dụng chai bằng một khoản thưởng. Người bán và nhà sản xuất thì không mất công đi thu gom mà vẫn được đảm bảo nguồn cung vật liệu tái chế, tái sử dụng theo yêu cầu bắt buộc. Chính phủ giảm được áp lực khai thác tài nguyên, quản lý rác thải và thêm nguồn thu từ ngành công nghiệp tái chế. Cơ chế này hiệu quả đến mức 10 quốc gia châu Âu khác đang có kế hoạch áp dụng chương trình tương tự nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của Thỏa thuận Xanh (Green Deal). 
Phân loại hay trả tiền
Cũng giống như nhiều quốc gia châu Á, Hàn Quốc gặp nhiều vấn đề về quản lý rác thải trong giai đoạn phát triển nóng. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng các chính sách đồng bộ về rác thải, trong đó có việc tính phí dựa trên số kilogram rác (volume-based waste disposal fees system - VBWF), lượng rác được tái chế tăng đáng kể và rác chôn lấp thì giảm. 
Tại đây, việc xử lý rác thải đô thị được chia thành chôn lấp, tái chế, ủ phân và đốt. Việc của người dân là phân loại chúng theo hướng dẫn và bỏ đúng nơi quy định. Mỗi kilogram rác không thể xử lý hoặc tái chế sẽ phải trả tiền.
Chính phủ Hàn Quốc thu phí rác không tái chế được theo kg. Ai xả nhiều trả nhiều, ai xả rác ít thì trả ít. Ảnh: DowntoEarth. 
Để quản lý việc này, Chính phủ Hàn Quốc đặt ra quy định một loại túi riêng để đựng rác, với tên thành phố được ghi trên túi. Túi càng to thì càng phải trả nhiều tiền. Đây chính là phí người dân, doanh nghiệp phải trả cho số lượng rác mình thải ra môi trường, ngoài ra không thêm bất cứ khoản phí nào khác. Điều này có nghĩa là rác ở đâu bỏ ở đó, và cũng không thể dùng túi nylong bình thường để bỏ rác một cách tùy tiện. Ai cố tình gian lận có thể bị phạt tới một triệu won, tương đương 20 triệu đồng. 
Mục tiêu chính của hệ thống VBWF là: thứ nhất - áp phí xử lý chất thải dựa trên số lượng chất thải tạo ra; thứ hai - cung cấp hệ thống miễn phí nhằm khuyến khích thu gom chất thải tại nguồn. 
Sau 10 năm áp dụng, hệ thống đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc tăng tỷ lệ tái chế, giảm lượng chất thải rắn. Ngay trong năm đầu tiên áp dụng 1995, giảm 17,8% lượng chất thải rắn, tăng 21% tỷ lệ tái chế. Giai đoạn 1996 - 2001, tỷ lệ giảm chất thải rắn là 16,6% tỷ lệ tái chế tăng 43%. 
Lời giải nào cho Việt Nam?
Ở Việt Nam đã có nhiều sáng kiến tái chế, tái sử dụng xuất phát từ cả phía cộng đồng và nhà sản xuất. Từ phía cộng đồng, các chương trình như rag fair hay mottainai fair (ngày hội quần áo cũ, ngày hội tái chế) tại các trường học, khu dân cư đã không còn xa lạ với đông đảo người dân thành thị. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ cũng là đầu mối tích cực thúc đẩy các phong trào sống xanh, làm phân compost, tái chế rác thải... giúp thúc đẩy phân loại, tái chế rác thải từ đầu nguồn.
Theo WB, thị trường nhựa tái chế có tiềm năng giải phóng 3,4 tỷ USD/năm. Ảnh: Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân.
Ý thức người tiêu dùng nâng cao cũng góp phần thúc đẩy hành động của doanh nghiệp. Các chương trình tái chế, thay thế vật liệu nhựa bằng vật liệu thân thiện môi trường, giảm giá cho khách hàng dùng sản phẩm refill (làm đầy chai cũ) thay vì mua chai mới... xuất hiện ngày càng nhiều. Những dấu hiệu này cho thấy sống bền vững - sản xuất bền vững đang dần trở thành xu hướng chủ đạo chứ không chỉ là phong trào như cách đây nhiều năm.
Thị trường tái chế có khả năng phát triển tốt nếu có chính sách thúc đẩy hợp lý. Theo Báo cáo của World Bank về Cơ hội hội và rào cản với tuần hoàn nhựa, số lượng nhựa được thu gom và tái chế tại Việt Nam chỉ chưa đến 25%. Tức là mỗi năm chúng ta thất thoát khoảng 2,2 - 2,9 tỷ USD giá trị vật liệu tái chế tiềm năng. 
Nhiều doanh nghiệp đã nhìn ra các cơ hội trong thị trường. Cách đây vài năm, Liên minh tái chế PRO Việt Nam đã thành lập gồm 19 công ty, tập đoàn lớn với mục tiêu cải thiện quá trình tái chế bao bì bền vững. Cùng với đó là sự chuyển hướng của một số đơn vị cung ứng vật liệu nguồn như Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân, Nhà máy sợi tái chế Century... cho thấy sự chuyển mình tích cực của thị trường sản xuất nguyên vật liệu nói chung. 
Tuy nhiên những ví dụ trên vẫn là chưa đủ. Để tạo nên tác động tổng thể trong việc thúc đẩy thị trường tái chế, giảm rác thải thì cần những giải pháp có tính hệ thống. Theo gợi ý từ các chuyên gia của World Bank, các giải pháp để giải phóng thêm giá trị vật liệu riêng cho lĩnh vực nhựa tái chế có tiềm năng tới hơn 3,4 tỷ USD/năm, bao gồm: hoàn thiện các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường; tăng hiệu quả thu gom và phân loại chất thải nhựa; cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế và nâng cao năng lực; khuyến khích sử dụng hàm lượng tái chế trên tất cả các ứng dụng cuối quan trọng; quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn thiết kế để tái chế đối với các loại nhựa và bao bì; cải thiện sự minh bạch dữ liệu trị trường; tăng khả năng tái chế cơ học, hóa học và không khuyến khích thải bỏ; thiết lập yêu cầu cụ thể theo ngành để tăng tỷ lệ thu gom và tái chế. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi mới nhất năm 2020, với những điểm mang tính đột phá hơn, hy vọng sẽ tạo ra được khung pháp lý nhằm thúc đẩy điều này. 
Giang Nguyễn