Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:48 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tái sử dụng tro than từ nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu bảo vệ môi trường

10/01/2022

Để phục vụ công tác bảo vệ môi trường, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã tiến hành tái sử dụng tro than từ nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu cho sản xuất vật liệu mao quản trung bình (MCM-41).
Theo thông tin từ Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, từ năm 2015 đến 2019, TS. Vũ Đình Hiếu cùng các cộng sự tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tái sử dụng tro than từ các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu cho sản xuất vật liệu mao quản trung bình (MCM-41) phục vụ công tác bảo vệ môi trường”.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu đặc tính tro than từ nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam làm cơ sở cho việc nghiên cứu sản xuất tiền chất silica từ đó chế tạo vật liệu mao quản trung bình (MCM-41) phục vụ giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam.
Tái sử dụng tro than từ các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu cho sản xuất vật liệu mao quản trung bình. Ảnh minh họa.
Đề tài đã thu được các kết quả sau: Đã thu thập và nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề tài trong và ngoài nước; Đã hoàn thành khảo sát thực địa, thu thập các loại mẫu tro (fly ash, bottom ash) tại các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc Việt Nam như nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhiệt điện Uông Bí, nhiệt điện Cẩm Phả; khu vực miền Nam như nhiệt điện Duyên Hải 1, nhiệt điện Vĩnh Tân 2; Đã hoàn thành gia công mẫu và sử dụng phương pháp phân tích khác nhau nhằm đánh giá các đặc tính của tro than, cụ thể là các phân tích SEM-EDS, TEM, XRD, ICP-MS, FTIR…
Ngoài ra, nghiên cứu cũng dựa trên đặc tính của nguyên liệu tro than đầu vào, lựa chọn tro than của nhà máy nhiệt điện điển hình (Nhà máy nhiệt điện Uông Bí và nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả) để tiến hành chiết xuất thành nguyên liệu silica phục vụ công tác tổng hợp chất MCM-41.
Đồng thời nghiên cứu cũng hoàn thành thí nghiệm tổng hợp chất MCM-41 sử dụng silica triết tách từ tro kết hợp với các phụ chất khác trong điều kiện thí nghiệm khác nhau. Kết quả đã thành công vật liệu rỗng MCM-41 từ nguyên liệu ban đầu là tro than lấy tại Nhà máy nhiệt điện Uông Bí.
Nhóm nghiên cứu đã gửi sản phẩm cuối cùng sang Đài Loan (Trung Quốc) để phân tích các đặc tính của vật liệu MCM-41 như phân tích độ rỗng, solid state NMR, N2 adsorption-desorption.
Theo các nhà nghiên cứu, về cơ bản, nhiệt điện than vẫn có nhiều ưu điểm như diện tích chiếm đất không lớn, giải quyết hầu hết các vấn đề môi trường. Than nhập khẩu có hàm lượng tro rất thấp, chỉ 4 - 6% so với 25-30% của than trong nước, vận hành ổn định, ít phụ thuộc yếu tố bất thường nên gánh phụ tải nền tốt, bởi vậy tỉ trọng có tăng lên trong giới hạn chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu muốn môi trường tốt hơn cần thắt chặt hơn quy định về thuế môi trường. Các bộ, ngành liên quan cần xây dựng các tiêu chuẩn cho việc xả thải tro và xỉ của các nhà máy nhiệt điện than: Như thế nào được coi là chất thải thông thường và như thế nào bị coi là chất thải nguy hại, để người xả thải và người sử dụng chất thải dựa vào cơ sở đó hành động tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Trước đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Các tiêu chuẩn quốc gia đã ban hành trước thời điểm ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ: TCVN 6882:2001 phụ gia khoáng cho xi măng, áp dụng cho tro bay và tro đáy; TCVN 8825:2011 phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn, áp dụng cho tro bay, tro đáy; TCVN 7570: 2006 cốt liệu cho bê tông và vữa, áp dụng cho tro đáy; TCVN 4315:2007 xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng; TCVN 11586:2016 xỉ hạt lò cao nghiền mịn cho bê tông và vữa xây dựng; TCVN 10302:2014 phụ gia hoạt tính tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chỉ dẫn kỹ thuật đã ban hành sau thời điểm ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ: TCVN 11833:2017 thạch cao phốt pho làm phụ gia cho sản xuất xi măng; Quyết định số 430/QĐ-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chỉ dẫn kỹ thuật "Xỉ gang và xỉ thép sử dụng làm vật liệu xây dựng"; QCVN 16:2017/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.
Theo VietQ