Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 17:14 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Chuyển đổi xanh trong ngành dệt may

21/12/2021

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, đặc biệt trong quý 3 nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng trong quý 4, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.
Quan tâm giữ chân người lao động
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Tại hội thảo “Phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh COVID 19 – Cơ hội và thách thức” tổ chức ngày 17/12/2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, sang năm 2022 vẫn là khoảng thời gian khó khăn đối với ngành khi các doanh nghiệp đang đối diện với nguy cơ thiếu lao động do dịch bệnh đã lan ra khắp các tỉnh, thành, lượng công nhân mắc bệnh tăng, liên tục phải đi cách ly. Lao động có xu hướng về quê tránh dịch, không quay trở lại.
Vấn đề lao động biến thành trở ngại lớn cho phục hồi chuỗi cung ứng. Theo kết quả khảo sát ngành dệt may trong làn sóng COVID-19, có 66% người lao động sau một tháng không nhận được lương từ doanh nghiệp, 63,8% được thông báo về lương ngừng việc.
Với những doanh nghiệp trả lương và hỗ trợ người lao động trong giãn cách đã phục hồi trên 80% công nhân; còn với doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc không hỗ trợ thì tỷ lệ người lao động ngừng việc lên tới 25 – 30%.
Hiện nay, các doanh nghiệp còn dè dặt trong việc nhận nhiều đơn hàng, do nỗi lo giao trễ, phải bồi thường cho nhãn hàng.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch VITAS chia sẻ “Hiện đơn hàng của doanh nghiệp dệt may không thiếu, nhưng nhiều khi doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng vì không chủ động được sản xuất do thiếu lao động và không đảm bảo tiến độ có thể phải giao hàng bằng đường hàng không, chi phí rất lớn.
Ví dụ nhà máy Vĩnh Long của chúng tôi làm cho Adidas nhưng không dám nhận nhiều. Doanh nghiệp không sợ thiếu đơn hàng mà chỉ sợ không đủ lực lượng lao động để sản xuất”.
Theo đó, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động khuyến nghị doanh nghiệp cần đặc biệt đẩy mạnh hỗ trợ người lao động. Bà Chi cho rằng, các quy định phòng, chống dịch không phải là trở ngại lớn nhất khiến các nhà mua hàng băn khoăn về việc đặt hàng, mà là việc công ty có chú trọng đối thoại với người lao động để duy trì lực lượng đảm bảo sản xuất hay không.
Đẩy mạnh “xanh hoá”
Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết. Trong các FTA này đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp.
Các nhãn hàng đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về môi trường, xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, nhân rộng và tăng tốc chương trình “xanh hoá” ngành dệt may là một yêu cầu tất yếu trong những giai đoạn tiếp theo. 
Bà Hoàng Thanh Nga, Quản lý Chương trình Xanh hoá ngành dệt may (WWF – Việt Nam) đưa ra các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên, thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường ứng dụng.
Đối với giảm chi phí nước, sử dụng máy nhuộm, máy giặt dung tỷ thấp; Thay thế hoá chất hoặc dùng hệ thống cấp tự động; Tận dụng nước giặt mẻ cuối cho mẻ nhộm đầu; Tái chế nước thải; Thu hồi nước mưa; Công nghệ nhuộm mới…
Cụ thể, để phát triển theo xu hướng chung toàn thế giới, tới đây ngành dệt may, dệt nhuộm sẽ áp dụng đồng loạt máy giặt nhuộm dung tỷ thấp 1:4, loại bỏ dần các máy giặt nhuộm sử dụng tỉ lệ nước 1:20, 1:10. Phổ biến công nghệ Ozone và Eflow trong máy giặt Denim, ước tính giảm 20% lượng nước. Lắp đặt hệ thống UF-RO, tuần hoàn 60% lượng nước, tăng khả năng tái sử dụng nước thải trên hệ thống các doanh nghiệp miền Bắc, Trung, Nam. Thu hồi nhiệt từ quy trình nhuộm để đun nấu nước.
Đột phá nhất là công nghệ nhuộm lưu chất CO2 hiện đang được đóng tại nhà máy Khu Công nghiệp Hiệp Phước – TP. Hồ Chí Minh. Và mới đây là công nghệ nhuộm siêu âm, giúp giảm nhiệt độ, giảm thời gian vận hành, đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Đối với tiềm năng tiết kiệm năng lượng sẽ phân các hệ thống sử dụng năng lượng trong nhà máy nén khí, lò nhiệt, thông gió,…
WWF và VITAS luôn đề cao mục tiêu đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, khu công nghiệp dệt may nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh. Thứ nhất, hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định đầu tư, đánh giá dự án khả thi. Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, vay ưu đãi.
Thứ ba, hỗ trợ kỹ thuật nhằm áp dụng hiệu quả các giải pháp nước, năng lượng; tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp. Song song, truyền thông các trường hợp thành công để nhân rộng chuyển đổi xanh trong ngành dệt may.
Nguồn Thương gia & Thị trường