Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 10:39 GMT+7

Điển hình

Chuyển hướng mô hình phát triển khu công nghiệp

21/12/2021

Xu hướng dịch chuyển nhà máy và những thách thức từ đại dịch Covid-19 đang đặt ra vấn đề đối với nhà kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN). Thay vì tạo ra quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng, thu hút nhà đầu tư đến thuê đất như hiện nay, các KCN cần chuyển đổi theo hướng chuyên sâu, đa chức năng.
Sản xuất cà phê bên trong Khu công nghiệp Amata đang thí điểm chuyển sang mô hình sinh thái. (Nguồn ảnh Công ty Nestlé Việt Nam)
Ở đó, các doanh nghiệp (DN) cùng ngành nghề có thể liên kết với nhau để tiết giảm chi phí sản xuất, lưu thông, góp phần hạ giá thành sản phẩm; người công nhân có thể vừa làm việc, vừa sinh sống trong môi trường tốt.
Phát triển KCN sinh thái
Tại hội thảo về chuyển đổi xanh tại các KCN tỉnh Đồng Nai mới đây, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho rằng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cạnh tranh thương mại đang đặt ra vấn đề đối với các KCN. Các KCN không thể theo mô hình “may sẵn”, tức là tạo quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng kết nối, thu hút DN đến thuê đất như hiện tại, mà phải chuyển sang “may đo” để phù hợp với từng lĩnh vực và tạo thành một hệ sinh thái bền vững. Ông Thành cho rằng, một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã hình thành các KCN chuyên ngành; KCN tích hợp cả nhà ở, bệnh viện, trường học. Nếu Việt Nam cũng có các KCN chuyên sâu, đa chức năng sẽ là điều kiện lý tưởng để thu hút, giữ chân nhà đầu tư.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hữu Nam cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 căng thẳng mới thấy rõ việc xây dựng KCN đa chức năng là cần thiết, đơn cử như việc đáp ứng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” của DN.
“Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến KCN xanh, thân thiện với môi trường để tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu sản phẩm xanh nhưng đại đa phần KCN ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Các KCN cần tiếp cận xu hướng mới để gia tăng sức cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững của KCN” - ông Nam cho hay.
Đoàn nhà báo tham quan nhà máy sản xuất cà phê tại Khu công nghiệp Amata (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Lê An
Ông Cao Việt Chương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ KCN Nhơn Trạch 6 cho rằng, DN rất quan tâm và muốn chuyển sang mô hình KCN sinh thái. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách phát triển KCN sinh thái, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Tại Đồng Nai chưa có mô hình điểm. Năm 2020, KCN Amata được chọn để làm dự án triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu nhưng đến nay chưa có sự thay đổi rõ nét.
“Chúng tôi sẽ chuyển đổi KCN thông thường thành KCN sinh thái và xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp khi chính sách và hướng dẫn xây dựng KCN sinh thái hoàn thiện, Nhà nước có các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ chuyển đổi” - ông Chương chia sẻ.
Nhiều vấn đề đặt ra
Mặc dù được đánh giá là xu hướng tất yếu trong phát triển công nghiệp để đạt mục tiêu hài hòa kinh tế - xã hội và môi trường, nhưng việc chuyển sang mô hình KCN sinh thái, đa chức năng ở Đồng Nai còn nhiều thách thức. Ngoài vấn đề về pháp lý, thủ tục, mô hình điểm cần nhìn nhận thực tế là phần lớn các KCN trên địa bàn tỉnh hình thành và đạt tỷ lệ lấp đầy cao từ nhiều năm trước, không còn nhiều quỹ đất. Vấn đề môi trường và nguy cơ ô nhiễm môi trường ở các KCN luôn hiện hữu, khó thích hợp đầu tư các công trình tiện ích như: nhà ở, bệnh viện, trường học.
 Theo ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng phòng Môi trường KCN Long Khánh, vài năm trở lại đây, KCN thu hút đầu tư khá tốt. Tính đến cuối năm 2021, KCN đã ký hợp đồng cho thuê đất với 44 nhà đầu tư, tổng diện tích thuê hơn 172ha, đạt 97% diện tích đất cho thuê. Phần diện tích ngoài cho thuê đã trồng cây xanh, làm đường giao thông và hạ tầng dùng chung của KCN. Hiện KCN đang thúc đẩy mở rộng diện tích 500ha. KCN mở rộng có thể đầu tư các công trình xã hội phục vụ nhu cầu người lao động theo tiêu chí KCN xanh, nhưng quanh KCN hiện hữu đã có bệnh viện, trường học, công viên; người lao động chủ yếu dân địa phương đã có nhà ở.
Đại diện đơn vị kinh doanh hạ tầng trên địa bàn TP.Biên Hòa cho rằng, việc chuyển đổi xanh ở các KCN theo hướng DN này liên kết với DN kia để giảm phát thải, tuần hoàn nguyên vật liệu rất tốt. Tuy nhiên, pháp luật về môi trường hiện nay quy định rất rõ ràng nước thải là nước thải, rác thải là rác thải. DN sản xuất phải ký hợp đồng với đơn vị được cấp phép xử lý chất thải. Trường hợp DN có nhu cầu tái sử dụng chất thải phải có giấy phép.
Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (TP.Hà Nội) Lê Xuân Thịnh cho rằng, để chuyển sang mô hình KCN xanh, các nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng phải có chiến lược ngăn ngừa ô nhiễm, tuần hoàn chất thải, hình thành mô hình cộng sinh công nghiệp. Hiện có một số KCN đã hình thành mô hình cộng sinh, chẳng hạn KCN Trà Nóc 2 (TP.Cần Thơ), nước thải công nghiệp sau xử lý được dự trữ cho phòng cháy, chữa cháy của KCN; nước thải loại A của Công ty CP Sữa Việt Nam được Công ty TNHH Thép Tây Đô tái sử dụng làm mát nhà máy; DN chế biến thủy hải sản hợp tác với nhà máy phân bón tái sử dụng nước vỏ tôm, đầu cá… Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam đã đặt vấn đề thí điểm mô hình này ở KCN Long Thành đối với nước thải công nghiệp.
Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, nhiều năm qua, tỉnh luôn chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đang tiếp tục xây dựng, phát triển các KCN theo hướng xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư. Hiện Đồng Nai có KCN chuyên ngành như: Dệt may Nhơn Trạch, KCN có nhà ở đi kèm như Long Thành. KCN Amata đang thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái, mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra các KCN trong tỉnh.
Nguồn Báo Đồng Nai