Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 23:41 GMT+7

Điển hình

Sumimoto Metal công bố phương pháp mới tái chế hiệu quả pin xe điện

26/12/2021

Theo công bố mới nhất, Sumitomo Metal đã phát triển một quy trình để chiết xuất đồng, niken, coban và lithium với giá rẻ từ pin EV bằng cách nghiền chúng, nung bột thu được đến nhiệt độ thích hợp và kiểm soát mức oxy. Theo công ty, phương pháp này là phương pháp đầu tiên trên thế giới. 
Khi sự phổ biến của xe điện ngày càng "bùng nổ", hàng nghìn viên pin lithium-ion cung cấp năng lượng có nguy cơ bị loại bỏ. Vì vậy, tái chế pin sẽ là giải pháp tối ưu giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất. Việc tái chế các bộ pin lithium-ion để thu hồi các kim loại có thể sử dụng có giá trị vô cùng to lớn đối với chuỗi cung ứng. Theo báo cáo từ Viện Tương lai bền vững (ISF) tại Sydney (Australia), tiềm năng tái chế của lithium là 25%, coban, niken là 35% và đồng là 55%.
Theo công bố của Sumitomo Metal, phương pháp tái chế mới có thể xử lý 7.000 tấn pin EV (pin ô tô điện) mỗi năm.
Với công bố trên, Sumitomo Metal Mining khẳng định có khả năng tái chế hiệu quả phần lớn các thành phần từ pin ô tô điện đã bỏ đi. Phương pháp tái chế mới có thể xử lý 7.000 tấn pin EV (pin ô tô điện) mỗi năm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện tại, công ty có kế hoạch cung cấp khối lượng nhỏ pin nghiền và sử dụng nguyên liệu thu hồi để sản xuất catốt nội bộ, đồng thời tuyên bố đang trên đà khai thác các nguyên liệu có chất lượng tương đương với các chất thay thế được khai thác với chi phí hợp lý và khối lượng thương mại.
Bên cạnh đó, Sumitomo Metal Mining kỳ vọng sẽ mở thêm một nhà máy tái chế ở Nhật Bản vào năm 2023, nơi có thể xử lý 7.000 tấn pin nghiền mỗi năm, đủ để chiết xuất 200 tấn coban từ pin có cực âm niken-mangan-coban. Số tiền đó đủ cho 20.000 pin EV. Và khi nhu cầu trên toàn thế giới đối với một số kim loại quý tăng lên, sự phát triển này có thể giúp ích cho việc cung cấp các nguồn tài nguyên này trong nước của Nhật Bản. 
Việc nâng cao khả năng tái chế pin xe điện đang ngày càng được quan tâm hơn bởi nó không những giúp tránh được một thảm họa môi trường mới, động lực để tạo ra cuộc cách mạng xe điện hiện nay; mà còn giúp giảm đáng kể chi phí xe điện. Những viên pin ô tô điện thường nặng tới 500 kg và chiếm tới 50% giá trị của một chiếc xe điện. Việc khai thác các vật liệu và lắp ráp pin vô cùng tốn kém, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu chúng không được tái chế.
Trước đó, tại Mỹ, một trong những người sáng lập Tesla đã huy động được 500 triệu USD vào tháng 7 để mở rộng nhà máy tái chế Redwood. Ngoài ra, tại miền Bắc Thụy Điển, một công ty khởi nghiệp Northolt dự kiến sẽ đưa vào hoạt động một nhà máy vào năm 2022 có khả năng tái chế 25.000 tấn pin mỗi năm.
Ngày càng nhiều chính phủ đưa ra các quy định mới nhằm tránh các thảm họa môi trường mới có thể dự báo được, như rác pin xe điện. Liên minh châu Âu đã đề xuất một luật vào năm ngoái yêu cầu pin EV phải chứa tối thiểu 12% coban tái chế và 4% lithium và niken tái chế vào năm 2030. Gần đây nhất, tại Mỹ, đặc biệt là bang California, cùng nhiều quốc gia ở châu Âu đã bắt đầu ban hành luật để tiến tới ngừng sản xuất ô tô chạy bằng xăng, dầu truyền thống vào năm 2035.
Hay như Nhật Bản, Bộ Kinh tế nước này đã đặt mục tiêu tới giữa năm 2030, toàn bộ xe mới bán ra trên thị trường đều phải là xe hybrid hoặc xe điện thuần túy, dần loại bỏ toàn bộ xe sử dụng động cơ đốt trong ra khỏi thị trường xe mới. Tuy nhiên mục tiêu này khá khó khăn vì hiện tại xe hybrid và xe điện chỉ chiếm khoảng 29% trong tổng số 5,2 triệu phương tiện đăng ký mới, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA).
Chính phủ Anh cũng đã thông báo đến năm 2030 sẽ chấm dứt bán xe ô tô mới sử dụng động cơ đốt trong. Việc thúc đẩy thay thế xe chạy nhiên liệu hóa thạch được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Anh đạt mức phát khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, đây được xem là động lực mới đối với ngành công nghiệp ô tô Anh vốn đang đứng trước nhiều khó khăn do nhu cầu sụt giảm trên toàn cầu.
An Nhiên