Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 10:21 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững đối với Đà Nẵng

16/11/2021

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một hệ thống kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống. Lựa chọn nền KTTH là một tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Khái niệm, mô hình và nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn
Trong nhiều thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến về sự nguy hiểm, rủi ro của việc sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên có hạn. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta tiếp tục khai thác, tiêu thụ các nguồn tài nguyên không thể tái sinh. Đồng thời, với sự gia tăng nhanh dân số, sức ép của tăng trưởng, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu và năng lượng đã làm gia tăng mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Đây là thực tại không bền vững và không thể đảo ngược.
Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015 đã đưa ra một kế hoạch chung về hòa bình, thịnh vượng cho con người và hành tinh của chúng ta trong hiện tại và tương lai, kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia bảo vệ môi trường đất, nước, không khí, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn rừng, biển, đại dương và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu hướng tới một nền kinh tế các-bon trung tính, không phát thải vào năm 2050. Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn (KTTH), kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21.
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững. Thông qua nền KTTH, các hoạt động như tái sử dụng tài nguyên và tân trang các sản phẩm cũ (thay vì vứt bỏ chúng) là tiêu chuẩn được lựa chọn. Một nền kinh tế vòng tròn thực sự sẽ không có chất thải, nghĩa là không có gì bị vứt bỏ. Về cơ bản, đó là một cách thông minh hơn để sử dụng các tài nguyên mà chúng ta có.
Có rất nhiều cách hiểu về KTTH, theo Kirchherr, Reike và Hekkert (2017) thống kê có 114 cách hiểu về KTTH. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc - UNEP , là một cơ quan điều phối các hoạt động môi trường của Liên Hiệp Quốc, cho rằng “KTTH là một cách mới để tạo ra giá trị và hướng tới mục tiêu cao nhất là sự thịnh vượng. Nó hoạt động bằng cách kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua việc cải tiến thiết kế và bảo dưỡng, chuyển chất thải từ điểm cuối chuỗi cung ứng trở lại điểm đầu của quá trình sản xuất - qua đó, sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn bằng cách sử dụng nhiều lần chứ không chỉ một lần”. Định nghĩa KTTH của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc - UNIDO  cho rằng, nền KTTH là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Khoản 1 Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/01/2020 của Quốc hội Việt Nam ghi rõ “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.”
Như vậy, KTTH tương phản với mô hình kinh tế tuyến tính, trong mô hình kinh tế tuyến tính, các tài nguyên chỉ di chuyển theo một chiều, từ khai thác tài nguyên, sản xuất, đến vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ.
Hiện nay, có một số mô hình về KTTH đã được triển khai với cách tiếp cận đơn giản như mô hình 3R hay mô hình 5R+ được tiếp cận tổng thể hơn. Mô hình 3R chỉ tập chung vào 3 hoạt động  Reduce, Reuse và Recycle, trong khi đó, mô hình 5R+ được tiếp cận tổng thể thông qua các hoạt động  gồm R - Rethink and Redesign,  R – Refuse,  R – Reduce, R - Reuse, R – Recycle.
Khái niệm liên quan đến mô hình KTTH đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAC (Vườn – Ao – Chuồng), một mô hình chúng ta áp dụng khá thành công. Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái – ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn – Cleaner production”, “Không phát thải – zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất – một phần của KTTH – cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Các khái niệm này đã được thể hiện qua các chính sách của Đảng và nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường .
Nguyên tắc của KTTH là một hệ thống kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống. Trong đó, duy trì và tăng cường vốn tự nhiên thông qua kiểm soát các tài sản hữu hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo với các mức độ là phục hồi, chuyển hóa, trao đổi; tối ưu hóa năng suất tài nguyên thông qua tuần hoàn các sản phẩm, các linh kiện và vật liệu để sử dụng được ở mức độ cao nhất; thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực.
KTTH có nhiều cách tiếp cận khác nhau, theo cấp độ được chia thành ba cấp: Ở cấp độ thấp, KTTH tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái. Ở cấp độ vừa, KTTH bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái và các hệ thống nông nghiệp sinh thái khác. Ở cấp độ cao, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế, giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng, tiến tới không có chất thải.
KTTH gắn với sản xuất và tiêu dùng bền vững
Trọng tâm của KTTH chính là sản xuất và tiêu dùng bền vững. Vậy thế nào là sản xuất bền vững? thế nào là tiêu dùng bền vững? sản xuất và tiêu dùng bền vững hiện nay được hiểu như thế nào?
Sản xuất bền vững được hiểu là việc khai thác các nguồn tài nguyên một cách kinh tế và hiệu quả hơn, giảm lượng chất thải và bảo vệ môi trường.
Tiêu dùng bền vững là tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, xã hội và kinh tế.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững diễn ra tháng 9/2015, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu lớn đã được phê duyệt, trong đó có mục tiêu số 12 “Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm”. UNEP định nghĩa sản xuất và tiêu dùng bền vững là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm có liên quan để đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại một cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại cũng như giảm thiểu phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm, sao cho không làm tổn hại đến việc thoả mãn các nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Mục tiêu chủ yếu của sản xuất và tiêu dùng bền vững là nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng, sử dụng tài nguyên tái tạo và sản phẩm thân thiện môi trường, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, duy trì tính bền vững của hệ sinh thái.
Phát triển kinh tế tuần hoàn - yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Ảnh: Internet
Nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, xác định mục tiêu là thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm bền vững, thúc đẩy lối sống bền vững, hướng đến phát triển KTTH ở Việt Nam nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Để đạt được mục tiêu tổng quát nói trên, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng đã đề xuất các nhóm nội dung ưu tiên để triển khai thực hiện đến năm 2030, trong đó, mô hình KTTH được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, xuyên suốt trong các nhóm nội dung ưu tiên.
KTTH trong mối quan hệ với Tăng trưởng xanh, Kinh tế xanh
Có thể thấy KTTH có mối liên hệ với Tăng trưởng xanh, Kinh tế xanh. Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế - OECD , Tăng trưởng xanh bao gồm “thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp tài nguyên và dịch vụ môi trường cho sự thịnh vượng của chúng ta.
Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.” (OECD, 2014). UNEP định nghĩa Kinh tế xanh “là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải các-bon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội” (UNEP, 2011b, p. 16).
Như vậy, Tăng trưởng xanh nhấn mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ cân bằng hài hòa (balance) với môi trường sinh thái – mà cụ thể là tránh gây các áp lực làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường (Khu vực kinh tế châu Âu - EEA , 2016, p. 93), với mục tiêu cao nhất là duy trì bền vững sự tăng trưởng kinh tế. Còn Kinh tế xanh không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế mà còn quan tâm nhiều hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường, sinh thái. Kinh tế xanh cho thấy sự toàn diện cao hơn khi mở rộng mục tiêu tới cả hạnh phúc của con người và công bằng xã hội. Đáng lưu ý, cách tiếp cận của Kinh tế xanh là quan tâm tới kinh tế và môi trường ở góc độ hệ sinh thái trước, từ đó làm nền tảng thúc đẩy sự thịnh vượng của con người.
Tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn tương hỗ với nhau, cùng đóng góp vào việc xây dựng Kinh tế xanh; Kinh tế xanh chính là nền tảng để hướng tới Phát triển bền vững. Có thể coi Tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn như là những “viên gạch” tương hỗ và bổ sung cho nhau, làm nên “nền móng” là Kinh tế xanh. Trong bối cảnh của suy giảm tài nguyên và rác thải gia tăng hiện nay, KTTH lại cho thấy một cách tiếp cận cụ thể và tương hỗ với Tăng trưởng xanh, giúp phá vỡ được mối liên hệ thường thấy giữa phát triển kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, dựa trên triết lý phục hồi và tái tạo.
Như vậy, tất cả các hoạt động xây dựng, duy trì, cải tiến, phát triển, phát minh trong cuộc sống này với mục tiêu cao nhất là phục vụ cuộc sống con người. Vì vậy, xây dựng và phát triển KTTH với mục tiêu phát triển bền vững nhằm đảm bảo cuộc sống của con người được tốt hơn.
Vai trò của KTTH đối với sự phát triển của doanh nghiệp
Sự phát triển doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết đến phát triển nền kinh tế của một đất nước. Chính vì vậy, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển cần tập trung đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh lợi ích của KTTH là giảm việc sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, giảm lượng khí thải carbon, mục tiêu không chất thải, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thì vai trò của KTTH mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có thể thấy nhiều lợi ích từ mô hình KTTH. Cùng với việc có nhiều việc làm do việc tái sử dụng nguyên liệu do không khuyến khích các hoạt động như kế hoạch đã lỗi thời, có nghĩa là sản phẩm sẽ tồn tại lâu hơn, hứa hẹn tăng thu nhập khả dụng vì khuyến khích các hoạt động như mua đồ đã qua sử dụng, cho thuê thay vì sở hữu và các hoạt động kinh tế khác, tạo việc làm cho người tiêu dùng. Để đạt được một nền KTTH, nhiều ngành công nghiệp mới sẽ cần phải xuất hiện.
Điều này có nghĩa là sẽ có rất nhiều công việc mới, mang đến nhiều cơ hội kinh doanh hơn (chẳng hạn như tân trang các mặt hàng cũ, thu thập các tài nguyên đã qua sử dụng như quần áo hoặc đồ điện tử, v.v.). Các doanh nghiệp hiện tại cũng có thể tận hưởng nguồn cung cấp tài nguyên an toàn hơn khi chúng ta tái sử dụng các nguồn lực mà chúng ta đã có, thay vì phụ thuộc vào các nguồn lực hữu hạn. Điều này có thể làm giảm chi phí nguyên vật liệu, cho phép các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Việc này cũng có thể cải thiện lòng trung thành của khách hàng. Người tiêu dùng ngày nay muốn hỗ trợ các doanh nghiệp có triết lý phù hợp với triết lý của họ và các sáng kiến xanh là một trong những lý tưởng quan trọng nhất đối với khách hàng. Bằng cách áp dụng mô hình kinh doanh thân thiện môi trường hơn, chúng ta có thể mở rộng mạng lưới người tiêu dùng của mình và nhiều khách hàng trung thành hơn. Để đạt được một nền KTTH là một nhiệm vụ không nhỏ, nó đòi hỏi nỗ lực của các cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ.
Hiện nay có một số mô hình KTTH  đã được triển khai với cách tiếp cận từ đơn giản đến phức tạp. Qua nghiên cứu đối với 120 doanh nghiệp đã đạt được những thành tích quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất nguồn lực, hãng nghiên cứu Accenture  đã tổng kết và đưa ra 5 mô hình kinh tế có khả năng giúp các doanh nghiệp tạo dựng được sự khác biệt, giảm bớt chi phí dịch vụ và sử dụng tạo nguồn doanh thu mới và giảm thiểu rủi ro thị trường gồm: chuỗi cung ứng tuần hoàn (sử dụng nguyên liệu có thể tái chế, tái sử dụng hoặc phân hủy bằng con đường tự hủy); Phục hồi và tái chế (phục hồi các sản phẩm đã tới giai đoạn cuối của chu kỳ sử dụng để lấy hoặc tái sử dụng các nguyên liệu, năng lượng và các thành phần còn có giá trị trong sản phẩm, hoặc cũng có thể tái chế rác thải và sử dụng các sản phẩm phát sinh trong một quá trình sản xuất khác); Kéo dài đời sống sản phẩm (sản phẩm bị hỏng, lỗi thời sẽ được bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, tân trang hay tiếp thị lại thị trường); Kinh tế chia sẻ (trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, kiến tạo nên các mối quan hệ mới và các cơ hội kinh doanh mới cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp để họ có thể cho thuê, chia sẻ, trao đổi hay cho mượn những đồ dùng họ sở hữu nhưng ít sử dụng); Coi sản phẩm là dịch vụ (Nếu cả nhà sản xuất và nhà bán lẻ đều là “chủ sở hữu sản phẩm cuối cùng” lúc đó họ sẽ tập trung cao tuổi thọ, sự tin cậy, khả năng tái sử dụng của sản phẩm đó. Người tiêu dùng sẽ thuê sản phẩm để sử dụng.).
Kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng
Theo đó, năm 2014, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc – UNIDO đề nghị thí điểm Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình Khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương thức triển khai Dự án. Kết quả, Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện thí điểm tại 03 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Hòa Khánh - Đà Nẵng, Khu công nghiệp Trà Nóc 1,2 - Cần Thơ, Khu công nghiệp Giáng Khẩu - Ninh Bình.
Tại Đà Nẵng, đáng kể nhất là sự hình thành và hoạt động của Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng (DCEH) từ tháng 11/2020 tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) được thành lập do Accelerator Lab (AccLab) Việt Nam, trực thuộc mạng lưới 90 AccLab toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP). DCEH tập trung vào việc hỗ trợ các nhân tài có dự án sáng tạo vì môi trường, thúc đẩy cải thiện hệ thống xử lý rác thải rắn tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung; thúc đẩy tiêu dùng bền vững/tiêu dùng xanh trong cộng đồng tại khu vực miền Trung.
Cuối năm 2020, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo chuyên đề ‘Kinh tế tuần hoàn – mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường, viện, sở ban ngành trên địa bàn thành phố. Thông qua hội thảo nhiều giải pháp thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu và khuyến khích phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế để thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển KTTH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được đề xuất.
Những năm qua, số lượng doanh nghiệp Đà Nẵng tăng liên tục nhưng kém bền vững, doanh nghiệp Đà Nẵng đã có những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế thành phố nhưng quy mô vẫn còn khá khiêm tốn: Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh thấp, năng lực tài chính khá hạn chế, nhất là so với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải phòng nhưng tốt hơn trung bình cả nước, năng suất lao động khá hạn chế, trình độ công nghệ, hiệu quả kinh doanh tuy có cải thiện nhưng vẫn thuộc hàng thấp.
Nhìn chung năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Đà Nẵng khá hạn chế trên tất cả các chỉ số. Do vậy, xây dựng và phát triển KTTH là xu thế tất yếu, khách quan tại Đà Nẵng. Để thực hiện điều đó chúng ta cần xác định được đâu là cơ hội và thách thức đối với thành phố.
Về cơ hội, KTTH là xu hướng phát triển tích cực và đã được nhiều quốc gia các nước trên thế giới thực hiện thành công. Việt Nam và Đà Nẵng có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước; Chính phủ Việt Nam đang chủ trương phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN theo hướng hiệu quả, bền vững, vì vậy đây chính là cơ hội để Đà Nẵng chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình KTTH mà trước hết là trong cộng đồng doanh nghiệp.
Hội thảo chuyên đề ‘Kinh tế tuần hoàn – mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng” do Sở Công thương tổ chức vào cuối năm 2020
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, trong khi đó KTTH gắn với công nghệ cao, là cơ hội để Đà Nẵng  đẩy mạnh phát triển và áp dụng mô hình KTTH trong tương lai; Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, đổi mới sáng tạo của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, môi trường sinh thái đa dạng và khá trong lành, dân số không quá đông, sự đông thuận của nhân dân với chính quyền cao, với định hướng phát triển kinh tế về du lịch, công nghiệp gắn với thành phố môi trường sẽ là điều kiện để Đà Nẵng thực hiện KTTH.
Về thách thức, khái niệm, mô hình KTTH còn khá mới nên đòi hỏi cần có thời gian và nguồn lực (con người, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, hệ thống chính trị xã hội, thị trường,...) để thực hiện. Tư duy chuyển đổi mô hình truyền thống - kinh tế tuyến tính, sang KTTH cần trải qua quá trình nhận thức và vận động xã hội.
Mặt khác, doanh nghiệp Đà Nẵng đa số nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng lực tài chính hạn chế và kinh nghiệm quản lý còn nhiều bất cập; Thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy KTTH phát triển; Nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi sang phát triển KTTH còn yếu, để phát triển cần có đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình.
Thành phố Đà Nẵng với diện tích khá nhỏ bé, khoảng 1.285 km2, trong đó riêng huyện đảo Hoàng Sa đã hơn 300 km2, tài nguyên thiên nhiên hạn chế, quy mô dân số không nhiều, khoảng hơn 1,100 triệu dân. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2021, quy mô GRDP của Đà Nẵng chiếm hơn 1,3% trên tổng GDP và tiếp tục duy trì ở vị trí 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.449,1 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 805,5 triệu USD.
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã xác định, đến năm 2030, quy mô dân số Đà Nẵng phải đạt khoảng 1,5 triệu dân, GRDP đạt hơn 2% trong tổng GDP quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã xác định lại tỷ lệ cơ cấu kinh tế thành phố. Theo đó gia tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giữ ổn định cơ cấu dịch vụ - du lịch, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Từ đó đặt ra cho Đà Nẵng yêu cầu bức thiết, mang tính thời sự đó là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở khai thác tối đa ưu thế do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTTP… mang lại. Trong đó, KTTH - mô hình kinh tế hiện đại được cho là rất phù hợp với điều kiện, bối cảnh và nguồn lực của Đà Nẵng. Đặc biệt, đại dịch Covid đã và đang diễn ra đã chứng minh về sự cần thiết, tính tất yếu thực hiện KTTH.
KTTH là “cánh cửa” đưa Việt Nam phát triển bền vững và cũng được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây và là động lực, cơ hội để thúc đẩy phát triển nền KTTH.
Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH nhằm xây dựng phát triển kinh tế bền vững là một xu hướng tất yếu, khách quan, là một đòi hỏi bức thiết, mang tính thời sự trong thời đại kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam nói chung và nhất là tại thành phố Đà Nẵng nói riêng. Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm giải pháp thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu và khuyến khích phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế nhằm thúc đẩy các mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và tiêu dùng bền vững hướng đến xây dựng và phát triển nền KTTH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Lựa chọn nền KTTH là một tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
                          Tiến sĩ Lê Đức Viên
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng
[Nguồn: Cổng TTĐT Thành phố Đà Nẵng]