Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 06:52 GMT+7

Sản xuất bền vững

Nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp da giầy

08/11/2021

Ngành công nghiệp da giầy đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó giải quyết bài toán về công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo các yếu tố về môi trường có tính quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành. 

Ông Nguyễn Chí Thanh, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da giầy có những trao đổi xung quanh vấn đề này. 

Ông Nguyễn Chí Thanh - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da giầy

PV: Các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên vị thế của doanh nghiệp nội địa so với các doanh nghiệp FDI vẫn thấp, chủ yếu là gia công và sản xuất giày cho các doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông lý do là gì? 

Ông Nguyễn Chí Thanh: Hiện nay, số lượng doanh nghiệp da - giày tại Việt Nam vào khoảng trên 1.700 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nội địa chiếm tỷ lệ 80 - 90% tổng số doanh nghiệp da - giày trong cả nước nhưng hầu hết đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp da - giày FDI tuy chỉ chiếm hơn 10% nhưng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp này lại chiếm đến 70 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da - giày Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân là 7%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép tăng liên tục trong giai đoạn 2016 - 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu hàng giày dép các loại đạt 16,8 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2019, nhưng tăng 29,2% so với năm 2016.

Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch khẩu hàng giày dép của Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2020. Giày dép là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam, nhưng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI trong phân khúc xuất khẩu. Năm 2020, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, trong khi 78,9% vẫn do các doanh nghiệp FDI đảm nhận. Đó là do đa số các DN da - giầy là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có đủ nguồn lực để tiếp cận và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo tôi vị thế của doanh nghiệp nội địa thấp so với các doanh nghiệp FDI khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có một số lý do như: Năng suất lao động thấp; chi phí giá thành sản phẩm cao; lao động có kỹ năng, tay nghề cao còn thiếu; việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường xuất khẩu chưa đạt dẫn đến nhiều DN chưa tận dụng được các FTA (trong đó có vấn đề môi trường); và đặc biệt nguồn lực tài chính còn yếu.

 

Doanh nghiệp da giày Việt Nam cần tăng tốc thâm nhập thị trường

Các doanh nghiệp da - giày nội địa chủ yếu hoạt động theo hình thức hộ gia đình, nhân lực được đào tạo cơ bản, chính quy vô cùng khan hiếm, dẫn đến việc quản lý sản xuất yếu, kém; việc áp dụng và làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến còn hạn chế khiến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định; do đòi hỏi về nhân sự thiết kế trong ngành rất cao, vừa phải có năng lực chuyên môn thiết kế vừa phải có chuyên môn ngành da - giày nên phần lớn các doanh nghiệp chưa chú trọng phát triển mẫu mốt mới, chỉ dừng lại ở việc sao chép, gia công. 

Về nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị, theo số liệu của LEFASO hiện nay có tới 85% doanh nghiệp da - giày hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép thì nguyên phụ liệu chiếm tới 68-75% nhưng các DN nội địa đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đến 80%. Máy móc, thiết bị đa phần nhập khẩu, hiện đã cũ và lạc hậu; linh, phụ kiện thay thế khan hiếm, trình độ tay nghề kỹ thuật sửa chữa không cao dẫn đến tính chính xác của máy móc, thiết bị giảm đáng kể kéo theo chất lượng thành phẩm cũng chỉ đạt ở mức TB, thấp.

Về môi trường, việc quản lý, xử lý chất thải trong ngành đòi hỏi rất khắt khe, chi phí xử lý cao cũng tạo ra rào cản lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.

PV: Theo ông các doanh nghiệp cần có định hướng như thế nào để phát triển bền vững hơn, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu? 

Ông Nguyễn Chí Thanh: Theo tôi một số định hướng mà DN cần để phát triển bền vững hơn, nâng cao vị thế và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu:

Tham gia trực tiếp vào quá trình thiết kế, R&D: Như ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam đánh giá “Đa số các chuỗi cung ứng, các nhãn hàng đều tin tưởng vào khả năng R&D và thiết kế của DN Việt Nam”, đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy Việt Nam đang thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành da giày thay vì chỉ làm gia công theo mẫu của các nhãn hàng trước đây. Khâu thiết kế, R&D là công đoạn mang lại giá trị gia tăng rất lớn trong sản phẩm.

 

Đẩy mạnh quá trình thiết kế, nghiên cứu công nghệ là giải pháp giúp doanh nghiệp da giày trong nước thoái cảnh "gia công" cho các nhãn hàng nước ngoài

Tăng tỉ lệ nội địa hóa: Cùng với sự hỗ trợ, chính sách của Nhà nước, khả năng cung ứng nguyên vật liệu của ngành da giày Việt Nam hiện đã tương đối tốt khi nguồn nguyên liệu trong nước đã chủ động được 60%. Cụ thể, nguyên phụ liệu chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành của ngành da giày. Trong nước đã chủ động gần như toàn bộ việc sản xuất đế giày, từ khuôn đế, hoàn thiện đế và các nguyên phụ liệu, đóng gói, tem nhãn,…

Nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí giá thành,… tăng năng lực cạnh tranh của DN và yếu tố quan trọng khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các FTA: Năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó, các doanh nghiệp cần hết sức cố gắng để giữ vững và tận dụng tối đa các FTA mà chúng ta đã đạt được như EVFTA, UKVFTA,….

Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững và bảo vệ môi trường: Các yêu cầu về phát triển bền vững để dần trở thành các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu và cả thị trường nội địa. DN cũng cần tính toán bài bản và lâu dài trong việc đầu tư và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để đáp ứng các yêu cầu về môi trường, phát triển bền vững.

Tiếp cận nguồn tài chính: Ngoài việc chủ động của các DN, Cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp DN, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thời gian qua, Chính phủ cùng các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp,  chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên vẫn cần giúp doanh nghiệp tiếp cận thêm các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác, đáp ứng các nhu cầu thiết thực và cấp thiết của số đông doanh nghiệp.…

Đẩy mạnh phát triển công nghệ hỗ trợ: Các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cần đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, tận dụng các chính sách phát triển CNHT của Chính phủ, tạo nguồn nguyên phụ liệu nội địa đảm bảo về số lượng và chất lượng, giúp các DN sản xuất chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA giúp DN được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với các sản phẩm da - giày. Tăng cường liên kết với các đơn vị nghiên cứu, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, đầu tư, chế tạo máy móc nội địa hóa nhằm tiết giảm chi phí đầu tư.

PV: Là Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực Da giày, hoạt động của Viện có hoạt động cụ thể gì giúp doanh nghiệp trong ngành giải quyết các khó khăn kể trên, tiến tới phát triển bền vững ngành Da giày Việt Nam?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Là Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Công Thương, theo chức năng nhiệm vụ, định hướng trong thời gian 2021-2025 của chúng tôi là tập trung vào các hoạt động KH&CN và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn của các DN; đồng thời nghiên cứu tư vấn tham mưu chuyên ngành cho các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển bền vững ngành da - giầy. Viện đang xây dựng đề xuất và từng bước thực hiện một số các hoạt động, cụ thể: 

Về Khoa học và Công nghệ: Trong thời gian gần đây, Viện không tập phát triển các hoạt động KHCN mang tính đơn lẻ, gián đoạn mà thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị da, chuỗi giá trị sản phẩm từ da,… có kết nối chuỗi giá với ngành nông nghiệp, du lịch và các hoạt động Công thương. Trong đó ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các nghiên cứu liên Viện nhằm đưa ra các sản phẩm nghiên cứu có thể ứng dụng ngay vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Về nguồn nhân lực: Viện đã liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín ở trong và ngoài nước như Trường Đại học Công nghệ & Thiết kế quốc gia Kiev, Ukraine; Viện Nghiên cứu Da Trung ương Ấn Độ; Hiệp hội các nhà sản xuất da giày, máy thuộc da và phụ tùng Italia (ASSOMAC); Hiệp hội Da-Giày-Túi xách VN (LEFASO); Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp... nghiên cứu, đổi mới phương pháp đào tạo (đào tạo theo modul, ứng dụng CNTT trong công tác đào tạo…), đào tạo các bậc học từ trung cấp nghề đến sau đại học cũng như các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn ngắn hạn theo nhu cầu của các DN.

 

Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của Viện nghiên cứu da - giầy

Về Quy chuẩn, tiêu chuẩn: Viện đã triển khai lộ trình xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành da - giầy, đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành,nhằm nâng cao năng lực phân tích, thử nghiệm trong nước để kiểm soát chất lượng sản phẩm ngành da - giầy, cũng như tạo điều kiện để các DN có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về cơ chế, chính sách: Viện đã chủ động tham mưu về việc xây dựng, điều chỉnh, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp nhằm giúp các DN da - giày Việt Nam từng bước chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của các DN da - giày nội địa. Liên kết, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ như Viện Nghiên cứu Cơ khí, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp… nghiên cứu, chế tạo máy móc, thiết bị đảm bảo yêu cầu kỹ thuật với chi phí hợp lý hỗ trợ các DN trong ngành.

Hi vọng rằng, với những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước cùng với sự quyết tâm của doanh nghiệp, ngành công nghiệp Da giày trong nước sẽ dần chiếm lĩnh thị trường, tham gia toàn diện vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xin cảm ơn ông.

Giang Nguyễn - Doãn Tâm