Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:30 GMT+7

Tin hoạt động

Nâng cao năng lực về sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp

24/11/2014

Để khắc phục tình trạng trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai “Dự án đào tạo sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các doanh nghiệp Việt Nam”. Dự án do Công ty TNHH Dow Chemical (Mỹ) tài trợ về tài chính, đồng thời giám sát tổng thể quy trình thực hiện. Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch thuộc Bộ Công thương hỗ trợ về kỹ thuật và cung cấp những chuyên gia đào tạo cho các Chương trình tập huấn về sản xuất sạch hơn tại các địa phương. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao năng lực (trình độ, kỹ năng, tiêu chuẩn, quy trình, nguyên tắc) về sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải trong thực tiễn vận hành doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án, 23 khóa tập huấn đã được tổ chức tại các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An, Kiên Giang…), thu hút gần 1.511 doanh nghiệp tham gia, với 1.621 học viên chủ yếu là các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tạo ra nhiều chất thải, gây ô nhiễm cao như than, điện xăng gas, xi măng, nhựa cao su, dệt may…

 

Qua các chương trình tập huấn các doanh nghiệp đã được giới thiệu cách tiếp cận, áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó, ngăn ngừa và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, tái sử dụng nguyên liệu trong sản xuất và giảm các tác động về môi trường … Các doanh nghiệp cần áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm, dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro.

 

Cụ thể đối với quá trình sản xuất, sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm, sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Còn đối với dịch vụ, sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

 

Ngoài ra, Dự án còn tư vấn và hướng dẫn các phương pháp áp dụng sản xuất sạch hơn phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, với chi phí đầu tư ít. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng, nước và các dạng chất thải một cách có hệ thống, đổi mới và cải tiến công nghệ theo hướng tốt hơn và sạch hơn. Một số hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn cũng được Dự án thực hiện như sản xuất video clip; xây dựng website phổ cập rộng rãi các kiến thức; phát hành và cung cấp hơn 3.000 poster và tờ rơi về Dự án cho các nhà máy…

 

Đánh giá các kết quả đạt được của Dự án cho thấy, bước đầu đã xây dựng hệ thống kiến thức, trình độ, kỹ năng về sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các doanh nghiệp, thu hút được các doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng. Tuy vậy, vẫn còn một số điểm còn hạn chế được coi là rào cản trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn của các doanh nghiệp. Đó là hệ thống chính sách bảo vệ môi trường tuy đã được xây dựng hoàn chỉnh, nhưng việc tuân thủ các quy định của một số doanh nghiệp còn kém. Nhiều cơ sở sản xuất còn chưa thật sự quan tâm bảo vệ môi trường.

 

Mặt khác, nhiều nguồn lực đầu vào sản xuất (nguyên liệu, năng lượng, nước và nhân công) còn quá rẻ so với nhiều nước, nên các doanh nghiệp chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bên cạnh đó, nhận thức về lợi ích của doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn chưa đầy đủ và đúng đắn. Nhiều doanh nghiệp chưa quán triệt quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền và cho rằng, bảo vệ môi trường là việc của Nhà nước, nên có tâm lý chờ sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn.

 

Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu trong kiểm soát và hạch toán nội bộ dẫn đến việc chưa lượng hóa được chi phí mất đi theo chất thải. Do vậy họ không nhận thấy sự cần thiết áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm chất thải, giảm chi phí sản xuất. Việc phổ biến sản xuất sạch hơn thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn, trong khi nước ta thiếu các chuyên gia chuyên ngành. Cuối cùng là rào cản mang tính quản lý bao gồm văn hóa doanh nghiệp; sự phù hợp của sản xuất sạch hơn đối với phương thức quản lý của Việt Nam và kỹ năng quản lý của các chủ doanh nghiệp.

Để triển khai tốt hơn sản xuất sạch hơn vào trong doanh nghiệp trong thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng. Đi đôi với việc đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai các sáng kiến tập thể về bảo vệ môi trường. Xây dựng đội ngũ tư vấn đủ năng lực, kỹ năng để tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên các Chương trình đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng. Cũng như kết nối mạng lưới, chia sẻ thông tin về sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp, qua cách thức này các doanh nghiệp có thể lựa chọn được giải pháp an toàn hơn trong kinh doanh, giảm thiểu được những rủi ro và thiệt hại.

Nhật Minh