Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:36 GMT+7

Tin hoạt động

Hà Nội tập trung quản lý môi trường làng nghề

31/08/2021

Thực trạng còn nhiều ô nhiễm
Ô nhiễm làng nghề Hà Nội là vấn đề không mới dù đã được xử lý, khắc phục nhiều năm. Đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo nội dung triển khai "Đề án bảo vệ môi trường làng nghề định hướng đến năm 2030", nhiều làng nghề đã được khảo sát, lấy mẫu phân tích môi trường. Kết quả không mấy tích cực, phản ánh đúng hiện trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng tại hâu hết các làng nghề trên địa bàn thành phố.   

Hình ảnh thường thấy tại các làng nghề 

Khảo sát tại ba xã có nhiều hộ sản xuất chế biến nông sản quy mô lớn tại Huyện Hoài Đức là Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai với nguyên liệu chủ yếu để sản xuất là sắn củ, dong củ, gạo. Nguyên liệu sau khi được nhập về, qua khâu xay, nghiền, chế biến tạo ra thành phẩm là mì, bột sắn dây, miến dong thì cũng tạo ra lượng lớn phế phẩm, rác, thải vào hệ thống thoát nước sinh hoạt chung, hoặc đổ ra trực tiếp ra ao, hồ, kênh, mương không qua xử lý. Các loại chất thải này có hàm lượng chất hữu cơ cao lại tồn dư lâu ngày trong hệ thống ống thoái nước và kênh mương thu hút rất nhiều loại côn trùng, vi khuẩn. Khảo sát sơ bộ, hệ thống kênh, mương tại các xã này đều có tình trạng ứ đọng chất thải sản xuất, có mùi hôi đặc trưng, là nguồn có nguy cơ gây bệnh cao cho cộng đồng.

Một địa điểm khảo sát khác, làng Thuỵ Ứng huyện Thường Tín, nổi tiếng với nghề chế tác xương, sừng và da trâu bò làm giày, dép da và phụ kiện thời trang. Quy trình xử lý nguyên liệu đầu vào tại các cơ sở sản xuất ở đây rất thủ công, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Phần lớn da trâu bò nguyên liệu nhập về có mùi hôi khó chịu, thậm chí rỉ nước thối. Quá trình chế biến thủ công, bao gồm rửa sạch bằng nước, ướp muối, được thực hiện lộ thiên. Thêm vào đó, trong quá trình này một  lượng muối lớn chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường khiến nhiều ao, hồ, đất nông nghiệp xung quanh nhiễm mặn không thể canh tác. Đây là những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nhưng chưa được xử lý triệt để.

Quan khảo sát sơ bộ cho thấy, phần lớn các làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước nặng, ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ và đời sống người dân.

Phân loại theo mức độ ô nhiễm

Trước thực trạng còn nhiều vấn đề, UBND Thành phố đã chỉ đạo, ra hướng dẫn các quận, huyện tiến hành rà soát chất lượng môi trường từng làng nghề và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có trách nhiệm tổng hợp báo cáo. Dựa trên báo cáo tổng hợp của Sở TN&MT, toàn bộ các làng nghề trên địa bàn thành phố sẽ được đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường, từ đó xây dựng phương án, kế hoạch xử lý. Mục tiêu 100% làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31/2016/TT-BTNMT.

Hiện trên địa bàn thành phố và khu vực phụ cận có 1.350 làng nghề. Gần đây, 65 làng nghề đã được tiến hành khảo sát, lấy mẫu phân tích môi trường. Kết quả chỉ ra 60/65 làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm, chỉ có 5 làng nghề đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về môi trường. Đánh giá sơ bộ, hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý mà thải gần như trực tiếp ra ao, hồ gây ra tình trạng ô nhiễm ở mức độ rất cao.

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020 nhằm đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội làng nghề; đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng làm cơ sở cho việc phân loại, phân bổ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Huy động 9.500 tỷ đồng xử lý môi trường làng nghề

UBND Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý môi trường làng nghề hiệu quả, trong đó có việc tái quy hoạch các vùng sản xuất

Theo báo cáo của Sở TN&MT thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2025 thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 08 dự án xử lý nước thải, rảc thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố sẽ huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai  với kinh phí gần 9.000 tỷ đồng.

Hiện tại, một số cơ sở xử lý nước thải, rác thải trọng điểm của thành phố đã cơ bản hoàn thành và đưa vào hoạt động, như Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà với công suất 20.000 m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng công suất 8.000 m3/ngày đêm. Hy vọng khi các cơ sở này đi vào hoạt động ổn định sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng ô nhiễm tại các khu vực lân cận và trên toàn thành phố.

Một số dự án khác đang được đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhằm giải quyết vấn đề cấp, thoát nước và môi trường là dự án Hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thủy, Thanh Oai công suất 1.000 m3/ngày đêm giai đoạn 2021 – 2025 và nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Hoài Đức, công suất 4.000 m3/ngày đêm. 

Bên cạnh các giải pháp xây dựng thêm cơ sở xử lý nước, rác thải tập trung, thành phố cũng đề ra các giải pháp tái quy hoạch nhằm tách biệt khu vực sản xuất ra khỏi địa bàn dân cư. Đây cũng là biện pháp có thể giúp quản lý rác thải sản xuất hiệu quả hơn, góp phần thực hiện mục tiêu sản xuất bền vững, đảm bảo môi trường, sức khoẻ người dân. Theo đó, khoảng 30 cụm công nghiệp làng nghề đã được đầu tư hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải và đi vào hoạt động ổn định. 40 cụm công nghiệp làng nghề khác trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Hà Đông đã được đưa vào kế hoạch phát triển.

Trường Giang t/h