Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:06 GMT+7

Sản xuất bền vững

Ứng dụng công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất tại các làng nghề Hà Nội

10/10/2020

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các cơ sở sản xuất tại làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc không những nâng cao được chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiết kiệm được nguyên nhiên vật liệu mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho cộng đồng dân cư.
Với định hướng này, thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề đổi mới công nghệ, từ đó góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp các cơ sở sản xuất thực hiện các giải pháp hướng đến sản xuất sạch hơn.
Điển hình tại Công ty TNHH Gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), đầu năm 2019 doanh nghiệp này đã đầu tư máy ép song động 12 tấn, máy khắc CNC một đầu đa năng và máy ép bán dẻo, đạt công suất sản xuất khoảng 700.000 sản phẩm/năm. Nhờ độ chính xác cao nên tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng đã giảm đáng kể, kiểu dáng của sản phẩm đa dạng, góp phần nâng cao tính thẩm mỹ.
“Công nghệ hiện đại đã giúp hạ giá thành sản phẩm trên 30%, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, cơ hội mở rộng thị trường cao hơn”, bà Hà Thị Vinh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh - chia sẻ.
Tương tự, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) chia sẻ, Vạn Phúc có 200 hộ làm nghề dệt lụa, đến nay hầu hết đã cải tiến công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng, mẫu mã và số lượng sản phẩm.
Theo TS. Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội, với sự khuyến khích, hỗ trợ của thành phố, các bộ, ngành, nhiều làng nghề trên địa bàn, nhất là các làng nghề thủ công mỹ nghệ đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị hiện đại. Từ năm 2016 đến nay, chương trình khuyến công thành phố đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm môi trường, giúp các cơ sở sản xuất hướng đến sản xuất sạch hơn.
Đáng chú ý, các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất hầu hết đều phát huy được hiệu quả, do trung tâm đã có sự khảo sát, chọn lựa kỹ lưỡng các đối tượng thụ hưởng, những đề án mang tính khả thi. Trong đó, ưu tiên cho các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn. Hoạt động này cũng nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2021-2025, trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5- 8%/năm, năm 2025 đạt kim ngạch trên 550 triệu USD; tạo ra khoảng 2.000 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu.
Ðể đạt được những mục tiêu này, theo ông Đào Hồng Thái, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, tổ chức quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm; phát triển hệ thống thương mại điện tử, truy xuất thông tin hàng hóa, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp có đầu tư công nghệ, có sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo: Kinh tế Việt Nam