Nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý để thúc đẩy liên kết vùng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa qua Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long” tại TP. Cần Thơ.
Hình ảnh tại Hội thảo
Vùng đồng bằng Sông Cửu Long hiện có 174 đô thị gồm: 01 đô thị trực thuộc Trung ương, 02 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 09 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Quá trình phát triển của vùng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác triển khai Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn chậm và gặp nhiều thách thức, thể hiện qua: Tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu… Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hệ thống đô thị trong vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ từng bước được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đô thị trung tâm vùng được tổ chức phân bố để trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam tổ quốc.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp ý kiến, thảo luận về các vấn đề chính sách trong quản lý phát triển hệ thống đô thị và nông thôn của vùng đồng bằng sông Cửu Long; Định hướng hình thành bộ khung, xác định mô hình phát triển, hình thái phát triển của hệ thống đô thị và nông thôn của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy liên kết vùng, kết nối đồng bộ, hữu cơ giữa đô thị và nông thôn trong vùng; các giải pháp nâng cao và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của hệ thống đô thị và nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề hỗ trợ tài chính cũng như việc huy động nguồn lực thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những dự án phát triển đô thị trọng điểm, các khu vực nông thôn trọng điểm, hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc, cảng biển…
Theo Tạp chí Công nghiệp Môi trường