Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 04:11 GMT+7

Tin hoạt động

Những nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trên đại dương

08/01/2021

Sáng kiến thu gom rác trên biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Nguồn ảnh: ST
Các chính sách
Để hiện thực hóa mục tiêu 14.1 của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc (LHQ) về  giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng lúc, Thủ tướng chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. 
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là ngăn ngừa, quản lý và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường biển và đóng vai trò tiên phong trong khu vực trong việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (MoNRE) đóng vai trò đầu mối chuẩn bị, thực hiện các sáng kiến ​​hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế cũng như thúc đẩy hình thành quan hệ đối tác trong phòng, chống chất thải nhựa đại dương.
Một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Đức đã được phê duyệt vào tháng 7 nhằm xây dựng các văn bản hướng dẫn và thực hiện các chính sách ưu tiên về chất thải nhựa và truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thay đổi thái độ đối với rác thải nhựa. Dự án sẽ được triển khai tại 7 địa phương ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và 3 khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Côn Đảo và Phú Quốc.
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam ông Văn Ngọc Thịnh cho biết WWF đánh giá cao sự tham gia và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động cắt giảm rác thải nhựa, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường biển.
Các biện pháp được thực hiện 
Nhằm hiện thực hóa các nỗ lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan soạn thảo Đề án tham gia đàm phán thỏa thuận toàn cầu ngăn chặn rác thải nhựa trên biển để trình Thủ tướng phê duyệt trong quý II năm 2021. Song song, công tác chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ năm của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, dự kiến diễn ra ​​vào tháng 2/2022, cũng phải được gấp rút chuẩn bị.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đóng vai trò là đầu mối hợp tác với các địa phương và các tổ chức quốc tế trong để đưa ra các kế hoạch hành động và nhiệm vụ liên quan nhằm hạn chế lượng rác thải nhựa bị trôi ra biển.
Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề rác thải nhựa đại dương cũng được xác định là nhiệm vụ quan trọng, tạo ra sự thay đổi hành vi người tiêu dùng, từ đó khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường và thu gom, tái chế sản phẩm nhựa.
Ngoài ra, các chính sách và quy định cần được tăng cường để tạo hành lang pháp lý rõ ràng và hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển, cộng với việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong quản lý chất thải nhựa nhằm đem lại những kết quả tích cực.
Hương Giang biên dịch (Theo Vietnamnet)