Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, dịch vụ đã làm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, gia tăng nhanh qua các năm. Để chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường các-bon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, vừa qua Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo tham vấn về hệ thống tín chỉ các bon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn đô thị.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế Giới, các chuyên gia và các doanh nghiệp trong ngành Chất thải rắn.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ các khía cạnh từ kỹ thuật đến chính sách, từ tác động đến kinh tế, xã hội và môi trường; đặc biệt là vấn đề bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các chính sách để hoàn thiện các quy định liên quan đến quy trình đo lường, báo cáo và thẩm tra(MRV), hướng dẫn kỹ thuật về các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
TS. Trương Đức Trí - Cục phó Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi Trường) - Giám đốc Ban Quản lý Dự án trình bày tại Hội thảo
Hiện nay, cả nước có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải rắn, trong đó có 378 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị thì có khoảng 130 bãi chôn lấp được đánh giá hợp vệ sinh. Quá trình phân hủy rác tại các bãi này phát thải lượng lớn khí nhà kính. Kết quả kiểm kê khí nhà kính đối với chất thải rắn trong gian đoạn 2014-2016 cho thấy, hoạt động chôn lấp chất thải rắn tạo ra lượng khí nhà kính lớn nhất so với các phương pháp xử lý chất thải rắn khác.
Năm 2014, hoạt động chôn lấp chất thải rắn đã phát thải trên 6,5 triệu tấn CO2 chiếm 93% tổng lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động xử lý chất thải rắn. Năm 2016, số lượng này là trên 8 triệu tấn, chiếm khoảng 92%.
Về xử lý CTRSH, những năm gần đây, tốc độ đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTRSH có xu thế gia tăng. Đến nay có khoảng 295 cơ sở xử lý CTRSH, trong đó xử lý CTRST đô thị có 36 số cơ sở ủ phân hữu cơ và 72 cơ sở sử dụng công nghệ đốt. Đây được xem là những cơ sở tiềm năng trong giảm phát thải khí nhà kính thông qua các công nghệ xử lý CTRSH.
Theo một số nghiên cứu, đánh giá, ước tính tiềm năng thu hồi điện từ rác thải sinh hoạt Việt Nam khoảng quy mô công suất từ 200-4000 tấn/ngày, thu hồi tương đương khoảng 200MW điện. Nếu tận dụng triệt để nhiệt lượng sinh ra từ các quá trình đốt, lượng Khí nhà kính phát thải trực tiếp sinh có thể giảm tới 60% so với chôn lấp, chưa tính đến lượng giảm phát thải gián tiếp từ điện năng sinh ra. Với các thiết bị thu hồi nhiệt hiện đại, người ta có thể tận dụng hầu hết nhiệt năng thải ra để đưa trở lại quá trình sản xuất.
Bình Minh t/h