Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 12:17 GMT+7

Sản xuất bền vững

"Cuộc chiến" chống rác thải nhựa: Vẫn khó vì thiếu quy chuẩn

20/07/2020

Ông Nguyễn Lê Thăng Long – Giám đốc nghiên cứu và phát triển, Tập đoàn An Phát Holdings 
PV: Là tập đoàn đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển công nghệ "xanh", An Phát Holdings đã gặp phải thách thức như thế nào khi đưa sản phẩm túi sinh học phân hủy ra thị trường, thưa ông?
Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Với bất kỳ doanh nghiệp nào trong quá trình sản xuất, đưa sản phẩm mới tiếp cận thị trường sẽ gặp không ít khó khăn. Với An Phát Holdings cũng vậy, khi chúng tôi sản xuất và tìm cách tiếp cận thị trường cho sản phẩm túi phân hủy sinh học hoàn toàn với nhãn hiệu AnEco.
Thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây đang có nhiều sản phẩm nhựa dán nhãn "Tự hủy sinh học". Bản chất, đó chỉ là những sản phẩm nhựa HDPE thông thường được thêm phụ gia để dễ phân rã thành vi nhựa - thành phần còn nguy hiểm hơn cả nhựa thông thường, vì nó dễ dàng quay trở lại chuỗi thực phẩm của con người. Thế nhưng người dân lại chưa có đủ thông tin và đã tin vào khả năng "vô hại" đối với môi trường của loại sản phẩm này. 
Một thách thức nữa là giá thành các sản phẩm túi phân hủy sinh học còn khá cao, bởi việc sản xuất loại sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn này đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế rất cao và nguồn nguyên liệu để sản xuất vẫn phải nhập khẩu. 
Ngoài những thách thức về mặt chủ quan, chúng tôi cũng gặp phải một vài thách thức khách quan, trong đó có vấn đề áp dụng và quản lý các loại thuế phí lên sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường. Nếu các loại thuế phí được quản lý chặt thì mức giá chênh lệch sẽ không còn đáng bao nhiêu so với cán cân lợi ích lâu dài mà sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn mang lại.
PV: Theo ông, để người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm túi phân hủy sinh học, chúng ta cần phải làm gì? 
Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Trước hết, chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân về việc lựa chọn các sản phẩm và hướng dẫn sử dụng túi sinh học phân hủy hoàn toàn một cách tối ưu. Thêm vào đó, Việt Nam chưa có các hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm thân thiện môi trường; chúng ta chưa xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định với tỷ lệ các thành phần như thế nào thì được coi là sản phẩm phân hủy sinh học một phần hoặc sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn. Chúng tôi là doanh nghiệp, mong muốn cơ quan quản lý sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm phân hủy sinh học. An Phát Holdings sẵn sàng đồng hành, phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cũng như hàng rào kỹ thuật cho các sản phẩm này.
PV: Vậy bước đi của An Phát Holdings thời gian tới như thế nào, để cung cấp cho thị trường những sản phẩm phân hủy sinh học có giá thành cạnh tranh, thưa ông?
Ông Nguyễn Lê Thăng Long: Để có giá thành cạnh tranh thì chúng ta phải chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Nhận thức được điều đó, hiện nay Tập đoàn An Phát Holdings đã hoàn thành quá trình nghiên cứu nguyên liệu compound tự hủy sinh học và đang có kế hoạch xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học vào năm 2021, hoàn thiện vào năm 2022, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm với vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Nhà máy này sẽ giúp An Phát Holdings chủ động sản xuất và kỳ vọng giảm được giá thành sản phẩm. Điều này chắc chắn góp phần thúc đẩy thị trường sản phẩm phân hủy sinh học tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công thương