Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:34 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đồng Nai: Chung tay phát triển sản xuất đề cao tiêu chí môi trường

23/06/2020

Đề cao tiêu chí bảo vệ môi trường trong mọi quy trình sản xuất đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng và cộng đồng xã hội quan tâm. Không chỉ tạo ra sản phẩm, thói quen tốt cho sức khỏe, sản xuất và tiêu dùng xanh còn góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường sống, hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đoàn công tác của Trung ương và tỉnh kiểm tra rác thải rắn tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.LỘC
Việc đẩy mạnh xu hướng này trong sản xuất cần có thời gian, có lộ trình; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ DN, đơn vị kinh doanh và cộng đồng cùng tham gia. 
* Nhiều DN tiên phong
Mặc dù biết trước chi phí đầu tư là khá lớn, sản phẩm làm ra gặp khó khăn trong cạnh tranh so với các sản phẩm sản xuất theo công nghệ truyền thống, nhưng nhiều DN, bằng cách này cách khác, đang từng bước hướng đến sản xuất xanh, sạch, bền vững. Đó có thể là đầu tư dây chuyền, thiết bị công nghệ; đẩy mạnh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu; áp dụng công nghệ tiết kiệm điện trong sản xuất; xử lý nước và chất thải thành nguồn nguyên liệu, năng lượng tái tạo…
Là DN được cấp phép khai thác, kinh doanh nước ngầm, những năm qua, Công ty TNHH La Vie (thuộc Tập đoàn Nestlé Việt Nam) đã áp dụng hàng loạt các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng và phục hồi nguồn nước ngầm tại tỉnh Long An. Cụ thể, công ty đầu tư công nghệ giúp giảm hao hụt nước trong quá trình khai thác. Qua tính toán, năm 2019, công ty đã tiết kiệm được 30% lượng nước hao hụt trong khai thác so với năm 2010.
Cũng thực hiện chủ trương tiết kiệm nước trong sản xuất, Nhà máy Sản xuất cà phê Nestlé Trị An (KCN Amata, TP.Biên Hòa) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải thành nước sạch tái sử dụng. Tính đến cuối năm 2019, khoảng 65% lượng nước thải từ sản xuất cà phê đã được xử lý và tái sử dụng. Tại nhà máy này, toàn bộ bã cà phê sau sản xuất được tận dụng làm nguyên liệu đốt. Tro đốt trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón và làm chất đốt nhằm giảm thiểu chất thải và tiết kiệm điện năng cho lò đốt; tro phát sinh trong quá trình đốt được dùng sản xuất gạch không nung phục vụ xây dựng các công trình dân dụng. Các nhà máy khác của tập đoàn cũng đang đẩy mạnh thu gom tái chế chất thải nhằm hướng đến mục tiêu không phát thải ra môi trường.
Gạch vỡ được thu gom tái chế làm nguyên liệu sản xuất tại Công ty CP quốc tế Pancera (Khu công nghiệp Gò Dầu)
Công ty CP quốc tế Pancera (KCN Gò Dầu, H.Long Thành) cũng đang triển khai nhiều giải pháp từng bước hướng đến việc sản xuất đề cao tiêu chí môi trường. Ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc sản xuất của công ty chia sẻ, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm và môi trường, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng hoàn thiện dây chuyền sản xuất liên hoàn thay thế cho dây chuyền cũ. Ngoài ra, để chinh phục các khách hàng khó tính, công ty kêu gọi người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến nhằm tiết kiệm nhân công, tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm; hạn chế phát sinh chất thải. Từ ý tưởng của người lao động, toàn bộ gạch vỡ nát trong quá trình sản xuất, vận chuyển được nghiền nát thành nguyên liệu tái sản xuất giúp công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm từ chi phí xử lý chất thải và tiết kiệm 3-5% nguyên liệu đầu vào.
Nhiều DN ngành dệt may, da giày cũng từng bước hướng đến mục đích này thông qua đầu tư, cải tiến dây chuyền sản xuất; nâng cấp hệ thống xử lý nước thải; thu gom và tái chế nguyên liệu thừa.
Tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa), để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường của đối tác là Tập đoàn Nike, từ năm 2017, công ty đã đầu tư 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 30m3/ngày đêm và 80m3/ngày đêm, gắn quan trắc tự động và kết nối với Trung tâm Quan trắc thuộc Sở TN-MT. Định kỳ 3 tháng một lần công ty lấy mẫu nước thải phân tích các chỉ số và có sự điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Đối với chất thải rắn, chất thải nguy hại, công ty có kho lưu trữ riêng, hợp đồng với các đơn vị có chức năng để xử lý, tái chế chất thải.
* Cần nhiều giải pháp “mạnh tay”
Để sản xuất đề cao các tiêu chí bảo vệ môi trường trở thành tất yếu, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ DN, nhà phân phối, người tiêu dùng cùng tham gia.
Từ năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành quy định về thu hút đầu tư các dự án vào khu công nghiệp (KCN), trong đó một mặt áp dụng cơ chế ưu tiên, lựa chọn các dự án thuộc nhóm ngành nghề ưu tiên, dự án sử dụng công nghệ sạch, ít phát sinh chất thải; một mặt khuyến khích và hỗ trợ DN đổi mới công nghệ và đầu tư mạnh cho xử lý môi trường.
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN  Đồng Nai cho rằng, nhận thấy mối liên hệ giữa môi trường và phát triển công nghiệp, Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm hướng đến sản xuất công nghiệp xanh như: di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư, giải thể KCN Biên Hòa 1; quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp theo nhóm ngành nghề. Cùng với đó là ban hành cơ chế hỗ trợ về thuế, về thủ tục đối với các DN tự đổi mới công nghệ; khuyến khích các DN thu gom và tái chế chất thải thành nguyên liệu mới, năng lượng tái tạo. Ngoài ra, tỉnh đã dành ngân sách lớn đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải tại các KCN. Đến nay, 31/31 KCN đang hoạt động đều đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý nước thải cho các DN.
Trong quản lý quy hoạch, hiện tại, tỉnh chỉ cho phép mở rộng các KCN khi đảm bảo các điều kiện về môi trường và xây dựng; hạn chế thu hút đầu tư các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như: sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm, thuộc da, xi mạ, bột giấy; tạm ngừng thu hút đầu tư vào các KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. “Chủ trương hiện nay của tỉnh là thu hút các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm tác động xấu đến môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững” - ông Danh thông tin,
* Phải có cơ chế hỗ trợ rõ ràng
Theo chia sẻ của nhiều DN, sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường là xu hướng tất yếu, trong đó, khâu sản xuất là điều kiện quan trọng để DN có thể hợp tác lâu dài với các đối tác, bạn hàng lớn. Nhưng việc nhân rộng sản xuất đề cao các tiêu chí môi trường thực tế là vô cùng khó khăn, đặc biệt là với các DN vừa và nhỏ, không có thế mạnh về tài chính, thị trường. Do đó, DN cần cơ chế hỗ trợ rõ ràng về vay vốn, thuế đất, về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu và máy móc, về quảng bá và tiêu thụ sản xuất để DN yên tâm đầu tư cho sản xuất sạch.
“Các quy định, chính sách của Nhà nước, tỉnh mới chỉ dừng lại ở hỗ trợ một vài DN sản xuất các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, chưa có sự hỗ trợ đồng bộ với các DN, chưa có chế tài đủ mạnh để điều chỉnh hành vi sản xuất các sản phẩm chưa thân thiện với môi trường. Đây là một trong những hạn chế cần được khắc phục để hướng tới lợi ích chung” - ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Chuối Thanh Bình, đơn vị chế biến chuối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trên địa bàn H.Trảng Bom chia sẻ.
Hiện nay, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có ưu tiên thu hút các dự án không gây hại đến môi trường; cấp phép cho các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động; khuyến khích DN phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế; tiếp tục hỗ trợ các DN chuyển đổi công nghệ sản xuất. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị kinh doanh chung tay thực hiện phân phối tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm đã đáp ứng các tiêu chí khắt khe về môi trường trong quá trình sản xuất.
Hoàng Lộc