Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 19:44 GMT+7

Tin hoạt động

Nhiệt điện Na Dương: Bước chuyển mình vững chắc

16/10/2014

Nhiệt điện Na Dương (Tổng công ty Điện lực-Vinacomin) có tổng số vốn đầu tư 120 triệu USD, công suất thiết kế 100 MW, công nghệ Nhật Bản đã chính thức hòa lưới điện quốc gia từ năm 2004.

10 năm là kết quả của một quá trình dài Công ty Nhiệt điện Na Dương không ngừng phấn đấu, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, khắc phục khó khăn, từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến.

Kỹ sư vận hành Hoàng Văn Tài cho biết, công việc vận hành tổ máy khá áp lực, đòi hỏi sự tập trung cao, nhưng các cán bộ, công nhân mỗi ca trực đều nỗ lực đảm bảo vận hành tổ máy an toàn, giữ cho nguồn điện hòa vào lưới quốc gia.

Thuận lợi về công nghệ, song nguyên liệu luôn là vấn đề cán bộ, công nhân công ty trăn trở. Than Na Dương có độ bốc cao nhưng chóng tàn, tiêu hao nhiều hơn so với than Đồng Rì hay than Đông Triều.

Than xấu nên phải đốt khối lượng lớn hơn, chi phí đầu vào cũng cao hơn. Theo tính toán của Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương, ông Lê Văn Xuân, cứ 5 lạng than Đông Triều chạy được một kWh, nhưng với than Na Dương phải tốn tới 7,2 lạng.

Với nhiệm vụ tiêu thụ than cho mỏ Na Dương, việc thay đổi nguồn nguyên liệu là không thể, nên Công ty đã đẩy mạnh phong trào thi đua, áp dụng các sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào.

“Các sáng kiến đã nảy sinh trong quá trình sản xuất của người lao động”. Ông Xuân cho biết, việc xử lý bụi phát sinh do than xấu được chú trọng ngay sau khi nhà máy được đưa vào vận hành.

Hiện nay, các khâu tuần hoàn trong nhà máy đều được khép kín, chỉ thải ra môi trường khoảng 0,6% lượng nước thải đã được xử lý, khoảng 300 m3/ngày.

Không ỷ lại vào công nghệ, thiết bị tiên tiến, việc chăm sóc thiết bị phụ trợ luôn được Công ty coi trọng. Mỗi khi gặp sự cố, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân túc trực ngày đêm sửa chữa, nhằm sớm đưa tổ máy vào vận hành.

Mỗi năm Nhiệt điện Na Dương có kế hoạch bảo dưỡng từ 12-15 ngày và thường tập trung vào quý III. Ông Xuân nói “đây là thời điểm EVN huy động thấp”.

Ông Xuân giải thích, mùa mưa, nước về nhiều, EVN ưu tiên nguồn thủy điện và hạn chế nguồn nhiệt điện. Mùa khô, nhu cầu sử dụng điện cao, nguồn cung hạn chế, EVN sẽ huy động tối đa nguồn nhiệt điện.

Thời gian sửa chữa kéo dài, tổ máy chậm đưa vào vận hành sẽ gây tổn thất về sản lượng. Ông Xuân kể từ năm 2009 chúng tôi đã thay đổi phương thức vận hành băng tải xích của trạm nghiền đá, rút ngắn thời gian sửa chữa từ 7 ngày xuống 2 ngày.

Theo ông Xuân, khi công suất tổ máy phát đủ 24 giờ, doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng/ngày. Việc áp dụng sáng kiến, rút ngắn thời gian sửa chữa xuống 5 ngày đã làm lợi cho Công ty 15 tỷ đồng.

Na Dương, nhà máy nhiệt điện đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, không chỉ sản xuất giỏi mà còn là “cái nôi” đào tạo cán bộ cho Tổng công ty Điện lực - Vinacomin. Nhiều cán bộ đang làm việc ở Tổng công ty có xuất phát từ Na Dương.

Hàng năm Công ty đều cử các nhóm chuyên gia hỗ trợ nghiệp vụ cho các nhà máy khác. Ông Xuân dẫn chứng “một nhóm đang hỗ trợ Nhiệt điện Cẩm Phả bảo dưỡng tuabin”.

Theo ông Võ Sơn Tám - Chủ tịch Công đoàn Công ty, những năm qua, Nhiệt điện Na Dương luôn chú ý vấn đề tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, công nhân đều thấy được vai trò, vị trí của nhà máy, để nâng cao tinh thần làm chủ công nghệ, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đảm bảo an toàn sản xuất.

Ngoài các chính sách của Nhà nước, quy chế của Tổng công ty, Công ty luôn cố gắng để thu nhập của 350 cán bộ, công nhân tăng đều theo từng năm. Năm 2005, tiền lương bình quân đạt 2.486 nghìn đồng/người/tháng, thì năm 2013 đã đạt 6.800 nghìn đồng/người/tháng.

Ông Tám tự hào nói kết quả của phong trào thi đua thể hiện năm nào chúng tôi cũng vượt doanh thu, bảo đảm sản xuất tuyệt đối về an toàn và đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân.