Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:58 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Nhận diện túi nilon phân hủy sinh học

05/05/2020

Ảnh minh hoạ

Cùng với sự phát triển của công nghệ và ưu tiên của người tiêu dùng, các sản phẩm dán nhãn nilon/nhựa tự hủy sinh học đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên việc phân biệt sản phẩm nilon/nhựa tự hủy sinh học thực sự và sản phẩm chỉ dán nhãn "tự hủy sinh học" không phải người tiêu dùng nào cũng nắm được. 

Theo một số chuyên gia, thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây đang có rất nhiều sản phẩm nhựa dán nhãn "tự hủy sinh học". Về bản chất, đó chỉ là những sản phẩm nhựa HDPE thông thường được thêm phụ gia để dễ phân rã thành vi nhựa, thành phần còn nguy hiểm hơn cả nhựa thông thường vì dễ dàng hòa lẫn vào nguồn nước, đất, bị động vật nuốt vào và quay trở lại chuỗi thực phẩm của con người. Trong khi đó, sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thực sự được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường có khả năng phân hủy hoàn toàn thành CO2, nước và mùn hữu cơ. Việc phân biệt hai loại sản phẩm này là rất quan trọng.

Cần đọc kỹ thành phần

Túi nilon tự hủy thường có màu trắng hoặc trong suốt, khi sờ vào trơn mượt. Tuy mỏng hơn, nhưng loại túi này có độ dai, bền tương đương túi nilon truyền thống. Về giá thành, các sản phẩm nilon tự hủy sinh học có giá cao hơn hẳn so với nilon thường. Trung bình 1kg, nilon tự hủy sinh học thường có giá 50-90 ngàn đồng cho sản phẩm nội địa, và hơn 100 ngàn đồng cho sản phẩm nhập khẩu. 

Một nhà sản xuất chuyên sản phẩm nilon tự hủy sinh học cho biết, việc sản xuất loại sản phẩm sinh học hủy hoàn toàn đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao. Nguyên vật liệu sản xuất hoàn toàn nhập khẩu, quy trình sản xuất phải tuân thủ các quy chuẩn nghiêm ngặt nhằm đảm bảo khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn. Do đó giá thành của các sản phẩm phân hủy sinh học có khá cao so với sản phẩm nhựa thông thường.

Theo PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà - Viện Công nghệ sinh học, túi phân hủy sinh học khi có tác dụng của vi sinh vật trong môi trường, đặc biệt ở môi trường mật độ vi sinh vật cao, sẽ chuyển hóa thành CO2 và H2O hoặc tạo thành chất hữu cơ đơn giản và hòa tan trong môi trường. Còn túi nhựa tự hủy chỉ vỡ vụn thành những mảnh có kích thước rất nhỏ, sau một thời gian bị tác động của loại hóa chất mà nhà sản xuất dùng để sản xuất sản phẩm này, vẫn phát tán trong môi trường. Do vậy, người tiêu dùng cần phân biệt rõ giữa túi nilon tự hủy và nilon phân hủy sinh học để tránh nhầm lẫn và có quyết định đúng đắn khi lựa chọn mua sản phẩm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/ngày. Túi nilon phân hủy sinh học có thể phân rã trong thời gian từ 6 tháng - 2 năm, hoặc lâu hơn nữa, tùy theo điều kiện môi trường. Do đó, việc sử dụng túi nilon vẫn là một gánh nặng với môi trường.
Trường Giang tổng hợp